Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng làm gì để giảm ảnh hưởng của covid-19?

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương coi công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không được chủ quan nhưng cũng không hoang mang, dao động, cần chủ động, tích cực ứng phó trên tất cả mọi phương diện…

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2020. Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành là vừa thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh do virus corona (covid-19), vừa tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế – xã hội đề ra.

Theo Nghị quyết, Chính phủ thống nhất đánh giá: Tháng 01/2020, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; chủ động điều hành tốt tỷ giá, lãi suất, thị trường tài chính, tiền tệ; lãi suất thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm. Thu ngân sách nhà nước tăng 4,8%, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 8,4%, tổng vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài tăng 179,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện…

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2020, nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, Chính phủ thống nhất quan điểm chỉ đạo là vừa thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV, vừa tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế – xã hội đề ra; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thể hiện quyết tâm chính trị, khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế – xã hội với tinh thần chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo, nhạy bén hơn, có đối sách phù hợp, kịp thời để phòng, chống dịch bệnh và giảm thiểu, bù đắp được những thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên các lĩnh vực.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương coi công tác phòng, chống dịch bệnh -19 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không được chủ quan nhưng cũng không hoang mang, dao động, cần chủ động, tích cực ứng phó trên tất cả mọi phương diện, sẵn sàng chấp nhận thiệt hại một phần kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Để ứng phó tác động của dịch bệnh covid-19 đối với phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ yêu cầu từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, đánh giá và lượng hóa các tác động của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn, nhất là xuất nhập khẩu, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, vận tải, dịch vụ để cập nhật kịch bản tăng trưởng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 733/VPCP-KTTH ngày 03/02/2020; thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh, nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội đề ra; đề xuất giải pháp, đối sách phù hợp để hạn chế các tác động do dịch bệnh covid-19 gây ra…

Các cấp, các ngành, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tập trung cao độ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, không để công việc trì trệ; thực hiện nghiêm Công điện số 122a/CĐ-TTg ngày 30/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. 

Riêng với ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; tiếp tục tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh; 

Ngân hàng Nhà nước cũng phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19; tiếp tục đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…

PV

Theo Tài chính Plus