“Thế hệ trẻ bây giờ khác lắm. Các bạn trẻ ở độ tuổi 30-40 đang là lực lượng lao động chiếm đa số trong các doanh nghiệp. Khác với thế hệ xưa, các bạn trẻ làm vì mục đích cuộc sống nhiều hơn là thuần túy vật chất, trong khi chúng ta lại cứ ngồi bàn tán mãi về lương bổng…Nếu CEO không tìm cách thay đổi, “ép mình” thay đổi, chấp nhận rủi ro thì rất khó để đi lên…”
Đó là chia sẻ của bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch ĐH Fulbright Vietnam tại “Vietnam HR Awards Forum 2019” với chủ đề: “Đột phá kích hoạt tiềm năng doanh nghiệp và sức mạnh nguồn nhân lực thời đại số” do báo Lao động – xã hội và Công ty CP Kết nối Nhân tài (Talentnet) tổ chức ngày 21/11 tại Tp.HCM.
Doanh nghiệp phải có câu chuyện để truyền lửa cho nhân viên
“Chúng ta thường hay sợ một điều, đó là mình đã làm việc ở một tổ chức 20 năm rồi, nhảy sang một lĩnh vực khác, đó là một rủi ro. Cho nên rất khó để thay đổi. Thế nhưng, nếu không thay đổi, không làm mới lại mình thì rất khó để phát triển…”, bà Thủy chia sẻ.
Trong khi đó, lực lượng lao động mới đang chiếm đa số trong các doanh nghiệp hiện nay. Mà thế hệ trẻ này họ rất khác ngày xưa. Nếu bản thân chúng ta không tìm cách, không tự thay đổi mình thì doanh nghiệp sẽ như thế nào và làm sao chúng ta biết mình sẽ thay đổi ra sao?
“Chúng ta thậm chí phải “ép mình” nhảy vào cuộc chơi, chấp nhận rủi ro để thay đổi. Cố gắng làm nhiều thứ. Từ đó thế hệ lãnh đạo chúng ta mới khơi dậy được đam mê nồng nhiệt của tuổi trẻ”, Chủ tịch ĐH Fulbright Vietnam nhấn mạnh.
Theo bà Thủy, thế hệ lãnh đạo xưa cũng có những ý tưởng nhưng khác với các bạn trẻ bây giờ. Bây giờ thế hệ trẻ họ rất say mê, họ muốn có một câu chuyện về doanh nghiệp của mình để theo đuổi, để truyền lửa. Đây là một thách thức đối với CEO thế hệ trước. Khi thời đại đang thay đổi nhanh chóng, nếu doanh nghiệp mình không có câu chuyện để kể, liệu các bạn trẻ có dám đi với mình trong hành trình nhiều rủi ro, gian nan phía trước? Nếu có câu chuyện thú vị nhân viên sẵn sàng theo mình, thậm chí có những người bỏ lương cao, điều kiện tốt hơn ở nước ngoài để về xây dựng doanh nghiệp với mình.
“Đây đang là một thử thách rất lớn với các doanh nghiệp, bởi vai trò CEO trong tương lai sẽ khác rất xa với công việc lãnh đạo cách đây 5-7 năm”, bà Thủy khẳng định.
Nếu thế hệ lãnh đạo xưa cứ ngồi bàn tán mãi về lương bổng, thưởng cuối năm…, thì đối với những bạn trẻ đây không còn là yếu tố quan trọng nhất. Hiện nay, các bạn trẻ làm việc với mục đích sống nhiều hơn thay vì chỉ đi kiếm đồng lương hay những chuyện thuần túy về vật chất.
“Chính vì thế, làm sao để nhân viên họ đi theo mình, họ được kể một câu chuyện. Sau này họ có thể tự hào mà kể lại cho con cháu, người thân của họ nghe về công việc của họ. Trong quản trị nhân sự, tôi thích khái niệm trao quyền hơn là “learder”. Bởi vì, khi nhân viên đi làm với mình ngoài chuyện kiếm ăn, kiếm công việc qua ngày, thì doanh nghiệp tạo ra được giá trị gì cho họ mới là cốt lõi”, bà Đàm Bích Thủy chia sẻ.
Trong tuyển dụng con người chúng ta cứ chăm chăm vào kiến thức và kỹ năng nhưng lại quên đi yếu tố “phẩm chất cá nhân”
Theo bà Thủy, mục tiêu chú trọng vào nhân sự là để đáp ứng được lực lượng lao động cho doanh nghiệp trong sự phát triển dài hạn.
Tuy vậy, có một thực tế, hiện nay các doanh nghiệp tập trung vào tuyển chọn về kiến thức và kỹ năng của con người nhiều hơn là về tư cách phẩm chất cá nhân. Đặc biệt, trong thời kì mà mọi sự thay đổi quá nhanh, công nghệ tham gia trực tiếp vào hoạt động của con người thì yếu tố phẩm chất cá nhân thường bị coi nhẹ trong quá trình tư vấn và tuyển dụng.
“Tôi lấy một ví dụ, có một anh kỹ sư làm việc rất giỏi, rất tốt nhưng khi kí một hợp đồng lại chuyển bớt thông tin của tổ chức để lấy thêm lợi nhuận bên ngoài. Hay, một bạn sales ngân hàng làm việc giỏi nhưng lại thông đồng với khách hàng để lừa dối một khoản vay…vậy, phải chăng yếu tố về tư cách phẩm chất cá nhân của người lao động có trở nên quan trọng trong một tổ chức và cần được chúng ta tập trung vào khi tuyển dụng?”, bà Thủy giãi bày.
Theo nữ Chủ tịch này, phẩm chất cá nhân là yếu tố khó đong đếm trong tuyển dụng nhân sự. Nhưng cái mà doanh nghiệp cần là giá trị của doanh nghiệp sẽ ở đâu, làm gì để nhân viên tốt hơn, tại sao nhân viênn này xứng đáng được đầu tư hơn những nhân viên khác…
“Thực chất đào tạo kiến thức và kỹ năng rất đơn giản, những điều này chúng ta có thể học trên mạng, qua sách vở, bạn bè…nhưng phần đào tạo nhân cách, cách suy nghĩ, biết làm gì đúng, gì sai, biết nghĩ đến cộng đồng hơn là nghĩ riêng mình, trong hệ thống đào tạo chưa tập trung nhiều đến vấn đề này. Dạy kiến thức, kỹ năng dễ còn dạy tư cách, nhân cách con người đòi hỏi dài hơi hơn”, bà Thủy cho hay.
Trong bối cảnh thế giới biến động, thế hệ trẻ có xu hướng đòi hỏi nhiều thứ thì theo Chủ tịch ĐH Fulbright Vietnam, tất cả các doanh nghiệp phải nghĩ về chiến lược nhân sự. “Nếu phải chọn 3 cụm từ để tập trung nhiều nhất khi tuyển dụng lực lượng lao động cho tương lai thì tôi dùng: Dám thay đổi – chấp nhận rủi ro; biết truyền cảm hứng; biết cảm thông và chia sẻ. Để thế hệ trẻ sau này ra trường được doanh nghiệp đón nhận”, bà Đàm Thu Thủy nhấn mạnh.
Phương Nga
Theo Trí Thức Trẻ