Đây là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Tọa đàm ‘Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc’.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, với trên 715.000 doanh nghiệp hoạt động, trên 5 triệu hộ kinh doanh, Việt Nam đang có số lượng doanh nhân khoảng 5 – 7 triệu người. Khu vực doanh nghiệp dưới các loại hình khác nhau đang đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động. Trong đó, khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế.
Từ 2016 đến nay, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của kinh tế ngoài Nhà nước liên tục tăng, chiếm 43,3% năm 2018. Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước giảm dần; của doanh nghiệp FDI cơ bản giữ nguyên.
Theo ông Nam, để đạt được những kết quả trên, cần sự nỗ lực, cố gắng mạnh mẽ, quyết tâm của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm dịch vụ đạt chất lượng; xóa bỏ các định kiến “làm ăn chộp giật”, “bóc ngắn cắn dài”. Ngoài ra, pháp luật cũng chặt chẽ hơn trong quản lý và tạo cơ chế khuyến khích gia tăng sản xuất.
Trong tất cả các lĩnh vực, cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều đã có những đóng góp đáng kể. Đặc biệt, khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển mạnh, đóng vai trò lớn và quan trọng. “Đương nhiên, vẫn còn có rất nhiều vấn đề cần phải chỉnh sửa song những doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Sun Group, Trường Hải, Vinamilk… vẫn đang là niềm tự hào của đất nước, của dân tộc, mang thương hiệu của quốc gia. Và tương lai, chúng ta mong có thêm nhiều các doanh nghiệp tên tuổi như vậy”, ông Nam nói.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, ở bất cứ quốc gia nào, thể chế chính trị nào, việc tạo lập cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho người dân cũng là quan trọng nhất. Dân không giàu thì đất nước không thể mạnh, mà không mạnh thì không thể tự chủ được.
Trong giai đoạn phát triển vừa qua, chúng ta đã thực hiện được sự nghiệp vĩ đại là thống nhất đất nước, thoát nghèo, trở nên giàu có hùng mạnh. Trong sự kiện thoát nghèo thì nhân vật trung tâm chính là doanh nhân. “Hôm nay chúng ta nói về doanh nhân nhưng không chỉ là doanh nhân mà còn là số phận, vận mệnh của dân tộc, đất nước”, ông Lộc nhấn mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Khắc Hiệp – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ: “Doanh nhân cũng là một nghề, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước. Còn để đồng hành thì đó là câu chuyện lớn. Nhiều người nghĩ đồng hành đóng góp cho đất nước là những gì cao sang, lớn lao và phải có tiềm lực. Nhưng theo tôi nó đơn giản, nằm ở ngay lúc bắt đầu. Như anh Phạm Nhật Vượng ở Ukraina bắt đầu từ con số 0, điều quan trọng là ngay lúc ấy nghĩ đến việc khởi nghiệp để làm gì, cho mình hay cho cộng đồng, cho bạn bè…”.
Theo ông Hiệp, là doanh nhân, cần nhìn thấy 3 lợi ích: Lợi ích cho xã hội, đất nước; lợi ích cho những người đồng hành: nhân viên. Cuối cùng mới đến lợi ích cho bản thân.
Ngọc Vy
Theo VTC