Covid-19 là cú hích khiến chợ đầu mối lớn bậc nhất Việt Nam muốn chuyển đổi số và đưa các sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử.
“Covid-19 có cú hích rất mạnh”, bà Nguyễn Thúy Anh – Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số (thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương) chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2020 mới đây.
Đại dịch này không chỉ thay đổi hành vi người tiêu dùng, mà còn là cú hích buộc các doanh nghiệp bán hàng, sản xuất truyền thống phải tính đến phương thức chuyển dịch online,
Công tác tại Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, bà Thúy Anh đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp offline chuyển dịch, đặc biệt là các chợ đầu mối. Bà lăn lộn tại các chợ đầu mối, đến chợ Bình Điền đến khuya 24/6 mới về, và ngay sáng 25/6 đã xuất hiện tại sự kiện, chia sẻ tiếng nói từ phía cơ quan quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử.
“Trước khi có mặt tại tọa đàm, tôi đã làm việc với một số doanh nghiệp ở TPHCM. Có một doanh nghiệp điển hình tôi muốn nhắc đến: Chợ đầu mối Bình Điền – một trong chợ đầu mối rất lớn ở TPHCM mạnh về nông – lâm – thủy sản, đang vận hành một hệ thống khá cồng kềnh, rất mong muốn chuyển đổi số và mong mang một số mặt hàng đặc trưng, có điểm nhấn tại khu vực miền Nam và TPHCM để đưa lên sàn thương mại điện tử hoặc chuyển đổi online“, bà Thúy Anh chia sẻ.
Chợ đầu mối Bình Điền rộng 65 ha, nằm tại đường Nguyễn Văn Linh – Quận 8 – TPHCM, được xem là chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam, hoạt động sầm uất chủ yếu từ khuya đến sáng, buôn bán hàng nghìn tấn nông, thủy, hải sản mỗi ngày.
Chợ được quy hoạch xây dựng năm 2003 và đưa vào hoạt động năm 2006 theo chủ trương di dời các điểm bán buôn trong nội thành ra ngoài ven thành phố của UBND TPHCM. Theo đó 8 trong 10 Chợ bán sỉ bao gồm Chợ Cầu Ông Lãnh, Chợ Cầu Muối, Chợ Xóm Củi, Chợ Trần Chánh Chiếu, Chợ An Lạc … được di dời về Chợ Bình Điền với ngành kinh doanh chủ lực là Thủy hải sản và Rau củ Quả.
Hiện chợ đã đưa vào hoạt động 7 nhà lồng chuyên doanh thịt súc sản, hải sản tươi sống, hải sản khô, rau củ quả, trái cây và hoa tươi cùng mạng lưới các dịch vụ phụ trợ.
Về tình hình kinh doanh trước và sau dịch, bà Vũ Thị Ánh Tuyết – Chánh văn phòng Lazada Việt Nam – cho biết đơn vị này ghi nhận số lượng nhà bán hàng mới tăng 8 lần so với thời điểm trước dịch, với nhiều nhà bán hàng có số lượng đơn hàng tăng vọt.
Sagrifood – một trong những nhà cung cấp thực phẩm tươi sống đầu tiên trên Lazada – tuần qua đã đạt số đơn hàng gấp 40 lần so với ngày thường nhờ chạy chiến dịch ưu đãi.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Dịch vụ Đo lường bán lẻ – Nielsen Việt Nam, nhìn nhận dịch Covid-19 là cú hích khiến chuyển đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng.
Khảo sát của Nielsen cho thấy có 64% người dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn sau Covid-19 và 63% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn.
“Với sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cũng cần thay đổi như mở rộng kênh bán hàng online và các kênh trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C); chuyển đổi danh mục sản phẩm; tăng cường bán hàng đa kênh và truyền tải thông điệp về sức khỏe và đảm bảo chất lượng“, đại diện Nielsen Việt Nam khuyến nghị.
Bình An
Theo Trí Thức Trẻ