“Khi có người dẫn dắt eDoctor sẽ thành công vì lĩnh vực chăm sóc khám chữa bệnh rất lớn, mảng medtech nhiều bên tham gia nhưng các công ty vẫn đang ở mức sơ khai. Chưa có một công ty nào chiếm lĩnh thị trường nên cơ hội chia đều cho các bên tham gia, quan trọng nhất eDoctor phải có bước đi cụ thể, nguồn lực đủ mạnh và chiến lược hợp lý để thành công”, shark Dzung chia sẻ.
Xuất hiện tại Thương vụ bạc tỷ, cặp đôi nhà sáng lập eDoctor Vũ Thanh Long và Huỳnh Phước Thọ mong muốn huy động 500.000 USD cho 10% cổ phần.
Đây là sản phẩm kết hợp với các điều dưỡng, các trung tâm xét nghiệm để cung cấp dịch vụ xét nghiệm tại nhà giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian, không phải đến bệnh viên chờ đợi và nhận kết quả qua hệ thống online của eDoctor.
Người dùng có thể trao đổi online để nhận sự tham vấn của bác sĩ chuyên môn về bất kì vấn đề gì liên quan đến sức khỏe của bản thân. Kết hợp với AI, dữ liệu lớn sẽ cung cấp thông tin hữu ích hoặc xây dựng chương trình chăm sóc sức khoẻ cho các cá nhân. Đến thời điểm hiện tại, eDoctor đã phục vụ cho 70 nghìn lượt khám. Hệ thống hiện có 500 điều dưỡng, 400 bác sĩ, 80 phòng khám và bệnh viện trên cả nước.
Doanh thu 6 tháng đầu năm của eDoctor rơi vào khoảng 10 tỷ, biên lãi gộp. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang lỗ 4 tỷ vì chi phí cho Marketing chiếm đến 25 – 28% doanh thu. Năm trước doanh thu của công ty đạt khoảng 16 tỷ đồng. Hiện chi phí chủ yếu dành cho quảng cáo trên Facebook.
Founder của eDoctor Vũ Thanh Long, đã có kinh nghiệm 10 năm đi làm trong lĩnh vực công nghệ. Long quê ở Đồng Nai, lên thành phố học đại học nhưng chỉ học 1 năm đã bỏ và chuyển sang đi buôn máy tính. Sau đó Long chuyển sang viết phần mềm về mạng xã hội cho FPT và được FPT mời cả team về làm việc. Long đã mở một công ty về mobile trong 5 năm và quyết định sang làm eDoctor.
Huỳnh Phước Thọ học tập và làm việc tại Singapore hơn 10 năm, học đại học tại trường công nghệ Nanyoung NTU tại Singapore lấy bằng tiến sỹ về vi sinh, sau đó làm ở viện nghiên cứu về y học của trường hơn 1 năm. Sau khi gặp Long được truyền cảm hứng Thọ đã quyết định về Việt Nam khởi nghiệp.
Edoctor cho biết họ có giấy phép đơn vị y tế và phòng khám tại quận 1, Tp.HCM. Khách hàng có thể trả tiền (COD – thu tiền tại nhà) khi điều dưỡng đến khám hoặc trả tiền online.
Shark Bình đưa ra lời đề nghị làm mentor và nhận 5% cổ phần. Founder của eDoctor ngỏ ý muốn nhận vốn từ shark Việt bởi họ đang thiếu một mảnh ghép của người trong ngành. eDoctor nhận mình là một platform kết nối về y tế và nhận hoa hồng.
Shark Dzung giải thích hộ, eDoctor tận dụng cơ sở hạ tầng của các cơ sở y tế chưa khai thác tối đa. Người bệnh sẽ tiết kiệm thời gian phải xếp hàng chờ mà sẽ có điều dưỡng đến lấy máu. Họ cũng tối ưu hóa thời gian cho các bác sĩ nổi tiếng bằng cách đọc kết quả từ xa.
Shark Liên cho rằng mô hình này không có gì đặc biệt nên không đầu tư.
Với vai trò người đã từng trải nghiệm sản phẩm của eDoctor, Shark Dzung Nguyễn đánh giá sản phẩm vẫn còn nhiều thiếu sót, eDoctor mới tập trung vào việc khám chứ không phải chữa bệnh. Và khả năng điều hành của CEO hiện tại chưa đủ quyết liệt để giúp doanh nghiệp có định hướng tốt hơn. eDoctor đã ra đời mấy năm nhưng tăng trưởng vẫn còn chậm. Do đó, “cá mập công nghệ” đưa ra lời đề nghị 500 nghìn USD cho 25% cổ phần kèm điều kiện Founder team phải thay đổi, nhà đầu tư sẽ là người đưa ra định hướng và có quyền biểu quyết.
Sở hữu hệ sinh thái công nghệ điện tử hóa NextTech và Bệnh viên tổ hợp Phương Đông, hai Shark Nguyễn Hòa Bình và Nguyễn Thanh Việt thể hiện sự hứng thú với tiềm năng thị trường của eDoctor. Tuyên bố bỏ ra 100 nghìn USD/người để đồng hành cùng Shark Dzung Nguyễn kèm điều kiện Vũ Thanh Long, Huỳnh Phước Thọ và đội ngũ công nghệ phải sát cánh cùng nhau ít nhất 10 năm nữa để xây dựng eDoctor.
Shark Việt cho rằng founder phải cam kết làm việc cho eDoctor 10 năm. Vì 3-5 năm nữa công ty vẫn còn lỗ “nói theo ngôn ngữ của các shark là “burn money”, nghĩa là “hóa vàng”. Shark Việt đề nghị đồng hành cùng shark Dzung trong deal này. Shark Dzung cho rằng nếu có shark Việt thì eDoctor sẽ được góp ý về mặt chuyên môn và có bệnh viện Phương Đông “chống lưng”.
Nhận offer mất số cổ phần gấp đôi so với đề nghị ban đầu, hai nhà sáng lập eDoctor tỏ ra khá dè dặt. Tuy nhiên, trước sự dồn ép của “cá mập” kèm cam kết hỗ trợ để xây dựng eDoctor trở thành một doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực công nghệ y tế, Vũ Thanh Long và Huỳnh Phước Thọ đã gật đầu nhận đầu tư 700 nghìn USD cho 21,8% cổ phần từ ba Shark Dũng, Bình và Việt (định giá công ty 2,5 triệu USD). Trong đó shark Dzung đầu tư 500.000 USD và hai shark còn lại rót vốn 100.000 USD.
Chia sẻ bên lề, shark Dzung cho biết đã biết eDoctor nhiều năm nay từ lúc công ty mới thành lập. Công ty đã qua 3 đời CEO và thay đổi mô hình khám qua điện thoại đến mô hình hiện nay, các hướng đi không rõ ràng. Shark Dzung đã làm việc sát sao với eDoctor 2 năm nay và rất phân vân để ra quyết định đầu tư. Shark Dzung đã đưa ra nhiều điều kiện cho eDoctor đó là phải có một CEO có khả năng dẫn dắt và có vai trò leadership thực sự. Shark Dzung yêu cầu eDoctor cần thay đổi CEO để có người dẫn dắt cuộc chơi và cơ cấu lại danh sách cổ đông. Những ai không đóng góp được thì cần mua lại cổ phần. Đó là điều kiện tiên quyết vào bất kỳ công ty khởi nghiệp nào mà Shark Dzung tham gia.
“Khi có người dẫn dắt eDoctor sẽ thành công vì lĩnh vực chăm sóc khám chữa bệnh rất lớn, mảng medtech nhiều bên tham gia nhưng các công ty vẫn đang ở mức sơ khai. Chưa có một công ty nào chiếm lĩnh thị trường nên cơ hội chia đều cho các bên tham gia, quan trọng nhất eDoctor phải có bước đi cụ thể, nguồn lực đủ mạnh và chiến lược hợp lý để thành công”, shark Dzung chia sẻ.
Trước đó Shark Dzung đã đầu tư vào startup y tế Vcare và đây là dự án thứ 2 về y tế mà shark Dzung đầu tư.
Châu Cao
Theo Trí thức trẻ