Vậy các giám đốc công nghệ này biết gì về sản phẩm của chính họ mà người dùng không biết?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây đã khuyên các bậc cha mẹ nên hạn chế thời gian sử dụng điện thoại thông minh hay tablet của trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 1 giờ mỗi ngày. Dù một nghiên cứu lớn tìm thấy khá ít mối tương quan giữa thời gian xem màn hình và tác động đến sức khỏe tâm thần nhưng các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng nguy cơ trầm cảm của học sinh cấp 2 tăng 27% khi thường xuyên sử dụng mạng xã hội.
Không phải mãi cho đến gần đây, cảnh báo về rủi ro khi cho trẻ em dùng smartphone đã có từ cách đây gần 10 năm, theo các nhà giáo dục Joe Clement và Matt Miles. Bằng chứng là hai ông trùm công nghệ Bill Gates và Steve Jobs rất hiếm khi để các con sử dụng chính những sản phẩm mà họ tạo ra.
Vậy các giám đốc công nghệ này biết gì về sản phẩm của chính họ mà người dùng không biết?
Bill Gates, một trong những ông trùm công nghệ có ảnh hưởng nhất thế giới, đã giới hạn thời gian con cái của ông có thể sử dụng công nghệ ở nhà. Năm 2007, cựu CEO của Microsoft đã nghiêm túc quán triệt biện pháp này khi con gái ông bắt đầu chơi trò chơi điện tử trong nhiều giờ. Ngoài ra, ông cũng không cho các con dùng điện thoại cho đến khi chúng tròn 14 tuổi.
Và Steve Jobs cũng vậy. Mặc dù là người tạo ra iPad nhưng ông lại không cho phép con cái sử dụng sản phẩm này. Năm 2011, Jobs tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với New York Times: “Con của tôi không được dùng những chiếc iPad mới ra mắt”.
Con cái của Steve Jobs đã học xong, vì vậy, không thể biết người đồng sáng lập Apple sẽ phản ứng ra sao với công nghệ giáo dục (edtech). Nhưng Clement và Miles cho rằng nếu các con của ông đi học vào thời nay, chúng sẽ sử dụng công nghệ ở trường nhiều hơn so với ở nhà.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên Cheddar, Tony Fadell, người tạo ra iPod đã suy đoán rằng nếu còn sống đến bây giờ, Steve Jobs sẽ muốn giải quyết mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng giới trẻ nghiện công nghệ.
Ngoài Bill Gates, Steve Jobs, CEO của Snapchat – Eval Spiegel và CEO của Google, Sundar Pichai cũng có cách nuôi dạy con tương tự.
Spiegel chỉ cho phép con dùng các sản phẩm công nghệ 1,5 giờ mỗi tuần. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2018, giới trẻ phương Tây sử dụng ứng dụng nhắn tin Snapchat thường xuyên hơn bất cứ nền tảng truyền thông xã hội nào khác. Còn Pichai cho biết cậu con trai 11 tuổi của ông chưa có điện thoại di dộng và cũng chỉ được xem TV trong thời gian nhất định.
CEO hiện tại của Apple – Tim Cook và CEO của Microsoft – Satya Nadella đã không ít lần lên tiếng về việc lạm dụng công nghệ ở trẻ em. Ngay cả các trường học cao cấp ở Thung lũng Silicon cũng duy trì phương pháp “low-tech”.
Trường Waldorf ở Mountain View nổi tiếng là nói không với công nghệ cao. Họ vẫn sử dụng bảng phấn, bút chì và thay vì học cách viết mã, trẻ em được dạy các kỹ năng mềm cũng như tinh thần làm việc nhóm. Tại trường Brightworks ở San Francisco, trẻ em phát triển sự sáng tạo bằng cách chế tạo mọi thứ và tham gia các lớp học trong nhà trên cây.
Trong khi đó, một số trường lại tăng cường sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên. Tuy nhiên theo New York Times, mới đây, nhiều phụ huynh cho biết một nền tảng giảng dạy dựa trên web do Mark Zuckerberg tài trợ đã gây ra các bệnh về thể chất và tinh thần cho người học vì họ phải nhìn vào màn hình quá nhiều.
Bill Gates tuy cấm các con sử dụng quá nhiều công nghệ nhưng lại khuyến khích dùng các thiết bị điện tử tại trường học. Nhà từ thiện tỷ phú này đã rất quan tâm đến giáo dục được cá nhân hóa, một phương pháp sử dụng thiết bị công nghệ để giúp điều chỉnh kế hoạch cho từng học sinh.
Trong một bài đăng trên blog gần đây, Gates đã ca ngợi Summit Sierra, một trường học có trụ sở tại Seattle. Giáo viên được cá nhân hóa và đảm nhiệm vai trò tư vấn nhiều hơn để hỗ trợ học sinh khi họ gặp khó khăn hay mất tập trung. Công nghệ trong những trường hợp như vậy đang được sử dụng theo cách mà Gates cho rằng rất có lợi cho sự phát triển của học sinh chứ không phải theo hướng giải trí.
Tỷ phú 63 tuổi cho rằng giáo dục được cá nhân hóa là một phương pháp hiệu quả. Ông hy vọng điều đó có thể giúp nhiều người trẻ tuổi hơn tận dụng tối đa tiềm năng của mình.
Clement và Miles nhận xét: “Trong khi giới tinh hoa ở Thung lũng Silicon kiếm lợi nhuận từ việc bán công nghệ cho trẻ em, họ nhận ra những sản phẩm này gây nghiện và gây hại như thế nào. Tuy vậy, điểm mấu chốt lại nằm ở các bậc phụ huynh và cách họ cho con tiếp xúc với công nghệ từ khi còn nhỏ”.
Trong cuốn “Screen Schooled”, Clement và Miles cho biết các bậc cha mẹ giàu có ở Thung lũng Silicon dường như hiểu rõ sức mạnh gây nghiện của smartphone, máy tính bảng và máy tính nhiều hơn so với công chúng nói chung dù thực tế là họ thường kinh doanh bằng cách tạo ra và đầu tư vào những công nghệ đó.
Gia Vũ
Theo Trí Thức Trẻ/BI