Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó ngành bán lẻ Việt Nam cũng chịu sự tác động không nhỏ. Đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải thay đổi để thích ứng.
Tác động mạnh mẽ
Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử vào bán lẻ, mới đây, mô hình siêu thị ảo đã được Vingroup cho ra đời. Thay cho việc đến tận siêu thị, cửa hàng, chọn đồ rồi chờ được thanh toán, giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại có cài ứng dụng VinID và một cuốn Cẩm nang mua sắm thông minh của hệ thống siêu thị VinMart.
Khách mua hàng chọn tính năng Scan & Go, quét mã vạch các sản phẩm muốn mua, thanh toán ngay bằng ví điện tử. Hai đến bốn giờ sau, nhân viên của VinMart sẽ giao hàng đến tận nơi. Người tiêu dùng cũng có thể quét mã QR sản phẩm mình muốn mua được in trên các tấm áp-phích khổ lớn của siêu thị ảo “VinMart 4.0” đặt tại các khu dân cư, tòa nhà văn phòng, trường học, điểm chờ xe buýt… để “đi chợ” mọi lúc.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của trang website bán hàng điện tử adayroi.com, mô hình siêu thị ảo tiếp tục khẳng định thêm một bước của Vingroup trong việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 vào ngành bán lẻ.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam khẳng định: “Công nghệ và sáng tạo là hai yếu tố tiên quyết để cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Thời gian qua, các chuỗi bán lẻ của Việt Nam đã học được rất nhiều từ các thương hiệu lớn trên thế giới, tạo nên những thương hiệu đặc thù Việt Nam, mang nét văn hóa Việt Nam. Đồng thời, tạo nên sức cạnh tranh trực tiếp trên thị trường”.
CMCN 4.0 đang hiển hiện rõ trong việc thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Nếu như trước đây, người tiêu dùng Việt Nam chỉ có thể mua sắm ở các cửa hàng, sạp hàng hiện hữu tại kênh bán lẻ truyền thống cũng như bán lẻ hiện đại thì ngày nay, người tiêu dùng hoàn toàn có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mình qua các kênh bán lẻ trực tuyến và thương mại điện tử. Nhanh chóng, gọn nhẹ, tiện lợi, xu hướng này phù hợp với người tiêu dùng trẻ, bà nội trợ…
Đánh giá về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, phương thức phân phối hàng hóa được cải thiện hơn rất nhiều theo hướng hiện đại và tối ưu hóa hơn về mặt thời gian cũng như chi phí.
“Cùng với việc giúp hoạt động mua sắm của người dân đơn giản và tiện lợi hơn, Cuộc CMCN 4.0 có tác động rất lớn đến cung, cầu cũng như các phương thức kinh doanh. Từ cuộc cách mạng này, Việt Nam sẽ có nguồn cung hàng hóa chất lượng hơn, nguồn gốc xuất xứ minh bạch hơn, làm thay đổi cơ cấu mặt hàng cũng như cơ cấu thị trường hàng hóa. Người tiêu dùng cũng sẽ bị thu hút nhiều hơn bởi hệ thống phân phối có sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu”. –Bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.
Tận dụng hiệu quả CMCN 4.0
Các ứng dụng công nghệ đã và đang giúp các DN bán lẻ đa dạng hóa phương thức phân phối, đem đến sự tiện lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, DN cần có sự thay đổi tích cực để tận dụng được cơ hội này.
Khẳng định người tiêu dùng là trọng tâm trong triển khai các giải pháp chiếm lĩnh thị trường cho DN bán lẻ, bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho rằng, cần có các nghiên cứu chuyên sâu về khách hàng từ cách tiếp cận bằng kênh marketing để theo dõi hành vi, hành trình của họ trước khi ra quyết định đến các điểm phân phối hàng hóa. Cần có sự theo dõi, bám sát nhu cầu và tâm lý để có khách hàng bền vững bằng các phần mềm quản lý, từ đó DN có thể chạy số liệu để phục vụ từng nhóm khách hàng tiềm năng.
Ông Vũ Vinh Phú – Chuyên gia ngành bán lẻ cho rằng, muốn phát triển nhanh và bền vững hệ thống phân phối trong nước rất cần phải có quy hoạch phát triển mạng lưới và điều kiện hạ tầng. Trong đó, Nhà nước phải có những chính sách phát triển hệ thống phân phối theo hướng ưu tiên xây dựng các Tập đoàn, DN bán lẻ lớn trong nước, có khả năng dẫn dắt thị trường.
Về phía các DN bán lẻ, bí quyết để nâng cao sức cạnh tranh trong cuộc CMCN 4.0 là phải làm sao giảm bớt trung gian vô lý, chi phí vô lý và đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến hàng hóa để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng.
Song song với đó, cần tổ chức những vùng sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất nông sản thực phẩm để cung ứng cho người tiêu dùng một cách đều đặn, có chất lượng và hiệu quả cho hệ thống phân phối cả nước. Việc xây dựng các trung tâm thu mua hàng hóa nông sản thực phẩm ở các vùng miền cũng được đánh giá là giải pháp quan trọng nhằm quản lý được chất lượng đầu vào, vừa giảm chi phí vận chuyển tạo đầu ra với giá cả cạnh tranh…
“Muốn phát triển bền vững trong hệ thống phân phối trong xu thế phát triển của CMCN 4.0, ngành bán lẻ cần phải có quy hoạch phát triển mạng lưới, điều kiện hạ tầng; tổ chức những vùng sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất nông sản thực phẩm để cung ứng một cách đều đặn, có chất lượng và hiệu quả cho hệ thống phân phối cả nước” – ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ.
Hệ thống phân phối và ngành bán lẻ nội địa hiện đóng góp khoảng 15% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu người. Với một thị trường rộng lớn, gần 100 triệu dân, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội hàng năm đều tăng trưởng ở mức trên 10%, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Theo DĐDN