Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặc biệt ấn tượng với bản lĩnh và tài năng của các nữ lãnh đạo doanh nghiệp. Bà tin rằng các giá trị đó cùng sự học hỏi và bắt kịp với tiến bộ của thế giới trong một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, bình đẳng và minh bạch sẽ giúp phụ nữ tiến xa hơn trên hành trình chinh phục khát vọng của doanh nhân Việt Nam thời đại mới.
Trở về Hà Nội từ cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” được tổ chức ở TP.HCM đã 2 ngày, bà Phạm Chi Lan vẫn suy nghĩ mãi về hình ảnh của những nữ sáng lập tham gia cuộc thi hôm đó.
Có tới 18 trong tổng số 28 dự án do nữ làm chủ, họ là những người trẻ, có khát khao dấn thân làm kinh doanh. Ngay từ bước khởi đầu, họ đã đau đáu về các yếu tố môi trường và xã hội, họ khát vọng đưa thương hiệu của quê hương và thương hiệu Việt Nam vươn xa.
Các thế hệ nữ doanh nhân Việt Nam, trong hồi tưởng của bà Lan, vẫn luôn thật ấn tượng. Họ vừa đảm nhiệm trọn vẹn vai trò trong gia đình nhưng cũng đồng thời rất tài năng, bản lĩnh và kiên cường để dấn thân vào thương trường, là những người thuyền trưởng đưa doanh nghiệp vững vàng vượt qua nhiều sóng gió và vươn xa.
Từ góc nhìn của mình, bà thấy các thế hệ nữ doanh nhân Việt đã khẳng định và vươn mình ra sao?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nhớ mãi lần đầu Samsung cử một đoàn đến Việt Nam khảo sát năm 1982, bốn năm trước Đổi Mới, vị cán bộ phụ trách thương mại dẫn đoàn đã rất ấn tượng khi tiếp xúc với những nữ lãnh đạo của các công ty xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Ông nói rằng bài học về vai trò của phụ nữ trong kinh tế và thương mại là điều đầu tiên mà ông, với tư cách là người của một công ty lớn đến từ Hàn Quốc, có thể học được. Có những lĩnh vực mà tưởng chừng nam giới “thống trị” nhưng vẫn có những gương mặt nữ lãnh đạo rất xuất sắc.
Phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay luôn có vai trò trong nền kinh tế – xã hội, ngay cả trong thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung (bao cấp) với nhiều cấm đoán đối với khu vực tư nhân, dù bị gọi với cái tên khá miệt thị là “con buôn, con phe”.
Sau Đổi Mới, Việt Nam khuyến khích lực lượng tư nhân phát triển trong chủ trương chung về giải phóng lực lượng sản xuất của đất nước, nhất là khi có Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, rồi đến Luật Doanh nghiệp năm 1999. Trong bối cảnh đó, phụ nữ cũng được tạo điều kiện để phát triển, họ có đủ tự tin và bảo hộ của pháp luật để vững vàng tiến ra thương trường. Xuất phát điểm của họ trong nghề kinh doanh là để kiếm miếng cơm manh áo, hỗ trợ gia đình, tạo việc làm cho người thân và sau là đóng góp cho xã hội.
Khi Việt Nam bắt đầu mở quan hệ với một số nước công nghiệp hoá lớn và các tổ chức quốc tế, một số tên tuổi nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng bắt đầu xuất hiện.
Thời kỳ bao cấp còn vất vả, chúng ta có những cái tên như bà Ba Thi (Nguyễn Thị Ráo), Giám đốc Công ty Kinh doanh lương thực TP. HCM; bà Ba Sương (Trần Ngọc Sương), Giám đốc Nông trường sông Hậu; rồi bà Ba Huân (Phạm Thị Huân) người đã thành lập vựa trứng gia cầm Ba Huân mà sau này thành công ty Ba Huân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi…
Khi có chủ trương cổ phần hoá, một trong hai công ty tiên phong lúc bấy giờ là Công ty Cơ Điện Lạnh (REE) do chị Nguyễn Thị Mai Thanh làm lãnh đạo. Dưới sự dẫn dắt của chị, REE đã thành công nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Trong khi một số công ty cổ phần hoá không dám để người nước ngoài tham gia, chị Thanh vẫn mạnh dạn chào đón các nhà đầu tư ngoại. Với năng lực và uy tín của mình, chị luôn giữ vai trò dẫn dắt, nhận được tín nhiệm tuyệt đối trong các kỳ đại hội đồng cổ đông.
Vinamilk do chị Mai Kiều Liên làm lãnh đạo suốt 30 năm qua cũng đã phát triển mạnh mẽ, đến nay đã vươn mình lên vị trí thứ 36 trong nhóm 50 công ty sữa hàng đầu thế giới về doanh thu và là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á trong danh sách này. Cũng như chị Mai Thanh, chị Mai Kiều Liên luôn nhận được sự tín nhiệm và cầm trịch dẫn dắt hoạt động của công ty, chèo lái con thuyền Vinamilk vươn ra thế giới dù có sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại. Đây là những tấm gương về bản lĩnh tiên phong của nữ doanh nhân nói riêng và doanh nhân Việt nói chung.
Tôi thán phục bản lĩnh của các nữ doanh nhân Việt khi họ có thể vững vàng cùng doanh nghiệp vượt qua hàng loạt cuộc khủng hoảng cả từ bối cảnh kinh doanh bên ngoài cho đến những vấn đề trong gia đình. Để rồi từ bão tố, họ lại có thêm sức mạnh phát triển doanh nghiệp lên tầm cao mới.
Nổi bật trong đó, chị Cao Ngọc Dung, người đứng đầu Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) dù đối mặt với bao sóng gió cũng đã vững vàng và bản lĩnh xây dựng nên vóc dáng của ngành kim hoàn Việt Nam, đưa thương hiệu kim hoàn Việt ra thế giới hơn 30 năm trước. PNJ dưới sự dẫn dắt của chị vẫn không ngừng hiện đại hoá và thực hành đổi mới sáng tạo. Cùng các nữ lãnh đạo khác, chị Dung đã tích cực tham gia phát triển các hiệp hội, nhiều hoạt động vì cộng đồng với tinh thần chia sẻ rất cao.
Chị Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cũng là một tấm gương như vậy. Bên cạnh là nữ lãnh đạo ở Việt Nam của một trong bốn thương hiệu kiểm toán hàng đầu thế giới, không ngừng phát triển công ty, mang các ý tưởng mới về Việt Nam và nâng tầm năng lực quản trị của các doanh nghiệp trong nước, chị còn là người đứng đầu của các tổ chức và hiệp hội lớn, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạtđộng vì cộng đồng.
Theo dõi trào lưu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tôi thấy không hề ít gương mặt sáng lập startup là nữ với những ý tưởng táo bạo, làm chắc chắn và bước đầu ghi được những dấu ấn.
Những người trẻ thế hệ F2 trong các doanh nghiệp gia đình như Nguyễn Ngọc Mỹ của Alphanam, Vưu Lệ Quyên của Biti’s… cũng đang chứng minh được năng lực sau quá trình dài học hỏi và thử thách để bước sâu hơn trong quá trình chuyển giao kế nghiệp.
Thế hệ trẻ đang tiếp bước những người mở đường. Họ vừa kế thừa các tinh hoa, đồng thời nắm bắt các trào lưu, chuẩn mực mới về công nghệ và quản trị để mạnh dạn dấn thân kinh doanh trong bối cảnh mới.
Theo bà, điều gì làm nên sự thành công đó của các nữ doanh nhân Việt?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ để có thể đảm nhận trọng trách dẫn dắt doanh nghiệp, người phụ nữ phải thực sự có bản lĩnh và có tài. Nằm trong tay người lãnh đạo là số phận của rất nhiều con người. Người phụ nữ phải đủ năng lực, người ta mới giám giao trọng trách, mới tâm phục, khẩu phục. Nếu không giỏi, họ khó đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao về năng lực quản trị và cạnh tranh trên thương trường. Không đủ bản lĩnh và sự kiên tâm, sao họ có thể chèo lái con thuyền vượt qua những sóng gió để có thể tồn tại và phát triển quy mô.
Đó là các tố chất mà người lãnh đạo nào cũng cần có. Riêng với người lãnh đạo là nữ, tôi thấy có mấy điểm ưu việt.
Thứ nhất, lãnh đạo nữ vừa có sự quyết đoán và cái liều khi cần nhưng đồng thời có sự cẩn trọng tính toán mỗi lần đưa ra quyết định để có thể đánh giá được rủi ro cũng như nhìn nhận được các cơ hội. Một cái nhìn bao quát nhiều khi làm nên thế mạnh của người phụ nữ.
Thứ hai, phụ nữ có khả năng thuyết phục tốt nhờ bản năng quan tâm và thấu hiểu những người xung quanh. Họ có sự bao dung nhất định và ít khi mang định kiến vào công việc. Họ hiểu mình và biết người nên biết tập hợp người tài, trao quyền xứng đáng để có thể phát huy và học hỏi điểm mạnh của người khác thay vì ôm hết vào mình. Họ có tiếng nói dung hoà để định hướng mọi người cùng đi đến quyết định chung.
Thứ ba, với bản năng của mình, người phụ nữ rất quan tâm đến các vấn đề môi trường và xã hội. Họ đau đáu làm sao hoạt động kinh doanh không tác động xấu đến môi trường, làm sao để người lao động của họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Là người phụ nữ, họ hiểu rằng những người làm vợ, làm mẹ và cả làm chồng cần gì để có thể an tâm làm việc, từ đó tìm cách tạo điều kiện tốt cho người lao động.
Họ đã làm những việc đó một cách tự giác trước khi hình thành các chuẩn mực trong kinh doanh cũng như các yêu cầu luật định. Cũng vì vậy mà các doanh nghiệp có nữ lãnh đạo thường có quan hệ khá thuận hoà với môi trường và xã hội.
Sự khác biệt giữa các thế hệ nữ doanh nhân qua các thời kỳ là gì, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Giai đoạn đầu Đổi Mới, các nữ doanh nhân bắt đầu con đường kinh doanh từ nhu cầu mưu sinh, chưa mấy ai nghĩ đến sự giàu có khi bắt đầu từ hai bàn tay trắng, nỗ lực đi lên từ vị trí làm thuê hoặc mạnh dạn tham gia khi có chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Thế hệ đó rất ít được đào tạo bài bản về kinh doanh, quản trị. Nếu có học thì cũng trong hệ thống xã hội chủ nghĩa khác hoàn toàn so với nền kinh tế thị trường, tham gia các khóa học ngắn hạn do VCCI hoặc các hiệp hội, trường tổ chức với những kiến thức rất sơ đẳng. Doanh nhân thời đó vừa làm vừa học là chủ yếu.
Càng về sau, việc đào tạo bài bản hơn, đặc biệt là thế hệ khởi nghiệp cũng như các thế hệ kế nghiệp trong các doanh nghiệp gia đình. Họ được cử đi học ở các nước phát triển, được định hướng, được thử thách, tôi luyện và rồi được trao quyền để dần thay thế vị trí của cha/mẹ với một tâm thế vững vàng. Họ vừa kế thừa những giá trị thế hệ trước truyền lại nhưng đồng thời áp dụng các tiến bộ của thời đại, đặc biệt về công nghệ và quản trị, để đón đầu cơ hội, bắt kịp và sánh vai với thế giới.
Điều đáng nói là nếu thế hệ trước còn e dè vì các rủi ro pháp lý thường trực thì người làm kinh doanh giờ đây đã có được môi trường thông thoáng và minh bạch hơn để dám làm và dám khát vọng.
Vậy sự thay đổi của môi trường bên ngoài đã tiếp sức cho các nữ doanh nhân như thế nào, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Môi trường kinh doanh là yếu tố rất quan trọng, được cải thiện liên tục qua các đời lãnh đạo Nhà nước. Mặc dù khối doanh nghiệp tư nhân vẫn còn ít nhiều bị phân biệt đối xử so với doanh nghiệp nhà nước và FDI nhưng so với trước đây đã là một bước tiến rất dài.
Từ việc bị kỳ thị, là lực lượng bị cải tạo thì doanh nghiệp tư nhân đến nay được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế, đã được nhắc đến với các lời hay, ý đẹp trong các văn kiện của Đảng. Đó là điều tạo động lực và tạo cơ hội cho những người làm kinh doanh nói chung và nữ doanh nhân nói riêng.
Một điều kiện khác nữa cũng cần nhắc đến là sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam đã mở ra chân trời mới để các doanh nhân có thể khai phá thị trường mới, đưa hàng hóa của Việt Nam ra khu vực và thế giới.
Trong môi trường quốc tế, càng về sau, nhất là với các nước Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore…, càng coi trọng vai trò của phụ nữ trong kinh doanh, thậm chí các nước phát triển như Nhật, Hàn còn chậm hơn. Điều này đã tạo thêm niềm tin và điều kiện cho doanh chủ là nữ ở Việt Nam phát triển.
Phụ nữ không chỉ làm tròn vai trong gia đình mà còn các vai trò khác trong xã hội. Hình ảnh những người phụ nữ giỏi kinh doanh, thành công nhìn chung được xã hội đón nhận với niềm vui và tự hào.
Phong trào về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là trong vai trò lãnh đạo, ngày càng rõ nét. Bà nghĩ sao về điều này?
Bà Phạm Chi Lan: Phong trào có thể mạnh nhưng cũng không nên tin quá nhiều ở biểu hiện của nó mà coi nó là động lực hay nguyên nhân mang lại thành công cho phụ nữ. Nếu phụ nữ không giành lấy quyền cho mình và không chứng minh năng lực thì sẽ không được trao quyền.
Người ta có thể hô to nhưng có trao quyền trên thực tế hay không thì người phụ nữ cần thực sự bản lĩnh, giỏi giang và được người khác ủng hộ. Sự trao quyền không phải do ý định hay lòng tốt của ai đó mà là khi doanh nghiệp đứng trước thời điểm phải thay đổi, họ sẽ chọn ra người lãnh đạo xứng đáng.
Bình đẳng giới trước hết phải là bình đẳng về cơ hội. Đó là cơ hội được học hỏi, tiếp cận thông tin và nguồn lực như nhau. Khi có nguồn lực nhưng hạn hẹp và phải cạnh tranh thì sự cạnh tranh đó phải trên cơ sở bình đẳng.
Nếu thế hệ doanh nhân nữ đời đầu dấn thân vào kinh doanh để thoát nghèo thì sứ mệnh của các nữ doanh nhân thời nay sẽ là gì, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Bên cạnh các khát vọng của chính bản thân, người doanh nhân phải có ý thức lo cho xã hội và môi trường ngay từ ngày đầu dấn thân vào kinh doanh. Các tiêu chí hiện nay như ESG (môi trường, xã hội và quản trị) là thứ mà bất cứ ai làm kinh doanh cũng cần phải biết và hiểu. Các yếu tố này phải đi cùng và xuyên suốt hoạt động của doanh nghiệp.
Tham gia cuộc thi về khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp mới đây, tôi thấy đa phần đều khai thác tài nguyên bản địa, mong muốn làm cho quê hương giàu đẹp hơn, mang thương hiệu của quê hương đi xa với niềm tự hào.
Nhìn vào lớp trẻ, tôi rất tin về một khát vọng đưa thương hiệu Việt Nam vươn xa toàn cầu, về khát vọng doanh nhân dân tộc. Nếu không có khát vọng và đam mê để đạt được khát vọng thì khó vượt qua các thách thức vẫn đầy rẫy chực chờ, ngay cả trên “sân nhà”. Họ hiểu rõ tính tất yếu của việc liên kết và gắn bó như câu ca dao “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, tất nhiên, họ vẫn giữ tinh thần học hỏi với bên ngoài. Doanh nghiệp càng tiên phong, tinh thần này càng rõ.
Bà có lời nhắn nhủ nào muốn gửi đến các nữ lãnh đạo doanh nghiệp?
Bà Phạm Chi Lan: Khi trao đổi với doanh nghiệp, tôi vẫn thường nói rằng tôi nhìn thấy khát vọng của họ rồi, tôi mong họ nuôi khát vọng và đam mê trong kinh doanh để có thể tạo niềm tin và sự can đảm vượt qua thách thức cũng như nắm bắt cơ hội.
2 năm Covid cho thấy nhiều nữ doanh nhân thực sự bản lĩnh, dù khó khăn kinh khủng nhưng rồi họ vẫn tìm cách chèo lái con thuyền doanh nghiệp để tồn tại và nhanh chóng hồi phục sau khi bão qua đi.
Bên cạnh đó, có lẽ tất cả doanh nhân, doanh nghiệp cần mở to hai con mắt và cái đầu để quan sát và học hỏi nhằm bắt kịp và thậm chí đón đầu những thay đổi của thời đại, đặc biệt là về công nghệ, mô hình kinh doanh, cách thức quản trị…Sự học cần diễn ra liên tục và cả đời mà không có điểm dừng.
Các doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần cẩn trọng, quý trọng vốn liên kết với nhau trên thị trường. Câu nói “buôn có bạn, bán có phường” vẫn luôn đúng. Khi đi ra biển lớn, các con thuyền nhỏ Việt Nam cần kết nối thật tốt để có thể vượt qua mọi sóng gió và vươn xa.
Xin cảm ơn bà!
Theo The Leader