Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Doanh nhân Nguyễn Kim Anh, Giám đốc sản phẩm VinBigdata: Áp lực là cơ hội để quyết tâm hơn

Nếu chỉ dựa vào các mã lệnh, VinBigdata sẽ không thể ra mắt ViGPT – “ChatGPT phiên bản Việt” đầu tiên dành cho người dùng cuối. Trong hành trình đó, vị Giám đốc sản phẩm là người truyền lửa nhiệt huyết, dẫn dắt đội ngũ “cán đích” thành công.

Doanh nhân Nguyễn Kim Anh, Giám đốc sản phẩm VinBigdata

Tìm cách sinh tồn giữa thị trường khốc liệt

Bấy lâu nay, những người làm việc trong mảng công nghệ thường bị cho là có phần lạnh lùng và kiệm lời. Mỗi ngày phải ngồi làm việc với hàng trăm câu lệnh lập trình, nên sự khô khan và cứng nhắc có lẽ đã trở thành một “căn bệnh nghề nghiệp” của dân công nghệ thông tin. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Anh, Giám đốc sản phẩm VinBigdata lại không nghĩ vậy.

Trong suốt cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nụ cười luôn hiện diện trên gương mặt của vị giám đốc 8X này. Chính nguồn năng lượng tích cực ấy đã góp phần giúp VinBigdata có thể bứt tốc trong cuộc đua AI (trí tuệ nhân tạo) đầy khốc liệt.

Khi nhắc đến từ khóa AI, ông Kim Anh tỏ ra vô cùng hào hứng. Theo ông, năm vừa qua là giai đoạn bùng nổ của công nghệ này. Không nhìn đâu xa, ngay tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2024 (Mỹ), AI đã được tích hợp trong đủ loại sản phẩm, từ ti vi, máy giặt, cho đến máy tính, robot. Cả start-up nhỏ hay doanh nghiệp lớn, không ai muốn bỏ lỡ xu thế mới này.

“Dù một số sản phẩm có hiệu quả thực tế chưa cao, nhưng chúng ta vẫn nên trân trọng những công ty tiên phong như vậy. Chính các ý tưởng đó sẽ mở ra phong trào mới và thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học – công nghệ”, ông Kim Anh chia sẻ.

Nhìn về quá khứ, mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) – công nghệ tiền thân của các AI chatbot hiện tại – đã xuất hiện từ chục năm trước. Khi đó, nhiều ý tưởng sáng tạo đã được nhen nhóm, nhưng vì rào cản phần cứng, nên việc hiện thực hóa vẫn nằm ngoài tầm với.

Giờ đây, xu hướng AI mà chúng ta hết sức thán phục là thành quả của ý chí và khát vọng của rất nhiều kỹ sư công nghệ – những người đã không quay lưng lại với các dòng code của mình.

Bản thân ViGPT, giải pháp ứng dụng AI tạo sinh mới nhất của VinBigdata, cũng ra đời trong bối cảnh như vậy. Dù sản phẩm ra mắt đúng dịp trào lưu AI bùng nổ, nhưng đây lại là kế hoạch đã được Công ty ấp ủ ngay từ những ngày đầu thành lập.

Biến số chỉ thực sự xảy đến khi OpenAI bất ngờ tung ra ChatGPT. Cả thế giới như “phát cuồng” với khả năng của AI chatbot này. Nhiều “ông lớn” công nghệ như Google, Microsoft, Facebook… đã gấp rút tung ra những sản phẩm tương tự để cạnh tranh và VinBigdata cũng không phải ngoại lệ.

Tôi ấn tượng nhất với cuốn sách ‘Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi’. Chúng ta không thể đối diện và xử lý khó khăn với một tâm trạng tiêu cực. Do đó, tôi luôn nhìn nhận áp lực như một cơ hội để bản thân trở nên quyết tâm và tập trung hơn. Với những người làm công nghệ, nếu không có áp lực, thì họ sẽ dễ đưa ra một sản phẩm thiếu chiều sâu.

– Doanh nhân Nguyễn Kim Anh

“Trào lưu công nghệ AI là một làn sóng đến rất nhanh. Nếu chậm chân và không đưa ra sản phẩm kịp thời, Công ty sẽ tụt lại phía sau. Vì vậy, mọi nhân viên của VinBigdata đã dồn toàn bộ nguồn lực và tâm huyết nhằm rút ngắn tối đa thời gian ra mắt ViGPT”, ông Kim Anh cho biết.

Dẫu vậy, đội ngũ của Công ty vẫn phải đối diện với một khó khăn khác, đó là tìm điểm mấu chốt để tạo ra sức cạnh tranh của sản phẩm. Nếu ViGPT không có những điểm độc nhất, dự án này sẽ chìm vào quên lãng giữa hàng tá AI chatbot mọc lên như nấm sau mưa. Sau nhiều buổi họp căng thẳng và bao đêm mất ngủ, ông Kim Anh và những người cộng sự đã tìm ra được đáp án cho bài toán này.

“Chúng tôi không hướng đến một sản phẩm đi theo hướng ‘one size fits all’ (một phiên bản phù hợp cho tất cả mọi người). Thay vào đó, ViGPT tập trung phục vụ các yêu cầu riêng biệt của từng nhóm khách hàng cụ thể. Doanh nghiệp có thể huấn luyện ViGPT với dữ liệu nội bộ và những gì họ nhận được sẽ là một AI chatbot phù hợp nhất với nhu cầu của đơn vị”, Giám đốc sản phẩm VinBigdata khẳng định.

Ngoài ra, ViGPT còn được tối ưu để trả lời chính xác và khách quan những câu hỏi đặc thù về Việt Nam, bao gồm các đặc trưng văn hóa vùng miền, lịch sử, du lịch, văn học và sức khỏe thường thức. Không chỉ vậy, chi phí vận hành sản phẩm này cũng thấp hơn nhiều lần so với các AI chatbot nổi tiếng trên thế giới. Việc tập trung vào thị trường ngách và cố gắng giải quyết những vấn đề của khách hàng chính là “quân bài tẩy” giúp ViGPT cạnh tranh với những đối thủ lớn.

Cuối cùng, vào ngày 27/12/2023, ViGPT đã được giới thiệu trước công chúng. Sản phẩm đã nhận về hơn 25.000 lượt đăng ký dùng thử và 10.000 người sử dụng trong 15 ngày thử nghiệm phiên bản cộng đồng. Dẫu vậy, những con số ấn tượng trên vẫn không thể khỏa lấp nỗi lo xuất hiện trong tâm trí của vị Giám đốc sản phẩm VinBigdata.

“Sự đón nhận của cộng đồng là niềm vui lớn nhất của đội ngũ phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực với chúng tôi khi mọi người đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào ViGPT. Nhóm đang lên kế hoạch và xây dựng các phương án để tiếp tục tối ưu sản phẩm”, ông Kim Anh cho hay.

Năm 2024, VinBigdata sẽ tiếp tục chặng đường hoàn thiện ViGPT và tiến đến mục tiêu thương mại hóa. Dự kiến vào cuối tháng 3/2024, phiên bản ViGPT dành cho cộng đồng sẽ được phát hành miễn phí cho các tổ chức phi lợi nhuận. Các đơn vị này chỉ phải chi trả chi phí vận hành, với mức giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với các mô hình khác.

Việc ra mắt ViGPT đánh dấu khả năng làm chủ công nghệ của đội ngũ kỹ sư trong nước và là minh chứng cho thấy, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tự chủ khai thác, bảo vệ an ninh dữ liệu quốc gia. Trong cuộc đua AI, với vị trí là doanh nghiệp tiên phong, VinBigdata đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, thị trường luôn cần những người kiến tạo. Không chỉ là một công cụ chatbot, ViGPT còn là nguồn cảm hứng cho một thế hệ sản phẩm AI được gắn nhãn “make in Vietnam” vươn ra biển lớn.

Áp lực là điều tích cực

Trong quá trình làm nghề, ông Kim Anh luôn cảm thấy tự hào về những kỹ sư công nghệ Việt Nam. Xét riêng trong mảng AI, đội ngũ nhân sự trong nước có trình độ không hề thua kém các quốc gia phát triển. Tại trụ sở của các Big Tech (các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ), không khó để bắt gặp những lập trình viên đến từ Việt Nam.

“Các trường đại học đã bắt đầu tập trung và xây dựng thêm các ngành học liên quan AI. Sinh viên được tuyển chọn vô cùng khắt khe. Chẳng hạn, tại Đại học Bách khoa, khoa học máy tính là ngành được quan tâm nhiều nhất và có mức điểm đầu vào rất cao”, ông Kim Anh cho biết.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp ở Việt Nam cũng rất cởi mở với AI. Các công ty luôn sẵn sàng “đi tắt, đón đầu” để rút ngắn khoảng cách so với các đối thủ ngoại. Chính yếu tố này giúp đội ngũ nhân sự AI có “đất dụng võ” và thoải mái thử nghiệm những ý tưởng mới mà không sợ thất bại.

“Mấu chốt là phải tiếp thêm động lực cho các thành viên. Nếu chính những người làm sản phẩm không tin tưởng vào những gì mình đang thực hiện, thì dự án ấy sẽ khó thành công”, ông Kim Anh trải lòng.

Đằng sau sản phẩm được cộng đồng đón nhận là chuỗi ngày làm việc không ngơi nghỉ của đội ngũ lập trình viên. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực công nghệ AI, thì áp lực là thứ hiện hữu hàng ngày, hàng giờ. Đây chính là lúc ông Kim Anh phát huy vai trò “đầu tàu” của mình.

Theo Giám đốc sản phẩm VinBigdata, một vị lãnh đạo tốt cần phải nắm rõ thế mạnh và điểm yếu của từng nhân sự. Họ sẽ phải biết đâu là giai đoạn mà cấp dưới gặp khó khăn và đâu là thời khắc cần bứt phá để phân phối công việc hiệu quả. Không chỉ vậy, bản thân người thủ lĩnh cũng phải bình tâm trước mọi áp lực. Một tiếng thở dài ngao ngán cũng có thể dập tắt ngọn lửa nhiệt huyết của cả công ty.

Cũng giống như khi nhìn vào xu hướng AI, nhiều người lo sợ bản thân sẽ sớm bị thay thế bởi máy móc. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Kim Anh, thách thức này thực chất lại là một cơ hội. Với sự hỗ trợ đắc lực của AI, lực lượng lao động giờ đây sẽ đóng góp được nhiều giá trị hơn cho xã hội. Thời gian làm việc được rút ngắn, nhưng hiệu quả lại cao hơn. Đây mới thực sự là mục tiêu mà các sản phẩm AI nhắm đến.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của công nghệ này cũng là một lời nhắc nhở đối với người lao động. Trí tuệ nhân tạo dù có tiên tiến đến đâu, thì cũng vẫn xếp sau trí tuệ con người. Chỉ cần bản thân liên tục trau dồi chuyên môn và không ngừng học hỏi, thì không có cỗ máy hay AI nào có thể giành cơ hội việc làm từ tay người lao động. Trong một thế giới biến động không ngừng, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau, nếu tất cả có chung quyết tâm tiến lên phía trước.

Theo baodautu.vn