Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Giám đốc CyberAgent Việt Nam: Startup thường thất bại vì quá tự tin và chi tiêu ‘vô tội vạ’

Ngày 5/12, tại tọa đàm Giải mã thất bại – Kinh nghiệm gọi vốn thành công – Mô hình khởi nghiệp số: Kinh nghiệm từ một số nước châu Á và thực tiễn tại Việt Nam trong khuôn khổ Techfest 2019, các nhà đầu tư đã đưa ra một số lý do khiến các startup Việt thất bại và việc định giá trên quan điểm cá nhân.

Các startup Việt thất bại vì quá lạc quan

Nói về những sai lầm của các startup Việt, đa số các nhà đầu tư đều cho rằng những nhà khởi nghiệp quá lạc quan. “Có nhiều sai lầm, không sai lầm nào giống sai lầm nào. Những người lần đầu khởi nghiệp thường quá lạc quan về khả năng bản thân, tiềm năng thị trường và những hạn chế riêng”, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenGroup chia sẻ. 

Ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐTV Tổ hợp Y tế Phương Đông sử dụng cách chơi chữ: “Các startup Việt Nam dễ thương, nhưng thương thì không dễ bởi vì mơ xa quá”. Ông cho rằng startup nên bắt đầu từ thực tế, từ những mô hình kinh doanh đơn giản nhất và chia sẻ những lợi ích trong tương lai với nhà đầu tư. Đừng bắt nhà đầu tư chịu đựng quá nhiều sức ép.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc quỹ CyberAgent Việt Nam và Thái Lan cho rằng đa số các startup đều bắt đầu từ số 0 nên tự tin là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, các startup thường tự tin thái quá, dẫn đến không lắng nghe, không thay đổi. Hậu quả là đi sai hướng, sau khi quay lại thì những người khác đã đi xa rồi.

Ông Dũng cũng bổ sung một sai lầm nữa của các startup là giấu thông tin, thiếu sự minh bạch. “Việc này khiến các startup “chết” vì hết tiền, rồi lại huy động vốn. Các startup quản lý dòng tiền kém do tiêu vô tội vạ. Nếu nhà đầu tư tham gia quá sâu thì startup nghĩ rằng họ bị kiểm soát. Nhưng nếu nhà đầu tư không kiểm tra thì dòng tiền âm vì những thứ vô bổ như mua thiết bị hoành tráng, đi hội thảo mua vé máy bay…”, ông Dũng nói và khuyên các startup nên thực tế, quản lý tốt dòng tiền, ít nhất là 6 – 12 tháng, đồng thời, chuẩn bị nguồn cung tiền cho tương lai.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech cho rằng các startup mắc sai lầm do ngộ nhận, làm sản phẩm không hữu dụng, thậm chí là xã hội không cần do thiếu khâu nghiên cứu thị trường. Ông chia sẻ rằng bản thân cũng từng mắc sai lầm này.

Bổ sung cho nhận định của ông Dũng, ông Bình cho rằng quản trị nội bộ, đặc biệt là quản trị tài chính là vấn đề nghiêm trọng. “Các nhà sáng lập coi thường vị trí kế toán, các nguyên tắc quản lý dòng tiền, dẫn đến việc chi tiêu vô tội vạ và không ghi chép”.

Ông Bình từng thích một số dự án, tuy nhiên, ông khuyên rằng hãy bỏ công ty hiện tại đi, lập công ty mới với điều kiện phải ghi chép kế toán thì ông mới đầu tư. Đại diện NextTech khẳng định lỗi này gây khó khăn cho việc gọi vốn.

Các nhà đầu tư chia sẻ tại tọa đàm Giải mã thất bại – Kinh nghiệm gọi vốn thành công  – Mô hình khởi nghiệp số. Ảnh: Techfest

Định giá startup: Có công thức hay không?

Ông Bình cho rằng các nhà đầu tư rót vốn vì tương lai. Các startup thường vẽ ra tương lai hoành tráng nhưng hiện tại cho thấy năng lực không đủ. Thậm chí quá khứ cũng quan trọng, nếu quá khứ lừa dối nhà đầu tư hoặc quản trị yếu kém thì nhà đầu tư sẽ đặt ra câu hỏi rằng startup này có tốt không, đội ngũ thực hiện startup có đáng tin không.

Ông Bình đưa ra công thức chung định giá startup dựa trên các yếu tố quá khứ, hiện tại, tương lai và sự synergy (hợp lực) của nhà đầu tư với startup. 

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hưng cho rằng không có công thức chung nào cho việc định giá. Giá trị một startup phụ thuộc vào người định giá. Yếu tố cộng hưởng đi vào hệ sinh thái của nhà đầu tư này có giá trị nhưng với người khác lại không có ích gì. Từ góc nhìn nhà đầu tư tài chính, ông cho rằng startup phải đem lại niềm tin nếu họ muốn thu hút vốn.

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc Vintech City cho rằng sự tin tưởng trong quá khứ quyết định tương lai. Đồng quan điểm với ông Hưng, bà cho rằng việc định giá phụ thuộc vào góc nhìn, mức độ tin tưởng. “Đôi khi nhà đầu tư chọn nhầm startup, chính chúng tôi cũng phải trả giá”, bà nói. Các startup cần quan tâm nhiều hơn đến quá khứ và hành vi trong hiện tại. Bà không muốn thị trường khởi nghiệp rủi ro khi nhà đầu tư rót vốn vào các “bánh vẽ”.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng dự án thành công phụ thuộc phần lớn vào người sáng lập. “Nếu startup chưa từng thành công, nhà đầu tư sẽ dành nhiều thời gian để đi lại, nói chuyện với người sáng lập bởi họ chưa tin tưởng vào dự án”, ông Dũng nói. 

Giám đốc quỹ CyberAgent Việt Nam và Thái Lan khuyên người sáng lập startup nên xác định bản thân, tập trung tạo thành công cho dự án thì việc định giá sẽ dễ dàng hơn. Định giá là câu chuyện tương lai nhưng kết nối chặt chẽ với quá khứ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Việt cho rằng tố chất người lãnh đạo là yếu tố quyết định, bên cạnh mô hình kinh doanh. “Kinh doanh lấy chữ tín làm đầu. Che đậy là nói dối, không trung thực, khó phối hợp, khó làm”, ông nói.

Các startup không nên tiếc nuối quá khứ, phải nói ra thực trạng doanh nghiệp. Đặc biệt, các dự án khởi nghiệp không nên mơ tưởng, thay vào đó, hãy nhìn vào thực tại. Sự hão huyền về định giá khiến họ không gặp được nhà đầu tư. Định giá nhìn từ hướng phát triển vốn, con người, mô hình kinh doanh chứ không phải sự mặc cả. Nhiều nhà đầu tư không chỉ đầu tư về tiền mà còn cho startup kĩ năng quản trị, vì vậy, hãy tìm cách đứng trên vai người khổng lồ.

Theo NDH