Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

WB dự báo Việt Nam tăng trưởng 4,9% năm nay

Trong kịch bản cơ sở, WB cho rằng nền kinh tế sẽ hồi phục từ giữa quý III, khiến tăng trưởng cả năm 2020 đạt 4,9%.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương thời Covid-19. Cho rằng việc dự báo chính xác tốc độ tăng trưởng trong môi trường thay đổi nhanh chóng là rất khó, tổ chức này đã đưa ra hai kịch bản là cơ sở và kém hơn. 

Với Việt Nam, trong kịch bản cơ sở, nền kinh tế sẽ hồi phục từ giữa quý III, khiến tăng trưởng cả năm 2020 đạt 4,9%. Còn trong kịch bản kém hơn, nếu đại dịch kéo dài đến cuối năm, GDP có thể chỉ tăng 1,5%. Sang năm 2021 và 2022, tăng trưởng ước tính là 7,5% và 6,5%. Áp lực lạm phát dự báo tăng lên tạm thời, với CPI tăng 3,5% năm nay.

Tuần trước, Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế xã hội trong 3 tháng đầu năm 2019. Theo đó, GDP quý I/2019 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ này giảm mạnh so với cùng kỳ và thấp nhất trong 10 năm gần đây. Trước đó, Bộ kế hoạch & Đầu tư dự báo, trường hợp xấu nhất, GDP chỉ tăng 5,96% năm nay – thấp nhất 7 năm.

Công nhân làm việc trong một nhà máy may. Ảnh: Reuters

Ông Ousmane Dione – Giám đốc WB Việt Nam cho rằng “hiện tại còn quá sớm để nói về hậu quả của đại dịch tại Việt Nam và trên thế giới”. Do việc này còn tùy vào thời gian, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, cũng như phản ứng chính sách của chính phủ và hành vi của người dân, doanh nghiệp.

Trong báo cáo, tổ chức này nhận định đại dịch đang gây ra cú sốc trên toàn cầu, khiến các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực đối mặt với viễn cảnh suy thoái. Tốc độ tăng trưởng với các nước đang phát triển tại Đông Á – Thái Bình Dương năm nay dự báo là 2,1% và 0,5%. Con số này của Trung Quốc là 2,3% và 0,1%.

Ở Việt Nam, ông nhận định các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là du lịch, vận tải, xuất khẩu. Các mảng này có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và còn gây tác động dây chuyền đến nhiều ngành khác. Việc hạn chế xuất nhập cảnh ảnh hưởng lớn đến cán cân thanh toán. “Suy giảm xuất khẩu, đặc biệt là dịch vụ, có thể còn tiếp diễn trong vài quý tới”, ông nói.

Ông Jacques Morisset – kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhận định các chính sách của Việt Nam đến nay là phù hợp. Ông đánh giá cao các biện pháp giải quyết khủng hoảng y tế, bảo vệ doanh nghiệp và quản lý ngân sách của chính phủ. Đặc biệt là việc có ngân sách dự phòng và đã phát huy tác dụng trong tình hình hiện tại.

Dù vậy, đại diện WB đưa ra ba khuyến nghị chính sách cho Việt Nam để giảm thiểu tác động kinh tế từ Covid-19. Một là quan tâm đến khu vực phi chính thức. Nhóm này không tiếp cận được các biện pháp hỗ trợ về thuế hay tín dụng. Vì vậy, chính phủ có thể giảm tiền điện, nước, điện thoại hoặc tạo ra các việc làm cộng đồng. Tiếp theo là tìm cách tăng ngoại tệ và ổn định hệ thống ngân hàng.

Ông Morisset nhận định hiện tại, các chính sách của Việt Nam vẫn nghiêng về nới lỏng tiền tệ. Nhưng kích thích tài khóa vẫn rất cần thiết. “Trong ngắn hạn có thể dùng chính sách thuế. Còn trong trung hạn, cần tăng chi ngân sách, tăng tốc phân bổ ngân sách cho các địa phương, ưu tiên cho các dự án kích thích nhu cầu nhằm tăng hiệu quả lan tỏa”, ông nói.  Sau khi đại dịch chấm dứt, WB cho rằng Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường kinh tế số và nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống y tế.

WB cho biết tổ chức này đang triển khai gói tài chính nhanh trị giá 14 tỷ USD nhằm tăng cường ứng phó COVID-19 trên toàn cầu và rút ngắn thời gian phục hồi. Trong đó, Việt Nam có thể tiếp cận 50 triệu USD. Tổ chức này cũng đang hỗ trợ chính phủ đẩy mạnh giải ngân các dự án hiện tại và đào tạo cán bộ y tế.

Theo VNE