Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

‘Doanh nghiệp không thể đứng yên nếu muốn tồn tại’

Khi thế giới đang ngày càng trở nên khó đoán định, những siêu xu hướng liên tục xuất hiện thì những tổ chức có khả năng chuyển đổi nhanh, theo hướng bền vững và thích ứng linh hoạt sẽ nắm bắt được cơ hội.

'Doanh nghiệp không thể đứng yên nếu muốn tồn tại'

Sự kiện “Future business models – Shaping tomorrow” do Hội các Nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) và CABA đồng tổ chức

Đặt mình ở thời điểm cách đây 3 năm, ông Victor Tay, CEO của Liên minh kinh doanh Trung Quốc – ASEAN (CABA) chẳng tưởng tượng được rằng có thể tổ chức một hội thảo trực tuyến quy tụ hàng trăm người đang ngồi ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như sự kiện “Future business models – Shaping tomorrow” do Hội các Nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) và CABA đồng tổ chức sáng 7/7/2022.

Nếu ở thời điểm đó, một hội trường lớn hàng trăm ghế ngồi phải được thiết lập, nhiều chuyến bay được thực hiện và nhiều thủ tục rắc rối khác phải được giải quyết.

Rõ ràng, Covid-19 đã khiến nhiều thứ thay đổi, trong đó có sự bùng lên mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số. Sau Covid, cách thức làm việc thay đổi khi rất nhiều tổ chức trên thế giới đã áp dụng hình thức làm việc kết hợp trực tiếp và trực tuyến (hybrid).

Siêu xu hướng về đột phá công nghệ số cũng được ông Victor Tay nhấn mạnh với sự nổi lên của các sàn giao dịch điện tử, tiền điện tử, NFT, vũ trụ ảo (metaverse)…

Bên cạnh đó là sự hoán đổi và xê dịch về sức mạnh, đặc biệt là việc gọi tên các siêu cường có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới. Nếu như trước đây có G7 thì giờ đây người ta đang nói rất nhiều đến E7 là nhóm 7 nền kinh tế mới . Thậm chí nhiều cuộc tranh luận về việc E7 có khiến G7 thành một nhóm dư thừa đã diễn ra.

Tại ASEAN, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất và thậm chí còn được chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đánh giá là “sẽ một lần nữa vươn lên mạnh mẽ như con hổ châu Á”.

Xu hướng theo đuổi mục tiêu trung hoà carbon cũng rất đáng chú ý. Nhiều quốc gia đã cam kết nỗ lực đưa mức phát thải về 0%, được hỗ trợ bởi nhiều sáng kiến như năng lượng tái tạo, đưa vào vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon….

“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ phức tạp và khó đoán định, đã và đang tác động đến các nền kinh tế và từng doanh nghiệp, đang đặt ra những thách thức đòi hỏi tư duy chiến lược và cách thức vận hành hiệu quả để tồn tại và phát triển. Các rủi ro cần được nhận dạng và dự báo để từ đó đề xuất và áp dụng các giải pháp vào thực tiễn”, TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch VACD nói.

Vận may luôn đến với những doanh nghiệp chuẩn bị tốt nhất
TS. Hàn Mạnh Tiến, chủ tịch VACD và ông Azman Jafaar, Phó chủ tịch CABA

Trước những thay đổi và xu hướng đó, ông Victor Tay cho rằng, doanh nghiệp cũng không thể đứng yên nếu muốn tồn tại. Sự chuyển đổi là điều tất yếu mà quan trọng nhất là chuyển đổi số và theo đuổi các giá trị bền vững hơn.

Ông Azman Jafaar, Phó chủ tịch CABA đồng tình cho rằng những doanh nghiệp đã thực hiện các bước đầu tiên để chuyển đổi số trước khi Covid-19 xảy đến thì có khả năng vượt qua thách thức. Đó là những doanh nghiệp sáng tạo và chủ động đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Điều tiếp theo là gì”. Ông cho rằng, vận may đến với những doanh nghiệp chuẩn bị tốt nhất.

Vị lãnh đạo CABA cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong hành trình phát triển sắp tới của các doanh nghiệp.

Các cuộc khủng hoảng như Covid-19 là bài kiểm tra sự cam kết của các doanh nghiệp và quốc gia trong việc chuyển đổi theo hướng bền vững. Đây là lúc để các doanh nghiệp đầu tư dài hạn mà các thành viên HĐQT có vai trò dẫn dắt công ty không chỉ đúng mà còn phải tốt, tạo ra các giá trị dài hạn, hướng đến lợi ích của không chỉ doanh nghiệp mà tất cả các bên liên quan.

“Các doanh nghiệp cần đưa phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh để tạo nền tảng bền vững cho thành công đường dài”, ông Victor Tay nhấn mạnh.

Theo Theleader.vn