Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khiến ‘chiến trường’ TMĐT xuyên biên giới ở Việt Nam ngày càng nóng bỏng

Nhằm chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới, Amazon vội vàng thành lập công ty đại diện tại Việt Nam, còn Alibaba cấp tập mở đủ loại hội thảo để PR bản thân, bản thân DHL Global Forwarding cũng vừa bổ nhiệm hẳn một Giám đốc Điều hành nhằm quán xuyến riêng thị trường Việt Nam cũng như Lào và Campuchia.

Theo Google và Temasek Holdings, doanh thu thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 240 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, số liệu báo cáo cũng chỉ ra rằng Đông Nam Á trở thành một trong những vùng internet phát triển phát triển nhanh nhất thế giới.

Thị trường với hơn 600 triệu dân nhưng thương mại điện tử (TMĐT) chỉ chiếm chưa tới 4% tổng doanh thu ngành bán lẻ (số liệu từ Maybank Kim Eng) đã đưa Đông Nam Á – trong đó có Việt Nam, trở thành “mỏ vàng” trong mắt của những sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba hay Amazon cùng các công ty logistic quốc tế giống DHL, BEST.

Ngoài ra, có thể nói, trong vài năm gần dây, do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, ‘chiến trường’ thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam ngày càng nóng bỏng. Do lệnh cấm vận, nhiều doanh nghiệp Mỹ không thể mua hàng (ở một vài lĩnh vực) của các nhà cung cấp Trung Quốc nên họ đã chuyển hướng sang Việt Nam – thị trường có có cấu nền công nghiệp cũng như thế mạnh khá tương đồng với Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, do khá nhiều nhu yếu phẩm của người Trung Quốc thường nhập khẩu từ Mỹ bị cắt giảm, khiến họ buộc phải tìm đến những nhà cung cấp khác hoặc tìm giải pháp thay thế. Với những lợi thế đang có như về vị trí địa lý và tương quan giữa giá cả – chất lượng, các nhà cung cấp Việt Nam đang là ứng cử viên thay thế tiềm năng. Thêm nữa, việc Trung Quốc siết chặt đường biên khiến cho việc xuất khẩu qua nền tảng online đến thị trường này ngày càng được doanh nghiệp Việt Nam ưa chuộng.

Cuộc đua hấp dẫn giữa Amazon và Alibaba

Như chúng ta đã biết, dù là doanh nghiệp thuộc về nước Mỹ xa xôi, nhưng Amazon mới là người chạm ngõ thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam trước chứ không phải Alibaba.

Cuối năm 2017, khắp cả Việt Nam, nhất là giới làm thương mại điện tử trở nên sôi sục, khi thông tin Amazon đổ bộ vào đây bùng nổ trên các mặt báo. Sau đó, dù theo nhận định của giới chuyên môn, thì Amazon sẽ không lập kho hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam trong vòng 5 năm nữa; bù lại, ‘ông lớn’ trong mảng thương mại điện tử này rất tích cực trong các hoạt động xúc tiến thương mại của mình.

Tháng 3/2018, Chương trình Amazon Global Selling chính thức ra mắt thị trường Việt Nam tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam. Tháng 9/2018, Amazon cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã tổ chức sự kiện “Bán hàng toàn cầu Với Amazon – Selling Globally on Amazon”.

Tháng 1/2019, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) công bố hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử. Tháng 8/2019, Amazon thành lập công ty Amazon Global Selling Việt Nam, Giám đốc là ông Trần Xuân Thủy – “người cũ” của Alibaba. Ông Thuỷ đã có 8 năm gắn bó với Alibaba ở cương vị Giám đốc thị trường Việt Nam.

Ông Trần Xuân Thủy – Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam

Tới tháng 10/2019, Amazon tổ chức sự kiện giới thiệu đội ngũ chuyên trách của mình tại Việt Nam. “Việc lập đội ngũ chuyên trách tại Việt Nam là cột mốc quan trọng của Amazon tại Đông Nam Á và Việt Nam. Hiện tại, các mặt hàng hàng của người Việt như thủ công, may mặc, da giày, tiêu dùng… đang được bán tốt trên Amazon“, ông Bernard Tay – Giám đốc phụ trách Dịch vụ khách hàng Amazon Singapore và Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á, Australia và New Zealand, chia sẻ

Phần Alibaba, họ bắt đầu trực tiếp tấn công thị trường Việt Nam từ cuối năm 2018, khi ký kết hợp tác với Fado để Fado trở thành đối tác ủy quyền của họ tại Việt Nam (nhưng đến tháng 3/2019 mới công bố thông tin), nhằm hỗ trợ – đào tạo các SMEs Việt Nam chào hàng đến khắp thế giới thông qua sàn Alibaba.com.

Đến cuối tháng 9/2019, Alibaba đã phối hợp cùng đối tác Innovative Hub đến từ Singapore tổ chức Hội thảo Số hóa mô hình kinh doanh mở lối vào thị trường quốc tế tại TP. HCM, nhằm PR bản thân. Cuối tháng 10 vừa qua, lần này Alibaba trực tiếp một mình đứng ra tổ chức Hội thảo “Go Export”.

Trong khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có năng lực sản xuất lớn với hơn 500.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất ít trong số này tham gia thương mại toàn cầu bằng cách sử dụng những kênh kỹ thuật số.

Việt Nam nắm giữ lợi thế lớn trong nhiều hạng mục như lực lượng lao động lành nghề, sản phẩm chất lượng cao và giá cả cạnh tranh. Vì thế, Alibaba.com tin rằng Việt Nam còn nhiều tiềm năng rất lớn để xuất khẩu“, ông Zhang Kuo – Tổng giám đốc Alibaba.com, nhận định.

Còn ông John Caplan – Giám đốc bộ phận B2B khu vực Bắc Mỹ của Alibaba, đề cập cụ thể hơn trong Hội thảo: Việt Nam đang là thị trường ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn mua hàng hóa chất lượng tốt với giá cả phải chăng. Theo đó, chi nhánh tại Mỹ của Alibaba.com đang tích cực nâng cao nhận biết về các nhà cung cấp Việt Nam trên toàn nền tảng Alibaba.com.

Các nhà cung cấp logistic cũng không thể đứng ngoài cuộc

Khi mà Alibaba đang tập tễnh đến khám phá thị trường Việt Nam cũng như Amazon không đặt kho hoặc văn phòng đại diện tại đây trong tương lai gần, tức là cả hai sẽ phải liên kết với những công ty logistic quốc tế để vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới. Thế nên, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy sự nghiêm túc của các Tập đoàn quốc tế trong cuộc chơi này hoặc sự xuất hiện của các gương mặt đình đám.

Hôm nay, ngày 4/11, DHL công bố thông tin bổ nhiệm ông Laurence Cheung đảm nhiệm vị trí Giám đốc Điều hành của DHL Global Forwarding tại Việt Nam, Lào, Campuchia.

Trước khi đảm nhận vị trí mới, ông Laurence đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại DHL Global Forwarding, với vai trò là giám đốc điều hành tại một số thành phố lớn và phát triển nhanh thuộc Trung Quốc như Bắc Kinh, Thành Đô và Hạ Môn. Gần đây nhất, ông giữ vai trò là Trưởng khu vực Đông Nam của DHL Global Forwarding Trung Quốc, dẫn dắt hơn 150 nhân viên thuộc 8 chi nhánh và 3 văn phòng kinh doanh.

Ông Laurence Cheung – Giám đốc Điều hành của DHL Global Forwarding tại Việt Nam, Lào, Campuchia

Ông Laurence có chuyên môn cao về quản lý vận hành chuỗi logistics phức tạp, tận dụng cơ hội tại các thị trường tăng trưởng mạnh và truyền cảm hứng cho mọi người để đạt tới những nấc thang vượt trội mới.

Từ những gì đã tích lũy được trong khoảng thời gian làm việc tại ngành logistics Trung Quốc, ông Laurence sẽ tiếp tục mở rộng quy mô vận hành của DHL Global Forwarding trong bối cảnh giao thương giữa Trung Quốc và khu vực Đông Dương được dự báo ngày càng tăng lên đáng kể“, ông Thomas Tieber – Tổng Giám đốc của DHL Global Forwarding tại khu vực Đông Nam Á và Nam Á, cho biết.

Còn ông Laurence Cheung cũng tiết lộ, mình rất háo hức với thử thách mới này: “Sự biến động hiện tại của thương mại thế giới đang tạo ra những cơ hội khổng lồ cho các quốc gia tại khu vực Đông Dương. Cụ thể, giá trị xuất khẩu của Việt Nam qua thị trường Mỹ đã tăng gần 29% trong năm nay, trong khi giá trị thương mại giữa Campuchia và Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi, chạm mức 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2023.

Tôi mong rằng sẽ có thể nắm bắt những cơ hội mới này thông qua việc nâng cao các tiêu chuẩn vận hành của DHL ở ba quốc gia nói trên trong phạm vi quản lý của tôi, cũng như nhân đôi vốn tài sản quý giá nhất – nguồn nhân lực, thông qua việc tập trung phát triển kỹ năng và khả năng lãnh đạo trong đội ngũ nhân sự“.

Có thể, DHL buộc phải thực hiện động thái này là bởi những áp lực cạnh tranh từ các tay chơi mới trên thị trường.

Ngày 11/10 vừa qua, BEST Inc – doanh nghiệp vận tải công nghệ đến từ Trung Quốc đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam. Còn trên thực tế, họ đã đi làm giấy phép đăng ký kinh doanh vào tháng 11/2018.

BEST Inc gia nhập thị trường chứng khoán New York năm 2017, doanh thu năm 2018 của họ khoảng 4 tỷ USD. Trong năm 2018, doanh thu của họ tăng trưởng 40% so với 2017, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2018. Họ có 8.000 nhân viên và hơn 30.000 nhân viên thuê ngoài cộng 600.000 người vận hành từ 36.000 đối tác.

Năm 2015, họ thành lập BEST Global – BEST USA để chuẩn bị tổng tấn công các thị trường thế giới và Đông Nam Á. Trước khi đến Việt Nam năm 2018, BEST Inc đã xâm chiếm thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Maylaysia, Indonesia… Hiện, BEST Inc đã có mặt tại 19 quốc gia, kể cả Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước châu Âu.

Theo Trí Thức Trẻ