Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Xây dựng công ty 3,2 tỷ USD từ ý tưởng về những cuốn kỷ yếu

Khi mới thành lập, Canva cung cấp giải pháp trực tuyến giúp chỉnh sửa các bức ảnh kỷ yếu. Hiện Canva trở thành một nền tảng thiết kế đồ họa miễn phí, cạnh tranh với những ông lớn trong làng công nghệ toàn cầu như Microsoft, Adobe và được định giá 3,2 tỷ USD.

Melanie Perkins, nữ doanh nhân người Australia đã xây dựng thành công một công ty thiết kế đồ họa, có khả năng cạnh tranh với những ông lớn trong làng công nghệ toàn cầu như Microsoft và Adobe.

“Mục tiêu của chúng tôi là có thể phát triển được một hệ sinh thái thiết kế toàn diện, tích hợp tất cả các chức năng vào chỉ trong một trang giấy và mang nó đến với khách hàng trên toàn thế giới”, Perkins cho biết.

Perkins, 32 tuổi, là nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Canva, một nền tảng thiết kế online và hoàn toàn miễn phí.

Nữ doanh nhân trẻ tuổi này thành lập công ty vào năm 2013, với tham vọng đưa sản phẩm đến với toàn bộ người dùng trên toàn thế giới, giúp họ có thể sáng tạo ra những chiếc logo, những tấm danh thiếp hoặc những bản thuyết trình độc đáo cho riêng mình. Tên của cô xuất hiện trên nhiều tờ báo nổi tiếng với tư cách là một trong những lãnh đạo nữ trẻ tuổi nhất trong làng công nghệ toàn cầu.

Giá trị của công ty có trụ sở tại Sydney này là 3,2 tỷ USD. Điều đó giúp cô và bạn trai Cliff Obrecht (cũng là đồng sáng lập) sở hữu khối tài sản trị giá 900 triệu USD.

Giấc mơ của một người trẻ

Perkins nảy ra ý tưởng thành lập Canva vào năm 2016 khi cô chỉ mới 19 tuổi. Thời điểm đó, Perkins cùng với Obrecht đang là sinh viên của trường Đại học Perth.

Ngoài việc học, cô tham gia vào công tác hướng dẫn các sinh viên khác làm quen và sử dụng một số chương trình thiết kế. Thế nhưng, phần lớn các sinh viên trong khóa học lại cảm thấy những nền tảng thiết kế phát triển bởi các ông lớn như Microsoft và Adobe quá rắc rối và phức tạp, do đó, cô đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về một giải pháp nào đó giúp loại bỏ được thực trạng này.

“Nhiều người mất cả kỳ học mới có thể nhớ được vị trí, cũng như công dụng của các phím chức năng, và điều đó thật kỳ cục”, Perkins chia sẻ với phóng viên CNBC Make It. “Tôi nghĩ rằng, trong tương lai, tất cả mọi thứ sẽ được đưa lên internet, tích hợp đa dạng các chức năng, và quan trọng hơn là đơn giản hơn rất nhiều so với những nền tảng sẵn có hiện tại”.

Ngay lập tức, cô và Obrecht cùng làm việc nhằm hiện thực hóa ý tưởng đó.

Khởi đầu khiêm tốn

Không có quá nhiều nguồn lực cũng như kinh nghiệm kinh doanh, cặp đôi lúc đầu chỉ thành lập một công ty nhỏ, cung cấp các giải pháp trực tuyến giúp chỉnh sửa các bức ảnh kỷ yếu, có tên là Fusion Books, để kiểm chứng tính hiệu quả của ý tưởng.

Họ cho ra đời một website, nơi các bạn học sinh, sinh viên để có thể “tự thiết kế trang cá nhân cũng như ghi lại những ghi chú, kỷ niệm đáng nhớ của mình trong thời gian đi học”. Cặp đôi sau đó sẽ in những cuốn kỷ yếu đó ra và gửi đi đến các ngôi trường trên phạm vi khắp đất nước.

“Phòng khách của mẹ tôi trở thành văn phòng làm việc, và bạn trai tôi trở thành cộng sự đắc lực của tôi. Chúng tôi bắt đầu giúp các trường học tự tạo cho họ những cuốn kỷ yếu của riêng mình, thông qua một cách thức cực kỳ đơn giản”.

Công việc đó đã rất thành công và duy trì hoạt động cho đến ngày hôm nay. Nhưng đối với Perkins, đó mới chỉ là bước khởi đầu trong quá trình hiện thực hóa, mà theo lời cô nói, một “ước mơ to lớn và điên rồ”, về một website thiết kế đa chức năng và đầy tiện lợi. Do đó, cô đã bắt đầu tìm kiếm các nhà đầu tư.

Thung lũng Silicon

Vài năm sau đó, vào năm 2010, trong một cuộc hội thảo tổ chức tại Perth, Perkins đã “bắt gặp” cơ hội đầu tiên của mình.

Cô đã tình cờ gặp cỡ Bill Tai, một nhà đầu tư có tiếng đến từ Thung lũng Silicon, người sau đó đã đích thân mời Perkins đến San Francisco để trao đổi thêm về ý tưởng của mình. Chỉ vài giờ đồng hồ sau cuộc gặp gỡ “định mệnh” lần đầu tiên đó, nhà đầu tư mạo hiểm này hoàn toàn bị ấn tượng và ngay lập tức giúp kết nối cô với nhiều người bạn trong nghề của mình.

“Tôi đã nghĩ rằng ông ấy không mấy ấn tượng với những gì mà tôi đã trình bày. Ông ấy vừa nói chuyện, vừa trả lời điện thoại. Tôi cho rằng ông ấy sẽ chả để tâm đến những gì mà tôi chia sẻ về tương lai của ngành thiết kế đâu”, Perkins cho biết.

“Nhưng sau khi tôi về đến nhà, tôi đã nhận ra rằng, chính tại thời điểm đó, ông ấy đang giới thiệu tôi với một vài nhân vật khác”.

Canva cho doanh nghiệp. Ảnh: Canva

Lướt ván diều

Việc xây dựng những mối quan hệ với các nhân vật đến từ Thung lũng Silicon là điều không dễ dàng, Perkins đã sớm nhận ra điều đó.

Bill Tai, một người đam mê môn lướt ván diều, đã mời Perkins và Obrecht đến MaiTai, nơi ông hay tiếp đón những nhà đầu tư cũng như những người chia sẻ chung đam mê với ông. Perkins phải nhanh chóng làm quen với môn thể thao mới lạ này.

“Mỗi khi Tai hỏi tôi về tình hình kinh doanh của công ty, ông ấy cũng không quên hỏi kỹ năng lướt sóng của tôi như thế nào nào rồi?” Perkins nhớ lại.

“Tôi chưa bao giờ thử môn lướt ván diều trước đó, và thành thật mà nói, đó không phải là thứ mà tôi sẵn sàng muốn thử”, cô cho biết.

“Nhưng, tôi đã quyết định thử vì tôi không muốn mình cảm thấy lạc lõng. Phải có điểm chung gì đó giúp tôi có thể xây dựng được những mối quan hệ mới”.

Phát triển đội ngũ nhân sự

Kỹ năng thể thao mới đã giúp ích cho cô rất nhiều trong công việc. Không lâu sau đó, cặp đôi trẻ tuổi này đã thành công khi kêu gọi sự góp sức của rất nhiều các nhà đầu tư lớn. Ngoài Canva, họ cũng xây dựng được một nhóm các kỹ sư công nghệ tài năng và ngày một phát triển nhanh chóng.

Vào năm 2012, công ty bắt đầu một giai đoạn phát triển nghiêm túc. Với sự trợ giúp đắc lực từ chuyên gia tư vấn công nghệ kiêm nhà đồng sáng lập của Google Maps, Lars Rasmussen, Perkins và Obrecht đã cộng tác với Cameron Adams – người sau này đã trở thành nhà đồng sáng lập của công ty, và nhà pháp triển công nghệ Dave Hearnden.

Nhiều tháng sau đó, sau khi kết thúc vòng gọi vốn đầu tiên, công ty nhận được nhiều đề nghị đầu tư. Thậm chí chính phủ Australia cũng quyết định đầu tư 1,5 triệu USD nhằm giữ công ty ở lại trên lãnh thổ của quốc gia này.

Vào năm sau đó, trang web của công ty chính thức đi vào hoạt động, cho phép những người dùng có thể tự do thiết kế những gì mình muốn mà không phải bỏ ra bất kỳ một loại chi phí nào.

Mô hình của tương lai

Ngày nay, Canva đã giúp sáng tạo ra khoảng 2 tỷ sản phẩm thiết kế, với người dùng đến từ 190 quốc gia khác nhau trên toàn cầu. Công ty cũng nhận được sự ủng hộ từ một loạt các nhân vật nổi tiếng trong đó có Owen Wilson và Woody Harrelson.

Trong tháng 10/2019, một quỹ đầu tư trị giá 85 triệu USD quản lý bởi Bond Capital, đã định giá công ty ở ngưỡng 3,2 tỷ USD.

Perkins cho biết cô đã lên kế hoạch sử dụng nguồn vốn đầu tư thêm để xây dựng đội ngũ nhân viên lên đến 700 người, làm việc tại các văn phòng của công ty ở Sydney, Bắc Kinh và Manila. Bên cạnh đó, cô cũng sẽ phát triển các dịch vụ tính phí để mang về nguồn thu cho công ty thông qua các sản phẩm Canva Pro và Canva dành riêng cho doanh nghiệp.

Chiến lược phát triển đó sẽ góp phần đưa sản phẩm của Perkins có thể cạnh tranh sòng phẳng với các công cụ thiết kế phát triển bởi các công ty có tiếng như Microsoft và Adobe.

Với việc việc có đến 85% các công ty trong bảng xếp hạng Fortune 500 đã sử dụng nền tảng của Perkins, nhà lãnh đạo trẻ này cho biết cô đã sẵn sàng cho thử thách “chông gai” đó.

Theo NDH