Đây là một trong số những nội dung được thảo luận nhiều tại Diễn đàn Thương mại Đầu tư UAE – Việt Nam vừa diễn ra vào sáng ngày 15/10
Theo đánh giá của Customs World Dubai, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 220 tỷ USD mỗi năm là con số đáng khích lệ nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có của các sản phẩm Việt Nam. Bởi lẽ, còn nhiều thị trường cơ hội giao thương cao nhưng tỷ trọng xuất khẩu còn thấp như châu Phi, Mỹ Latinh con số chỉ dưới 0,5%.
Dubai được xem là trạm chung chuyển của con người và hàng hóa giữa các quốc gia và các châu lục với số lượng 3 tỷ người mỗi năm. Với sự kết nối giữa hàng không, cảng biển, sân bay, kho bãi cho đến giảm thiểu các thủ tục thông quan, theo đơn vị sáng kiến phát triển “con đường tơ lụa Dubai”, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt.
Theo bà Nadya, Giám đốc điều hành Customs World Dubai: “Khi doanh nghiệp có được World Logistic Passport, họ sẽ được tiếp cận những dịch vụ liên thông để giảm thiểu thời gian lưu kho lên đến 48 giờ, tăng giao thương và giảm chi phí. Ví dụ như hàng hóa sẽ được thông quan trước khi đến các cảng. Rồi các hoạt động vận chuyển đều được tự động và miễn phí. Từ con số dưới 0,5%, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường mới lên đến 27%”.
Năm 2018, giá trị xuất siêu của Việt Nam sang UAE là 4,73 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam là nông thủy sản, rau quả tươi, thực phẩm chế biến và vật liệu xây dựng là tiếp tục được đẩy mạnh và được hỗ trợ đưa vào hệ thống phân phối tại UAE như Lulu, Choithrams, Al Maya, Spinneys.
Về phía UAE, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) khẳng định, ngoài lĩnh vực truyền thống là dầu khí thì các doanh nghiệp ở các lĩnh vực nòng cốt như logistic, cảng, hàng không, du lịch khách sạn của UAE cũng đang chọn Việt Nam làm điểm đến và cũng là cửa ngõ để tiến sâu hơn vào thị trường 600 triệu dân Đông Nam Á.
Theo ông Sultan Bin Saeed Al Mansoori, Bộ trường Bộ Kinh tế Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE): “Đây là cột mốc phát triển mới giữa kinh tế và thương mại Việt Nam và UAE. Đến với Việt Nam lần này, chúng tôi có 16 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như cảng biển, logistc, năng lượng và phân phối bán lẻ cùng với một số tổ chức xúc tiến thương mại. Về phía UAE, chúng tôi sẽ tao điều kiện và có những ưu đãi cho doanh nghiệp cả hai phía trong quá trình hợp tác song phương”.
Tính lũy kế đến hết tháng 8/2019, hiện UAE có khoảng 20 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 50 triệu USD.
Theo VTV (Dẫn từ DNVN)