Việc trái xoài được cấp phép nhập khẩu vào Mỹ đã tạo một tiếng vang không nhỏ cho danh tiếng cho nông sản Việt trên trường quốc tế, nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Để có thể cạnh tranh với nhiều quốc gia khác, nền nông sản Việt còn một quãng đường dài phải đi.
Chánh Thu đang là một trong những công ty xuất khẩu trái cây lớn nhất nhì miền Nam. Ngoài Trung Quốc, doanh nghiệp này còn xuất khẩu nhiều chủng loại trái cây đi đến các thị trường khó tính khác như Nhật, Úc, Mỹ… Và họ cũng chính là doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp lựa chọn để xuất khẩu lô xoài đầu tiên sang Mỹ sau khi lễ ký kết giữa hai bên hoàn tất.
Sau tất cả, chị Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc công ty Chánh Thu chính là người hiểu rõ nhất về những bước tiến của doanh nghiệp này ở thị trường hải ngoại. Với 8 năm làm công tác xây dựng thị trường nước ngoài cho Chánh Thu, có thể xem như chị đã dành cả thanh xuân để nâng cao vị thế trái cây Việt trên trường quốc tế.
Với tâm thế “nếu mình không làm thì ai làm” cùng kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây, vị giám đốc 8x đã có rất nhiều chia sẻ tâm huyết với chúng tôi về nền nông sản Việt.
Theo chị Vy, việc đưa các loại nông sản Việt Nam đến với các thị trường khó tính như Úc, Mỹ hay Nhật gần như là để làm thương hiệu, hơn là có ý nghĩa về mặt doanh thu. Vì hiện tại, các loại nông sản, cụ thể là trái cây của chúng ta vẫn chưa thể cạnh tranh nổi với trái cây các nước khác trên những thị trường này.
Thế nên, để trái cây Việt có thể thắng thế trên tất cả thị trường, từ dễ tính đến khó tính và người nông dân có thể sống tốt trên mảng vườn của mình, cả hai phía nông dân lẫn doanh nghiệp cần sự phối hợp nhịp nhàng: làm ra sản phẩm có chất lượng và số lượng ổn định, với giá cả hợp lý.
Những lô xoài đi Mỹ chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, chúng ta không nên vin vào đó để ngừng cố gắng và tự mãn cho rằng nền nông nghiệp Việt hay các loại trái cây Việt đã có thể tung hoành khắp nơi.
Đầu năm 2019, Chánh Thu cùng Bộ Nông nghiệp đã tổ chức một buổi lễ tưng bừng giới thiệu lô xoài đầu tiên đi Mỹ. Đằng sau những nụ cười tươi rói của người trong cuộc là những vất vả mà ít ai biết được. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tốn 10 năm đàm phán để có cái gật đầu của người Mỹ cho phép thêm xoài Việt đi vào thị trường này. Chánh Thu có 1 năm chuẩn bị, nhưng quả thật họ cũng căng thẳng chẳng kém.
Sở dĩ Chánh Thu được lựa chọn là bởi họ là một trong những đơn vị có uy tín trong giới xuất khẩu trái cây ở miền Nam, ngoài thị trường rộng lớn thì sản lượng xuất khẩu của họ cũng rất đáng kể.
“Mặc dù Chánh Thu đã làm xoài đi Úc và những tiêu chuẩn của Úc cũng khắt khe chẳng kém gì Mỹ, nhưng chúng tôi cũng phải chuẩn bị cẩn thận cho việc xuất lô xoài đầu tiên qua Mỹ”, chị Ngô Tường Vy tiết lộ.
Để có 8 tấn xoài đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ, Chánh Thu đã ‘dụng tâm lương khổ’ với rất nhiều chặng đường vất vả và khó khăn.
Đầu tiên, Chánh Thu phải chuẩn bị vùng trồng. Vùng trồng canh tác xoài đi Mỹ sẽ phát triển từ vùng trồng xoài đi Úc hoặc VietGap của công ty, thêm vào đó là phải bổ sung các tiêu chuẩn riêng mà Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu tuân thủ.
Quy trình sản xuất chuẩn Mỹ rất khó, nhất là trong khâu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu, đây là vấn đề đau đầu nhất. Trong bộ tiêu chuẩn chính thức của Mỹ, có 8 hoạt chất bị cấm và tuyệt đối phải tuân thủ, còn các hoạt chất còn lại thì phải đăng ký, sử dụng liều lượng theo quy định cụ thể.
Thứ hai, từ hàm lượng phân bón bồi bổ, kỹ thuật phun thuốc, thu hái, đến tỉa trái ra sao… đều phải tuân thủ chính xác 100% quy chuẩn. Khi trồng xoài xuất khẩu đi Mỹ chắc chắn phải bao trái, tỉa bớt trái để nuôi trái có trọng lượng lớn, giúp tỷ lệ đạt tiêu chuẩn sẽ cao hơn. Theo chị Vy, nếu vườn của nông dân canh tác tốt, trái đạt chuẩn đi Mỹ sẽ từ 60% đến 80%.
Thêm vấn đề nữa, chất lượng và mẫu mã trái phụ thuộc hoàn toàn vào người nông dân ở các vùng nguyên liệu, Chánh Thu chỉ kiểm soát mọi thứ ở một mức độ nào đó, nên họ cũng khá lo lắng.
Cuối cùng, sau khi đã chọn từng trái ở vùng trồng – thường nằm trong các hợp tác xã, khi về tới công ty, Chánh Thu lại phải loại bỏ thêm khoảng 20% nữa do hư hại trong quá trình vận chuyển và đóng gói. Tiếp theo, Chánh Thu mang số lượng xoài đó đi đóng gói – bảo quản – chiếu xạ theo quy định. Việc kiểm tra dư lượng thuốc, công ty đã thực hiện tại những cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo an toàn từ các lô hàng.
Như chúng ta đều biết, xoài chín rất khó bảo quản. Trong khâu vận chuyển, nếu kiểm soát nhiệt độ không tốt một chút cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Do đó, dù đã vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận, từ khâu canh tác cho đến bảo quản, song do các yếu tố ngoại cảnh khác nhau, lô xoài đầu tiên đến Mỹ của Chánh Thu không có được chất lượng như họ mong muốn.
“Chúng tôi đã lựa chọn từng trái xoài cho lô hàng đầu tiên, nhưng trong quá trình vận chuyển, chiếu xạ… mỗi thứ ảnh hưởng một chút khiến chất lượng xoài khi đến Mỹ, một số ít đã không còn tươi ngon được như ở Việt Nam. Chúng tôi đã rút được rất nhiều kinh nghiệm sau khi xuất lô hàng đầu tiên”, chị Tường Vy kể.
Ví dụ: khi xoài ra sân bay, nếu các container xoài không được bỏ vào kho lạnh ngay lập tức mà phơi ngoài trời nửa tiếng, xoài bị tích nhiệt là xem như… xong đời; hoặc nữa, vì xoài bỏ ở khoang máy bay trong 2 ngày, nên nhiệt độ không ổn định. Đôi khi khách hàng mở container hàng ra, nhiệt độ trong trái hơn 50 độ C, mà theo chị Vy, với nhiêt độ đó con người cũng héo chứ nói gì đến xoài!
Cho tới thời điểm hiện tại, Chánh Thu đã xuất được hơn 50 tấn xoài đi Mỹ, tuy nhiên như đã nói ở phần mở đầu, doanh nghiệp này xem việc xuất xoài vào thị trường Mỹ là để làm thương hiệu hơn là để kiếm lợi nhuận.
Bởi, hiện tại, xoài Việt đang rất khó cạnh tranh ở thị trường Mỹ, do giá mắc hơn nhiều loại xoài ở các nước khác, chủ yếu là bởi vận chuyển xa dễ bị hư hại và chi phí logistics quá cao. Xoài Mexico/Guatemala và các nước khác giá rất rẻ do chi phí vận chuyển thấp, cũng như không phải chịu phí chiếu xạ.
Theo chị Vy, Việt Nam cần phải nghiên cứu sâu hơn về công nghệ bảo quản, vì nếu chúng ta bảo quản trái cây tươi được lâu hơn thì có thể đi đường biển, giúp giảm chi phí xuống thì mới có thể xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới hay cạnh tranh được với các quốc gia khác.
Phần mình, chị Vy và Chánh Thu cũng đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những phương cách bảo quản chất lượng quả xoài ngày càng tốt hơn và ít rủi ro hơn. Doanh nghiệp này đặt rất nhiều kỳ vọng vào trái xoài trong tương lai, vì riêng xoài Hòa Lộc và Cát Chu, chất lượng của hai sản phẩm này được đánh giá tương đối cao so với các chủng loại xoài khác trên thế giới.
Nếu những công hàng đi Mỹ chủ yếu là để Chánh Thu khuyếch trương thương hiệu, thì những công hàng đi Trung Quốc mang về cho họ doanh thu và lợi nhuận cần thiết.
Chị Tường Vy tiết lộ, xuất phát điểm đầu tiên của Chánh Thu là thị trường Trung Quốc và đây vẫn đang là thị trường chính của doanh nghiệp này. Nói chung, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam, không chỉ riêng Chánh Thu
Do đó, với những dịch chuyển gần đây của Chính phủ Trung Quốc, theo chị Tường Vy, đã đến lúc nông dân cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nhìn nhận lại thị trường này và có những bước chuẩn bị kịp thời để không hụt chân.
Hiện tại, Trung Quốc đã bắt đầu siết lại hàng rào kỹ thuật trong việc xuất khẩu nông sản, tuy nhiên mọi chuyện vẫn chưa quá nghiêm ngặt, đường biên vẫn còn có thể đi. Nhưng, chỉ một năm nữa thôi, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
“Thời gian gần đây, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều khách hàng tại Trung Quốc. Không kể doanh nghiệp Việt Nam, mà ngay cả doanh nghiệp Trung Quốc muốn đưa hàng vào siêu thị, thì sản phẩm đều phải có giấy chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Do đó, Việt Nam mình cần làm nhanh và gấp, để không bị động nếu một ngày nào đó Trung Quốc siết chặt đường biên”, chị Tường Vy nhận định.
Còn về sầu riêng, hiện tại, Trung Quốc kiểm soát mặt hàng này rất nghiêm ngặt. Trung Quốc đang xem sầu riêng như hàng “quốc cấm”, họ vừa bắt một công ty nhập khẩu sầu riêng không rõ nguồn gốc và phạt rất nặng, ngoài phạt một số tiền rất lớn họ còn bắt người. Do đó, các công ty Trung Quốc đang không dám nhập khẩu sầu riêng Việt Nam sang đường tiểu ngạch – biên giới nữa.
Cũng theo chị Vy, để không bị động và quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nông dân Việt đừng tiếp tục định hướng sản xuất theo kiểu: làm hàng bán cho Úc – Mỹ thì mới làm hàng sạch, chất lượng cao, còn làm hàng Trung Quốc thì sao cũng được.
Chúng ta nên nghĩ: mình làm hàng chất lượng là để nâng cao giá trị sản phẩm của chính mình, bán cho Trung Quốc hay cho Mỹ vẫn nên có chất lượng ngang nhau. Có như thế nông sản Việt mới phát triển bền vững và có thương hiệu tốt.
Nông dân sản xuất hàng sạch là làm cho bản thân họ, vì khi họ bán sản phẩm sạch họ vừa cảm thấy an tâm, vừa bảo vệ cho bản thân và gia đình. Hơn nữa, người canh tác là người chịu tác hại của hóa chất đầu tiên và nhiều nhất. Vấn đề về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đang là khó khăn chung của ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật đang cực kỳ cấp bách trong thời gian tới.
Nông dân sản xuất hàng sạch là làm cho bản thân họ, vì khi họ bán sản phẩm sạch họ vừa cảm thấy an tâm, vừa bảo vệ cho bản thân và gia đình. Hơn nữa, người canh tác là người chịu tác hại của hóa chất đầu tiên và nhiều nhất. Vấn đề về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đang là khó khăn chung của ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật đang cực kỳ cấp bách trong thời gian tới.
Ngoài đáp ứng nhu cầu chất lượng và số lượng, thì nông sản Việt cũng phải có giá cả hợp lý, thì mới đủ sức để cạnh tranh trên trường quốc tế. Thực tế là, thỉnh thoảng, nông dân Việt vẫn định giá nông sản chưa phù hợp, tiêu biểu như trái sầu riêng.
Trước đây, giá sầu riêng vào khoảng 40.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, chỉ sau khi thị trường Trung Quốc “ăn” sầu riêng, thì giá của loại trái cây này mới tăng vọt lên 70.000 đồng đến 80.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên đến 120.000 đồng/kg.
Với 12 hecta sầu riêng mà chị Vy đang canh tác ở Bình Phước, khi bán với giá 40.000 đồng/kg, bình thường chị vẫn lời khoảng vài tỷ đồng một năm. Bên cạnh đó, cùng mức giá từ 40.000 đồng/kg đến 50.0000 đồng/kg, người dân nào của Việt Nam cũng có thể ăn sầu riêng, nâng sản lượng tiêu thụ nội địa lên tầm mức mới. Điều này sẽ giúp nông dân làm loại trái cây này không phải bất an nếu vào vụ mùa chính và gặp khó với thị trường Trung Quốc.
“Ý tôi muốn nói là, thu nhập chính của người nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào mảnh vườn của mình, tất nhiên họ bán nông sản với giá càng cao thì càng tốt, Chánh Thu cũng rất vui cho nông dân.
Nhưng với hệ quy chiếu là thị trường quốc tế, chúng ta cần phải định giá sản phẩm của mình theo hướng ổn định lâu dài, giá trị của sản phẩm phải bắt nguồn từ chất lượng mà mình làm ra. Câu chuyện giá trị là câu chuyện dài của cả chuỗi liên kết bắt đầu từ nông dân chứ không phải là chuyện của một mình doanh nghiệp”, chị Vy khẳng định.
Nên chăng, người nông dân hãy nghĩ dưới góc độ của một người làm kinh doanh và cần có tầm nhìn xa hơn về sản phẩm mà mình sản xuất. Bởi, nông dân thường phải đồng hành với một loại cây trái nào đó không phải trong 1 – 2 năm mà từ 10 đến 20 năm, như sầu riêng và xoài, nên nếu không có thị trường ổn định, rủi ro sẽ rất cao.
Từ quan sát của mình, chị Vy cho rằng, chỉ cần mỗi người liên quan trong chuỗi liên kết làm tốt công việc của mình, thì nền nông nghiệp của Việt Nam sẽ không ngại bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào.
Người nông dân nên làm tròn trách nhiệm của nông dân: canh tác tốt và làm theo quy chuẩn, bán với mức giá hợp lý, có lợi nhuận ổn định. Phần doanh nghiệp, khi xây dựng thương hiệu hay chất lượng sản phẩm cũng phải đặt vào đó tâm huyết thật sự. Tất cả chúng ta phải đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng, mình sản xuất cái gì và bán như thế nào sẽ khiến mình – với tư cách là người tiêu dùng, thấy hài lòng nhất.
“Tất cả chúng ta cần phải đồng lòng vào cuộc để nâng cao chất lượng nông sản của Việt Nam. Mọi người thường hỏi tôi vì sao lại tâm huyết với nông sản Việt đến vậy, tôi thường nói là nếu ‘mình không làm thì ai làm’?
Nông sản Việt Nam hiện phải cạnh tranh với nhiều nông sản trên thế giới, nên chúng ta cần phải lấy sự phát triển, khuynh hướng tiêu dùng của người tiêu dùng trên thế giới làm kim chỉ nam cho sự phát triển chung cho nền nông nghiệp Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị nghiêm túc, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ bị tụt hậu và càng ngày càng bị lép vế trên trường quốc tế”, chị Tường Vy kết luận.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ