Ngoài việc có thể thuê nhà xưởng xây sẵn với quy mô nhỏ để hoạt động, các doanh nghiệp SMEs có thể tiếp cận tốt công nghệ thông tin qua thuê bao, điện toán trên đám mây…Đây là 2 trong nhiều giải pháp các nhà chuyên môn bật mí để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) ngành sản xuất có thể phát triển mạnh mẽ tại Hội thảo chuyên đề “Các trợ lực để doanh nghiệp SMEs ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số” được tổ chức ngày 3/10/2019, tại Tp.HCM.
Vốn, nguồn khách hàng và nhà xưởng là trở lực
Cuộc điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI và USAID cho biết: 77% các doanh nghiệp siêu nhỏ và 69% doanh nghiệp nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh. Đối với nhóm doanh nghiệp quy mô vừa, số doanh nghiệp trước đó là từng hộ kinh doanh chiếm 55%. 32% doanh nghiệp siêu nhỏ và 17% doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI Tp.HCM cho rằng, hai điểm đáng chú ý từ cuộc điều tra PCI của VCCI và USAID gồm doanh nghiệp quy mô càng nhỏ thì tỷ lệ hoạt động có lãi càng thấp; tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng giảm sút.
Cũng theo ông Liêm, với số doanh nghiệp hiện khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động, từ nay đến năm 2020 cần phải có thêm khoảng 240.000 doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động mới đáp ứng được mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp. Dù vậy, với tốc độ tăng trưởng hiện nay, Việt Nam khó đạt được mục tiêu nói trên vào năm 2020.
Các khó khăn mà doanh nghiệp SMEs đang gặp phải theo ông Liêm gồm: Khó khăn trong tiếp cận nguồn lực cho quá trình hoạt động, gánh nặng về chi phí không chính thức, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thấp và chưa đúng đối tượng, gánh nặng về thủ tục hành chính cũng như thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước địa phương đối với các doanh nghiệp lại càng lớn.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường InsightAsia, trong số các khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam thì khó khăn về vốn được đặt lên cao nhất với 62% số người được hỏi cho rằng họ gặp khó về nguồn vốn (chủ yếu để đầu tư nhà xưởng, máy móc….), tiếp theo là khó khăn về nguồn khách hàng (60%), khó khăn về nhà xưởng (55%), khó khăn về pháp lý (45%).
Có nhiều trợ lực để doanh nghiệp SMEs sản xuất tăng tốc
Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng thống kê của Microsoft (theo mẫu khảo sát của Microsoft toàn cầu) cho thấy điểm “tươi sáng” khi 86% doanh nghiệp SMEs tại Việt Nam tiếp cận tốt với công nghệ thông tin, cao hơn tỷ lệ này ở rất nhiều nước tại châu Á như Malaysia, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản….
Ông Đỗ Khắc Cương, Giám đốc quốc gia phụ trách khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Microsoft, cho rằng, doanh nghiệp SMEs sẽ thực sự tăng tốc nếu tận dụng thế mạnh công nghệ để phát triển trong thời gian tới. Bởi không giống như trước đây chỉ có những doanh nghiệp lớn có điều kiện để mua công nghệ/xây dựng trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp, ngày nay các doanh nghiệp SMEs vẫn có thể tiếp cận công nghệ thông tin tốt thông qua hình thức thuê bao, điện toán trên đám mây với chi phí cực thấp.
Không chỉ dừng lại ở đó, những khó khăn trong đầu tư nhà xưởng do bị hạn chế nguồn lực của các doanh nghiệp SMEs cũng được giải quyết nhanh chóng qua dịch vụ thuê nhà xưởng xây sẵn với quy mô nhỏ để hoạt động
Theo bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó tổng giám đốc Kizuna, hiện tại bên cạnh mô hình khu công nghiệp truyền thống rất khó để doanh nghiệp SMEs tiếp cận, các doanh nghiệp SMEs có thể thuê nhà xưởng xây sẵn với với quy mô nhỏ để hoạt động hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Hiện trên thị trường đã có các mô hình khu công nghiệp kiểu mới được cung cấp dịch vụ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng năng lựợng tái tạo.
Bà Lâm Diệu Tâm Hiếu đánh giá đây thực sự sẽ là bước tiến mới trong việc cung cấp mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp SMEs, vốn gặp khó về việc xây dựng nhà xưởng đúng chuẩn, hiện đại, tiết kiệm chi phí.
Cuối cùng về tiếp cận vốn – trở lực lớn nhất của các doanh nghiệp SMEs, ông Trần Khải Hoàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nam A Bank chia sẻ 3 vấn đề doanh nghiệp SMEs cần phải lưu tâm gồm: chiến lược liên quan đến vay vốn như phương án vay và sử dụng vốn; vốn tự có nên đáp ứng tối thiểu 40% tổng nguồn vốn cần cho triển khai dự án; và hồ sơ pháp lý của tài sản đảm bảo rõ ràng bao gồm tài sản là các hợp đồng kinh doanh.
Lý giải về những vấn đề trên ông Hoàn cho rằng, phía doanh nghiệp đang rất khó khăn trong tiếp cận vốn, nhưng khó khăn này đến từ những điều rất đơn giản. Khi ngân hàng xuống làm việc với doanh nghiệp, các doanh nghiệp cho thấy hầu như chưa sẳn sàng/không có chiến lược liên quan vấn đề vay vốn (không trình bày được phương án vay vốn) dù họ có chiến lược sản xuất, chiến lược về khách hàng.
Về vốn tự có, ông Hoàn cho rằng, khi doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trên nền vốn vay của ngân hàng doanh nghiệp sẽ đối mặt với rủi ro rất cao, đảm bảo doanh nghiệp có lợi nhuận là rất khó khăn. Mặc dù, trong tất cả các phương án kinh doanh, các ngân hàng đều yêu cầu doanh nghiệp có tối thiểu 20% tổng nguồn vốn kinh doanh là vốn tự có nhưng theo ông Hoàn về lâu dài để đảm bảo hoạt động có lời và an toàn doanh nghiệp nên có ít nhất 40% vốn tự có.
QUỲNH NGUYỄN
Theo VnEconomy