Các đề án kinh doanh vào vòng Bán kết đã mang đến nhiều sản phẩm tiềm năng, khả thi, giải quyết những vấn đề có thực của xã hội.
Xoay quanh chủ đề “Chuỗi giá trị nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm”, 10 đề án kinh doanh đã xuất sắc bước tiếp vào phần thi thuyết trình của vòng Bán kết Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2019 gồm:
Trồng sâm Ngọc Linh trên quy mô công nghiệp
Nhận định sâm Ngọc Linh là “đệ nhất sâm của thế giới” và là “quốc bảo của Việt Nam”, Nguyễn Hữu Tuấn và Phạm Thị Như Quỳnh – chủ nhân của đề án “Dược liệu 4.0: Trồng sâm Ngọc Linh trên quy mô công nghiệp” đặt ra câu hỏi: “Tại sao nhắc tới Hàn Quốc là người ta nghĩ ngay đến sâm Hàn Quốc, mà nhắc tới Việt Nam lại không thể nghĩ tới sâm Ngọc Linh?”
Theo kết quả nghiên cứu từ Bộ Y tế Việt Nam, sâm Ngọc Linh sở hữu lượng saponin cao hơn nhiều so với các loại sâm khác trên thế giới, gấp 3 lần sâm Hàn Quốc, gấp 2 lần sâm Trung Quốc và gấp 2,5 lần sâm Mỹ. Bên cạnh đó, sâm Ngọc Linh còn chứa 17 axit amin và 20 khoáng vi lượng, chưa kể các loại saponin quý mà không loại sâm nào có được.
Tuy nhiên, việc nuôi trồng, khai thác dược liệu này tại Việt Nam hiện còn tự phát, quy mô nhỏ, chưa có định hướng phát triển, dẫn đến sản lượng không ổn định, giá cả biến động và tình trạng sâm không đủ tuổi, thật – giả lẫn lộn. Đó chính là lý do để Tuấn cùng Quỳnh ấp ủ giải pháp trồng sâm Ngọc Linh thương phẩm, có giá trị dinh dưỡng ổn định, không phụ thuộc vào mùa vụ hay các yếu tố tác động bên ngoài.
Mì bí đỏ ViX
Mì ăn liền là một trong những sản phẩm quen thuộc, tiện lợi với người tiêu dùng Việt. Song, do thành phần chủ yếu là carbohydrate, lại thiếu protein, chất xơ cùng nhiều dưỡng chất khác, nên việc ăn mì gói quá thường xuyên sẽ làm tăng lượng carbohydrate nạp vào cơ thể, khiến người dùng đối mặt với nguy cơ béo phì và mắc các bệnh liên quan như tim mạch, tiểu đường, cholesterol cao…
Do đó, giải pháp được nhóm thí sinh Cao Hoàng Việt Cường, Nguyễn Đăng Khôi và Nguyễn Ngọc Thảo My đưa ra là sản phẩm mì trứng bí đỏ không chiên ViX. Tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào, cùng triển vọng lớn của ngành mì, bộ ba thí sinh hy vọng có thể mang đến một sản phẩm mì không chiên mới lạ, đầy đủ dưỡng chất, và hướng đến mục tiêu thay thế các sản phẩm mì gói khác cũng như bữa ăn hàng ngày.
Thùng rác thông minh FOW
Đề án “Thùng rác thông minh FOW” của Huỳnh Tấn Long và Nguyễn Bảo Châu. Được đặt tại những nơi có lượng rác hữu cơ thải ra nhiều hằng ngày như không gian bếp của hộ gia đình, quán ăn, nhà hàng… thùng rác thông minh FOW sẽ tự động phân loại, xử lý rác hữu cơ sơ bộ ngay tại nguồn. Rác thải sẽ được nghiền, tách nước, cắt nhỏ và sấy khô, rồi phun trộn với dung dịch vi sinh để giảm đáng kể trọng lượng và mùi hôi. Đồng thời, rác sau khi thu gom có thể cung cấp cho các cơ sở sản xuất phân hữu cơ, hoặc bón trực tiếp cho cây trồng tại nhà.
Mứt trái điều sấy dẻo Tâm Nhiên
Trăn trở trước tình trạng người dân trồng điều tại Bình Thuận đổ hàng trăm tấn trái điều sau khi đã thu hoạch gây nên mùi khó chịu và dẫn dụ vô số côn trùng, nhóm bạn trẻ Bành Bách Nguyên, Nguyễn Phúc Kim Nguyên cùng Trương Thị Hằng đã xây dựng đề án “Mứt trái điều sấy dẻo Tâm Nhiên”. Theo đề án này, nhóm bạn trẻ sẽ tạo ra sản phẩm mứt sấy dẻo giúp người dân tận dụng nguồn nguyên liệu bị lãng phí, gia tăng thu nhập, đồng thời bảo vệ môi trường.
Sản xuất phôi nấm mối đen
Nhóm thí sinh Phạm Thị Hồng Gấm, Phạm Thanh Hải và Nguyễn Thị Thu Thảo đã tạo ra một loại nấm mối nhân tạo là nấm mối đen với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Loại nấm này không chỉ chứa nhiều công dụng như giúp hạ huyết áp, chống ung thư, tăng cường khả năng miễn dịch, mà còn được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Ngoài ra, hiện có không ít người tận dụng không gian tại gia đình để chăm sóc nấm, và đây cũng chính là động lực để bộ ba thí sinh phát triển đề án “Sản xuất phôi nấm mối đen cung cấp hộ gia đình”.
Chế phẩm sinh học TDMU E.M b
Nhóm thí sinh Huỳnh Văn Sĩ, Trương Diễm Linh và Phạm Tuấn Anh đã xây dựng đề án “Chế phẩm sinh học TDMU E.M b giúp sản xuất phân hữu cơ từ phế liệu sau trồng nấm”. Nhóm cho biết, lượng phân hữu cơ sử dụng hằng năm khoảng 15 tấn/ha, tùy loại cây trồng.
Trong khi đó, Đông Nam Bộ hiện là khu vực sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu lớn nhất cả nước. Tỉnh Đồng Nai đã có đến 3.000 hộ trồng nấm. Hằng năm, lượng phôi nấm thải ra sau thu hoạch lên đến 90.000 tấn. TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu có 125 hộ trồng nấm, với 5.725 tấn phôi nấm sau thu hoạch.
Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào này, nhóm đã phát triển một chế phẩm sinh học TDM E.M b, chứa hỗn hợp 4 loại vi sinh vật với mật độ cao, có khả năng chuyển hóa tốt phôi nấm sau thu hoạch thành phân hữu cơ, sử dụng hiệu quả cho nhiều loại cây trồng.
Triac Farm
Hệ thống thủy canh hồi lưu là phương pháp trồng rau thủy canh mới được ưa chuộng. Tuy nhiên, người sử dụng thủy canh hồi lưu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát thông số môi trường, trạng thái hoạt động thiết bị, tình trạng rau chết hàng loạt do máy bơm hỏng và mất điện đột xuất… Ngoài ra, việc ghi chép và xem thông tin về vườn rau còn nhiều bất tiện, khi muốn thiết lập thông số điều khiển cần bộ phận kỹ thuật hỗ trợ.
Nhóm bạn trẻ gồm Lê Quốc Trung, Nguyễn Trung Hiếu và Trần Minh Hưng đã đề xuất giải pháp “Triac Farm – Hệ thống giám sát, điều khiển tự động, cảnh báo và xử lý sự cố cho vườn rau thủy canh sử dụng dung dịch hữu cơ và năng lượng mặt trời”. Dự án này cung cấp cho người tiêu dùng hai dòng sản phẩm chính là Triac Farm – Hệ thống giám sát, điều khiển tự động, cảnh báo và xử lý sự cố cho vườn rau thủy canh sử dụng năng lượng mặt trời và TDM SW100 và TDM TF100 – dung dịch hữu cơ 100%, thủy phân từ trùn quế và rác hữu cơ sử dụng trong trồng rau thủy canh.
Dung dịch trùn quế thủy phân đa chức năng
Huỳnh Nhật Toàn, Hoàng Phương Linh và Nguyễn Thị Mỹ Duyên đã cho ra đời TDM SW95+ – dung dịch trùn quế thủy phân đa chức năng, có thể sử dụng thay thế cho dung dịch vô cơ trong trồng rau thủy canh lẫn khí canh. Nhóm cho biết, TDM SW95+ hoàn toàn từ thiên nhiên, hỗ trợ nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, giúp tạo ra các sản phẩm hữu cơ sạch và hạn chế việc sử dụng phân bón vô cơ, giảm các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, người tiêu dùng cũng sẽ có được sản phẩm sạch, chất lượng với mức giá thấp hơn.
Thảo mộc thiên nhiên
Từ câu chuyện người thầy cố vấn được tiếp xúc, trò chuyện với các cụ già đồng bào dân tộc Ê-đê, bộ ba Nguyễn Thanh Hương, Lê Nguyễn Trung Hiếu và Hoàng Văn Công đã bắt tay tìm hiểu, nghiên cứu và cho ra sản phẩm tinh dầu thảo mộc và xà bông thiên nhiên với tên gọi Hương Cao Nguyên. Kỳ vọng vào xu hướng sử dụng các sản phẩm tự nhiên không gây kích ứng, an toàn cho da đang dần thay thế hóa mỹ phẩm, nhóm tin rằng các sản phẩm chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên với mùi hương đặc trưng sẽ được thị trường đón nhận.
Đũa Việt
Với dự án “Đũa Việt”, nhóm bạn trẻ gồm Nguyễn Việt Cường và Đoàn Minh Thành kỳ vọng sẽ mang lại những sản phẩm có ý nghĩa cho cộng đồng, xã hội, hỗ trợ sinh kế cho người dân và góp phần duy trì các làng nghề. Sản phẩm vẫn giữ được nét thiết kế và giá trị truyền thống nhưng sẽ có sự phát triển về mẫu mã, cách sử dụng và nguyên vật liệu nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Sau khi được đào tạo kỹ năng thuyết trình vào ngày 5/12/2019, các thí sinh thuộc 10 đề án nói trên sẽ thi thuyết trình vào ngày 7/12/2019 để chọn ra 5 đề án xuất sắc nhất vào vòng Chung kết. Kết quả Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can sẽ được công bố trên các ấn phẩm của Báo Doanh Nhân Sài Gòn và website tại địa chỉ www.luongvancan.vn.
Theo DNSG