Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Doanh nhân nữ và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Với cái nhìn tinh tế và trái tim nhạy cảm, doanh nhân nữ sẽ tham gia và quản lý chuỗi cung ứng một cách hiệu quả..
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và các doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu

Khẳng định doanh nhân nữ luôn là động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tại Diễn đàn “Định vị Doanh nhân nữ trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, với tấm lòng nhân hậu, bao dung, các doanh nhân nữ sẽ tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế bằng sự sáng tạo và kinh doanh nhân văn cũng như tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng.

Trong tương lai không còn là sự cạnh tranh giữa các công ty mà là sự cạnh tranh của các chuỗi kết nối xuyên lục địa. Sống trong thế giới siêu kết nối thì các doanh nghiệp nữ cần kết nối với nhau và Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam cần xây dựng chuỗi giá trị của doanh nhân nữ bằng trái tim. Số hóa và phát triển bền vững là 2 nền tảng để nữ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”- TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, các doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng vẫn đang đối mặt với các trở ngại trong xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng của bản thân doanh nghiệp và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho biết, hiện nay các nguyên nhân chủ yếu được xác định là do thiếu vốn và công nhân lành nghề, sử dụng công nghệ lạc hậu, khả năng quản lý yếu kém. Đồng thời, công tác kho vận và phân phối hàng hóa chưa thuận lợi cho khách hàng, thậm chí còn thiếu kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài.

Bà Minh nhận định, các doanh nhân nữ muốn đưa doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó mở rộng thị trướng xuất khẩu, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trong thương trường quốc tế thì bản thân các doanh nghiệp cần tự “nâng cấp” mình.

Cụ thể, bà Minh cho rằng, nên bắt đầu chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, cải thiện quy trình sản xuất, sản phẩm làm ra phải đạt yêu cầu, đảm bảo tiến độ, chất lượng, đầu tư, nâng cấp hệ thống quản lý…

“Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để hiểu rõ thị trường và luật pháp, quy định liên quan, phân tích năng lực, điểm mạnh – điểm yếu của mình để có định hướng và chiến lược phát triển phù hợp”, bà Minh đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, để tham gia và quản lý chuỗi cung ứng một cách hiệu quả, chính các doanh nhân phải tự nâng cao ý thức của mình, nắm bắt cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt phải có suy nghĩ để vươn ra tầm quốc tế.

Chuỗi cung ứng không chỉ là hàng hoá mà còn là chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. ”Cần tiến đến việc làm chủ cũng như tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng thì chúng ta sẽ sớm đạt được thành công”,ông Hải khẳng định.

Hiện nay, phụ nữ hiện chiếm khoảng 48% lực lượng lao động và có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia. Theo thống kê của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), Việt Nam có sự đa dạng giới cao so với các nước trong khu vực khi trong lĩnh vực kinh doanh với khoảng 25% CEO hoặc thành viên Hội đồng quản trị là nữ. 

Trong chuỗi giá trị, hỗ trợ nâng cao năng lực cho nữ doanh nhân là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững. Việc mở rộng chiến lược nội địa hoá và hỗ trợ doanh nghiệp nữ gia nhập chuỗi cung ứng nhằm đem đến cơ hội thiết thực nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp trên tiến trình gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các nữ doanh nhân hiện đã có nhiều điều kiện để tiếp cận khoa học công nghệ, tri thức của nhân loại, mô hình phát triển, thị trường quốc tế; tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu và đóng góp vào những giá trị chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số, các vấn đề mới đang nảy sinh và tác động tới doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ. Do đó, việc kết nối và xây dựng mạng lưới doanh nhân nữ bền chặt sẽ góp phần quan trọng tạo động lực, khuyến khích và thúc đẩy tinh thần và ý chí kinh doanh của chị em phụ nữ, giúp cộng đồng doanh nhân nữ tự tin và vững vàng hơn trong hội nhập và quốc tế.

Theo DĐDN