Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Đi tìm mô hình giúp startup sống sót qua ‘mùa đông công nghệ’

Khi nguồn vốn đầu tư vào các startup đang bị hạn chế hơn, mô hình khởi nghiệp kỳ lân – unicorn đang bộc lộ rõ những thách thức xuất phát từ ngay nội tại. Cùng với đó, bối cảnh đầy biến động đang cho thấy sự hiệu quả đáng chú ý từ sự bền bỉ của những startup theo mô hình kiểu gián.

Dữ liệu gần đây từ CB Insight cho thấy một thực tế đáng chú ý của giới khởi nghiệp là mặc cho số lượng startup ngày càng nhiều, số lượng những startup kỳ lân – các công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD – lại đang ngày càng ít đi.

Một trong những nguyên nhân đầu tiên được đề cập đến là điều kiện vĩ mô toàn cầu xấu đi, khi lạm phát, lãi suất tăng, khủng hoảng địa chính trị đã gây sốc cho thị trường.

Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đã dần thu hẹp theo mỗi quý, khi các nhà đầu tư cắt giảm danh mục đầu tư tư nhân.

Những biến động trong bối cảnh chung đã buộc không ít các công ty khởi nghiệp công nghệ “rớt giá”, từ đó, buộc phải tìm kiếm một chiến lược và mô hình hiệu quả hơn, để vượt qua giai đoạn “thanh lọc tự nhiên” của thị trường.

Đi tìm mô hình giúp startup sống sót qua ‘mùa đông công nghệ’
Số lượng startup kỳ lân mới trên thế giới đang ngày một ít đi.

Khi nguồn vốn trên thị trường không còn dồi dào như trước, mô hình khởi nghiệp kiểu gián, lấy nguyên tắc tồn tại làm trung tâm, đang cho thấy sự phù hợp đáng chú ý so với mô hình khởi nghiệp kiểu kỳ lân vốn được nhiều người biết đến nhờ tiếng vang lớn.

Để hiểu rõ hơn về hai hình thức khởi nghiệp này, TheLEADER đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Hòa – CEO, nhà sáng lập của YouNet Group – doanh nghiệp sở hữu tổ hợp công nghệ mạng xã hội (social tech) phục vụ các hoạt động từ marketing đến sales.

Xin ông cho biết một số thông tin cơ bản về mô hình khởi nghiệp kiểu kỳ lân – unicorn? Vì sao nhiều doanh nghiệp lại hướng tới mô hình này?

Ông Nguyễn Anh Hòa: Mô hình khởi nghiệp kiểu kỳ lân còn có thể gọi là mô hình scale up, nghĩa là hướng tới mở rộng quy mô, khi một doanh nghiệp hội tụ đầy đủ ba yếu tố là ý tưởng tốt, con người tốt và nguồn vốn tốt (big idea, big people, and big money). Ba yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp đi rất nhanh.

Trong một số lĩnh vực, doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải đi theo mô hình này nếu không muốn chấp nhận thua, đơn cử như thương mại điện tử.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải chi tiêu nhiều tiền, và thậm chí, không quan tâm đến chi phí để có thể là người mở được cánh cửa chiếm lĩnh thị trường. Khi đó, số tiền mà họ có thể thu lại được từ việc nắm bắt cơ hội sẽ gấp rất nhiều lần mức chi phí bỏ ra.

Rõ ràng cơ hội có thêm nguồn tiền sẽ là rất lớn, từ người tiêu dùng, cũng như từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy số lượng unicorn đang giảm đáng kể. Vậy theo ông, mô hình này sẽ tồn tại những vấn đề gì?

Ông Nguyễn Anh Hòa: Khi doanh nghiệp đi quá nhanh sẽ cho thấy nhiều vấn đề, trước hết bộc lộ từ vị trí của người sáng lập, của lãnh đạo.

Cụ thể, một công ty tăng trưởng nóng, sẽ đồng nghĩa số lượng nhân viên gia tăng nhanh chóng để đáp ứng lượng công việc, đòi hỏi sự thay đổi rất nhanh trong hình thức quản trị.

Trong khi đó, phần lớn người đứng đầu trong các startup là những người trẻ, ít có kinh nghiệm quản lý, có thể dẫn tới nhiều sai lầm trong quản lý và vận hành. Thậm chí, họ có thể mất quyền kiểm soát với chính doanh nghiệp của mình khi tỷ lệ sở hữu của họ giảm dần qua mỗi lần gọi vốn.

Đi tìm mô hình giúp startup sống sót qua ‘mùa đông công nghệ’
Ông Nguyễn Anh Hòa – CEO, nhà sáng lập của YouNet Group.

Vấn đề thứ hai xuất phát từ đội ngũ nhân viên. Khi một doanh nghiệp nhận vốn của các nhà đầu tư, áp lực và các chỉ tiêu đi kèm sẽ rất lớn, dẫn tới một cái bẫy mà nhiều lãnh đạo gặp phải là cho rằng đội ngũ hiện tại khó có thể đáp ứng, và dẫn tới hành động tiếp theo là đi thuê ngoài.

Nhân sự mới khi được tuyển về có thể là người giỏi, có năng lực, nhưng chưa chắc đã hợp với văn hóa công ty, chưa chắc đã thích hợp với bộ máy hiện có. Điều này khiến nhiều startup rơi vào tê liệt khi người mới chưa làm được việc, người cũ đã nghỉ gần hết.

Thậm chí, việc thuê thêm người mới còn có thể đẩy doanh nghiệp vào rủi ro bị phá vỡ hệ thống lương vốn có vì các quản lý từ ngoài vào thường sẽ có mức lương cao so với quản lý từ đào tạo nội bộ đi lên.

Cái bẫy tiếp theo với những startup theo đuổi mô hình unicorn là việc quá phấn khích và tự tin vào giải pháp của mình, cho rằng mức phát triển sẽ cao gấp nhiều lần hiện tại, dẫn tới định giá quá cao, khiến cho những cam kết với nhà đầu tư sau khi gọi vốn sẽ cao hơn đáng kể so với năng lực thực tế. Điều này đẩy doanh nghiệp quay trở lại với vấn đề thứ nhất và thứ hai, về người lãnh đạo và đội ngũ nhân viên.

Không chỉ vậy, những kỳ vọng, cam kết cao tạo ra định giá cao còn khiến doanh nghiệp có nguy cơ mất các cơ hội nhận đầu tư trong tương lai, khi năng lực của doanh nghiệp chưa đủ để hoàn thành các chỉ tiêu được đề ra. Vì giá đã quá cao, nhà đầu tư tiếp theo khó chấp nhận định giá cao hơn.

Cuối cùng, một cái bẫy rất lớn với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp là bị hào nhoáng về chuyện đầu tư, bởi nhiều người quan niệm rằng công ty phải có đầu tư mới thành công, mới “ngon”, mới có thể chạy được. Nhưng trên thực tế, nhận đầu tư từ bên ngoài là một trách nhiệm nặng nề.

Có những thời điểm, doanh nghiệp nào cũng thích đi gọi vốn, và khi có một lượng tiền lớn đổ vào, nhiều người đứng đầu chi tiêu rất thoải mái mà không hề tính toán cẩn thận, dễ sụp đổ, rơi vào cái bẫy về chi phí.

Ngay cả khi chưa gọi được vốn, nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào cái bẫy của sự hào nhoáng, như công ty phải có văn phòng đẹp, phải có thiết bị xịn, người đứng đầu phải đi ô tô, phải dùng máy xịn. Những điều này khiến cho bản thân nhiều doanh nghiệp không còn vận hành theo đúng tôn chỉ được đề ra ban đầu, dẫn tới thất bại.

Cơ hội lớn, nhưng những rủi ro cũng nhiều không kém với mô hình kỳ lân. Vậy với mô hình kiểu con gián thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Hòa: Với mô hình unicorn – kỳ lân, startup phải mở rộng, phải thắng, phải tông được cánh cửa và ôm lấy cơ hội sau cánh cửa ấy.

Trong khi đó, mô hình con gián sẽ lấy tồn tại, sống sót làm trọng tâm, dựa trên quá trình phát triển ổn định nhờ vào những yếu tố trụ cột, và không được mạo hiểm những yếu tố đó.

Doanh nghiệp sẽ không buộc phải phát triển nhanh, không cần phải đứng đầu thị trường, mà cần phải duy trì được mô hình kinh doanh bền vững, tồn tại được dựa vào dòng tiền bên trong.

Những startup đi theo con đường này thường là những doanh nghiệp có ý tưởng tốt, nhưng vẫn cảm thấy còn nhiều rủi ro. Do đó, họ lấy lợi nhuận làm trọng tâm, duy trì để có thể sống được trên thị trường.

Đi tìm mô hình giúp startup sống sót qua ‘mùa đông công nghệ’ 3
Ông Nguyễn Anh Hòa: Mô hình con gián lấy lợi nhuận làm trọng tâm, duy trì để có thể sống được trên thị trường.

Mô hình con gián giúp người đứng đầu giữ được kiểm soát đối với doanh nghiệp, cũng như dễ dàng, linh hoạt điều chỉnh theo những xu hướng hay biến động trên thị trường, vì đơn giản họ không có gánh nặng với các nhà đầu tư.

Thế nhưng, chạy chậm cũng đồng nghĩa với nguy cao cao mất thị trường, mất thị phần vào tay đối thủ chạy nhanh hơn, áp lực lên lợi nhuận. Vấn đề nữa là các doanh nghiệp theo mô hình này buộc phải thiết kế mô hình để giữ được nhân viên – một trong những yếu tố nền tảng giúp doanh nghiệp có thể đi xa và bền vững.

Trên thực tế, khởi nghiệp theo mô hình con gián không có nghĩa là doanh nghiệp không thể lớn mạnh. Khi bản thân doanh nghiệp có nền tảng tài chính ổn định, nếu họ bắt được một ý tưởng tốt và tính khả thi cao, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng “bay lên”.

Trong bối cảnh dòng vốn trên thị trường bị hạn chế như hiện nay vì tác động của kinh tế toàn cầu ảm đạm, liệu rằng khởi nghiệp kiểu gián sẽ là xu hướng trong những năm tới?

Ông Nguyễn Anh Hòa: Có một điều mà mọi người đều nhìn thấy, đó là mùa đông công nghệ đang tới, và Việt Nam sẽ có độ trễ hơn so với Mỹ. Cuộc thanh lọc tự nhiên sẽ diễn ra, sau vài năm có nhiều startup công nghệ định giá quá cao, quá tự tin về khả năng mở rộng, trong khi doanh thu thuần về công nghệ lại quá nhỏ.

Tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, phần lớn mô hình startup sống được là dựa vào dịch vụ, tức là có công nghệ nhưng doanh nghiệp phải xây dựng được dịch vụ dựa trên công nghệ đó thì mới có thể tồn tại. Đơn giản là bởi môi trường tại Việt Nam không quá lớn để nhiều startup có thể nhanh chóng mở rộng và có lợi nhuận lớn từ các sản phẩm thuần công nghệ.

Việc làm dịch vụ trên nền tảng công nghệ sẽ giúp startup có thể sống sót mà không cần nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài. Điều này càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn khi tình trạng suy giảm nguồn vốn đầu tư đã hiện hữu khi mùa đông công nghệ đang tới, đòi hỏi doanh nghiệp phải tự tìm cách xoay xở để sống sót dựa trên những nền tảng chính.

Mô hình này sẽ đòi hỏi những người đứng đầu phải có tư duy khác, tìm lối đi khác so với những người đơn thuần là dân công nghệ.

Xin cảm ơn ông!

Theo The Leader