Một chiến lược Quản trị công ty bền vững là nhằm hướng tới cân bằng mục tiêu lợi nhuận trong sự tương tác với việc bảo vệ và duy trì giá trị của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, trong đó giá trị sống của người dân là trung tâm của hành động.
Năm 2021 là năm bản lề thể hiện bản lĩnh, sức mạnh nội lực của thành viên các Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban điều hành trong việc chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình đi qua năm thứ hai, và đặc biệt là làn sóng thứ 4, của đại dịch Covid–19. Đối mặt với những thách thức khó lường và bất định, phát triển bền vững và ESG (Quản trị Môi trường, Xã hội và Quản trị Doanh nghiệp) đã ngày nhận được sự quan tâm lớn và đưa vào chương trình hành động của HĐQT và Ban điều hành các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu và tại Việt Nam.
Ngày 10/12/2021, Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ tư năm 2021 (AF4) với chủ đề “Hướng tới tương lai – Vai trò của Hội đồng quản trị trong ESG và tính bền vững” theo hình thức trực tuyến. Diễn đàn thảo luận chuyên sâu về vai trò của các thành viên HĐQT trong việc định hướng và giám sát các thực hành tốt về Quản trị công ty hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh “thách thức kép” của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.
Chia sẻ về Diễn đàn, Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD, Chủ tịch Deloitte Việt Nam khẳng định: “Một chiến lược Quản trị công ty bền vững là nhằm hướng tới cân bằng mục tiêu lợi nhuận trong sự tương tác với việc bảo vệ và duy trì giá trị của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, trong đó giá trị sống của người dân là trung tâm của hành động. Chiến lược này luôn song hành cùng một nền tảng văn hoá HĐQT – văn hóa thực hành và phát triển trên ba giá trị cốt lõi “tuân thủ”, “minh bạch” và “chính trực”. Chúng tôi cho rằng đó như là ‘lá chắn Vaccine’ giúp cho doanh nghiệp vững vàng vượt qua thách thức kép của giai đoạn lịch sử hiện nay.”
Bà Hà Thu Thanh nhận định: “Xây dựng nền tảng phát triển bền vững dựa trên sự tôn trọng các vấn đề về môi trường và khí hậu là mục tiêu hướng tới của mọi nền kinh tế, mọi doanh nghiệp. Đó sẽ là nền tảng của một tương lai xanh – một tương lai bền vững.”
Trong khuôn khổ sự kiện, tại toạ đàm “Vai trò HĐQT trong Quản trị Môi trường và Xã hội – Chiến lược hành động bền vững trong và sau đại dịch”, hai diễn giả là bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và bà Trần Phương Nga, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long đã chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp dẫn đầu trong các hoạt động phát triển bền vững (ESG).
Ông Vũ Quang Thịnh, thành viên HĐQT VIOD, CEO Dynam Capital làm điều phối viên toạ đàm.
Ông Vũ Quang Thịnh: Chúng ta đã trải qua 2 năm Covid và hiện đang phải đối mặt với biến chủng mới, tác động về môi trường và xã hội rất hiện hữu, vậy với vai trò người lãnh đạo cao nhất doanh nghiệp, HĐQT cần làm gì và chiến lược hành động của doanh nghiệp sau đại dịch như thế nào?
Bà Cao Ngọc Dung – Chủ tịch PNJ: PNJ trước đây là một công ty nhà nước, sau đó cổ phần hoá và niêm yết trên TTCK. Chúng tôi coi hoạt động ESG từ trước đến nay là hoạt động bình thường trong bản năng. Hoạt động vì môi trường và xã hội là một trong các trụ cột chiến lược của PNJ. Chúng tôi có xây dựng trong bản đồ chiến lược và đảm bảo rằng Ban điều hành có một bộ phận CSR để thực thi chiến lược đề ra, báo cáo định kỳ của Ban điều hành hay Báo cáo thường niên nêu rõ hoạt động này.
Là công ty liên quan đến ngành hoá chất chúng tôi đo lường khí độc hại trong môi trường sản xuất của công nhân bên cạnh báo cáo đo lường nước thải, chúng tôi có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn… Chúng tôi cùng với anh Dominic Sriven (Chủ tịch Dragon Capital) tham gia bảo vệ hệ sinh thái động vật ở Việt Nam, hay có ngân sách cho hoạt động xã hội hướng vào trẻ em và phụ nữ yếu thế… Các hoạt động này được lên kế hoạch và theo dõi trong báo cáo định kỳ cho HĐQT.
Các hoạt động này đi từ nền tảng văn hoá doanh nghiệp, từ 1992 chúng tôi có triết ký đặt lợi ích xã hội, lợi ích khách hàng trong lợi ích của doanh nghiệp, từ đó các hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) được thực thi một cách tự nhiên. Chúng tôi đặt mục tiêu trong năm tới sẽ có một thành viên chính thức trong HĐQT chuyên trách ESG, để hoạt động này mang tính chuyên nghiệp hơn.
Bà Trần Phương Nga – CEO Tập đoàn Thiên Long: Hoạt động CSR gắn với Thiên Long từ những ngày đầu tiên, Chủ tịch Cô Gia Thọ là người đề cao phát triển bền vững, trong giá trị cốt lõi của Thiên Long có từ nhân văn và trong logo có từ “sức mạnh tri thức” nên phải hành xử một cách tử tế. Vấn đề môi trường và con người thấm vào trong máu của từng thành viên HĐQT và từng con người của Thiên Long. Các hoạt động liên quan ESG được chúng tôi thực thi hết sức tự nhiên. Ngay từ khi Thiên Long xây dựng nhà máy thì nhà máy xanh, sản phẩm xanh. Khi Thiên Long xuất khẩu đi nhiều quốc gia thì nhận thấy vấn đề ESG được các đối tác, các nhà đầu tư ngày càng coi trọng nên chúng tôi bắt tay vào làm chuyên nghiệp hơn, đặt các hoạt động ESG trong kế hoạch 5 năm. Chúng tôi muốn lan toả ra xã hội thông qua các chương trình như mái trường xanh biến rác thải thành học bổng, tái chế sản phẩm của Thiên Long…
Bà Cao Ngọc Dung: Trong chương trình hành động của HĐQT có mục gọi là CSR, ở PNJ chúng tôi có 2 nguồn ngân sách cho các hoạt động vì xã hội và môi trường, mỗi quý cán bộ nhân viên sẽ dành ra 1 ngày lương đóng góp vào quỹ, về phía HĐQT chúng tôi cũng cung cung cấp ngân sách tương tự để xây các chương trình hành động. Phạm vi hoạt động của PNJ trên khắp cả nước, chúng tôi có quỹ hỗ trợ trẻ em Việt Nam, trẻ em tự kỉ, môi trường, các chương trình cho người nghèo, phụ nữ nghèo…Phòng CSR phân bổ cho từng vùng, dưới từng vùng có nhân sự phụ sách. Của cho không bằng cách cho, chúng tôi không cho tiền mà chúng tôi cho cần câu, chúng tôi làm việc với các địa phương để giúp người gặp khó khăn.
Bà Trần Phương Nga: Mọi người ấn tượng về màn hình đặt trước nhà máy của Thiên Long tính năng lượng tiêu thụ và lượng phát khí thải CO2 hàng ngày của công ty. Ban điều hành của Thiên Long yêu cầu phải đo lường các chỉ số thì mới có cải thiện hàng ngày. Từ 2018 chúng tôi đầu tư vào năng lượng mặt trời và đo lượng phát thải hàng năm, chúng tôi cũng đo lượng điện tiết kiệm, việc này giúp chúng tôi đi xa và đi bền vững, không chỉ là rác thải và điện mà cả lượng nước tái chế, chúng tôi đặt ra chỉ tiêu bao nhiêu nhựa tái chế tăng hàng năm, chúng tôi xây dựng định mức điện cho từng sản phẩm. Như vậy mọi thứ đều được bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất.
Ông Vũ Quang Thịnh: Covid 19 đã tác động mạnh đến toàn bộ nền kinh tế. Trước các rủi ro tương tự như Covid-19 có thể xảy ra trong tương lai thì công ty làm gì đảm bảo an toàn của công nhân và sự liên tục mà không đứt gãy chuỗi cung ứng?
Bà Cao Ngọc Dung: Uỷ ban quản trị rủi ro của PNJ xây dựng các kịch bản rủi ro về môi trường và xã hội, chúng tôi có sự chuẩn bị sẵn các rủi ro do cú sốc thiên tai địch hoạ. Thời điểm cuối 2019 khi nhìn thấy Covid bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc chúng tôi đã đo lường rủi ro nếu dịch vào VN thì như thế nào để xây dựng các kịch bản theo từng cấp độ dịch.
Năm 2020 khi dịch bùng phát, chúng tôi ngay lập tức lên chương trình hành động, điều đầu tiên là bảo vệ tính mạng của cán bộ nhân viên và tuyên truyền trong đội ngũ sẽ có big bang xảy ra nên chuẩn bị sẵn về tinh thần, nên PNJ rất tự tại trong bản thân mình mọi thứ đã được lên kế hoạch từ trước. Chúng tôi tự hào là đời sống nhân viên tinh thần không bị tồn hại nhiều về tiền lương, y tế, sức khoẻ,… cả với người thân. Trong năm qua chúng tôi cũng giúp đỡ cộng đồng như Siêu thị 0 đồng. Mọi thứ đều phải có sự hoạch định và HĐQT có tầm nhìn phải nhìn về rủi ro. Tất cả mọi thứ phải chủ động, nếu chủ động thì thiên tai địch hoạ sẽ giảm thiểu tốt hơn.
Xin cảm ơn các diễn giả đã chia sẻ.
Theo Cafef.vn