Dịch tả lợn châu Phi dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, khiến thị trường không chỉ chao đảo về giá mà các doanh nghiệp kinh doanh cũng đối diện với cuộc khủng hoảng lợi nhuận.
Điều này khiến cho một công ty lớn như Vissan cũng phải chống chọi lại với dịch tả lợn châu Phi. Là đơn vị mang trọng trách bình ổn thị trường, Vissan đang đứng trước nguy cơ lỗ với mảng thịt tươi sống.
Vào tháng 10/2019, Vissan từng đề nghị tăng giá thịt heo nằm trong chương trình bình ổn thị trường lên 30% nhưng cơ quan quản lý nhà nước chỉ đồng ý tăng giá phân nửa con số đó. Đến cuối tháng 11/2019, trước tình hình nguồn cung ngày càng hạn chế, Nhà nước đã cho phép điều chỉnh giá bình ổn lần hai.
Ngoài ra, Vissan còn đang gánh khoản chi phí tồn kho cho việc duy trì thịt đông lạnh với hàng trăm tỷ đồng. Điều này nhằm đáp ứng thị trường trong vòng hơn hai tháng, một khi nguồn cung thịt heo có vấn đề. “Số tiền lưu kho thịt đông lạnh đến từ vay ngân hàng và vốn tự có, điều này làm mất nhiều chi phí cơ hội kinh doanh. Tất nhiên, chúng tôi biết bài toán kinh doanh thế nào là hiệu quả nhưng hiện nay phải chấp nhận rủi ro để phòng ngừa”, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết.
Rủi ro không nhỏ
Dịch tả lợn châu Phi không những ảnh hưởng tới giá sản phẩm mà còn khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo của bếp ăn công nghiệp đi xuống. Tại đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) mới đây, ông An cho biết, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tại công ty cũng bị ảnh hưởng. Trong đó, giá lợn lên xuống thất thường. Tổng đàn lợn trong dân giảm mạnh, người dân giảm tái đàn do lo sợ dịch tả. Ở kênh tiêu thụ, tại hệ thống siêu thị nhu cầu có tăng. Tuy nhiên, có lúc công ty bị các bếp ăn công nghiệp từ chối mua hàng để thay thế bằng sản phẩm khác.
Hiện, tổng đàn lợn cung ứng ra thị trường giảm mạnh trong khi đó nửa cuối năm 2019, khi dịch tả được kiểm soát chặt chẽ người tiêu dùng sẽ tăng mua trở lại, lúc đó cung sẽ không đủ cầu và giá cả có thể leo thang. Do đó, thay vì chỉ đáp ứng được 10% lượng heo tại trang trại trong tổng số heo công ty cung cấp ra thị trường thì công ty dự kiến thời gian tới nâng nguồn hàng do công ty chăn nuôi lên 20-30%.
Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến vô cùng phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước với khoảng 2 triệu con lợn đã chết hoặc buộc phải tiêu hủy, phương án trữ đông thịt lợn sạch bệnh được nhiều người đề xuất và đang được đánh giá là khả thi nhất trong lúc này để giảm thiểu thiệt hại và bình ổn thị trường. Nhưng thực tế triển khai ý tưởng sẽ không hề dễ dàng.
Nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi cho rằng, việc cấp đông thịt lợn gặp nhiều khó khăn như chi phí lớn, rủi ro cao. Cụ thể là chi phí xây kho, chi phí kiểm dịch, vận chuyển chi phí bảo hiểm đối với sản phẩm và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm; kiểm dịch nếu không chặt chẽ nguy cơ lây lan dịch tại các kho chứa cao, tiêu hủy lâu; người tiêu dùng có đón nhận tiêu thụ sản phẩm và giá cả sẽ tăng cao do lưu kho lâu sẽ đội chi phí.
Cho dù được coi là giải pháp dài hơi hữu hiệu, song việc cấp đông thịt lợn vẫn khiến cho ông Nguyễn Ngọc An băn khoăn. Bởi khi thịt cấp đông, chi phí trữ đông, vận chuyển cao làm giá thành cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất, chế biến bình thường. Đây là vấn đề cần phải cân nhắc, bởi vậy Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất để giải phóng hàng tồn kho khi đưa ra thị trường sau này.
Bên cạnh đó, đặt giả sử nếu không giải phóng được hàng tồn kho, đến thời điểm đó, Nhà nước cũng phải có cam kết tiêu thụ số lượng thịt này cho doanh nghiệp thông qua các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. “Nếu giải quyết được vấn đề này, các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng hưởng ứng chủ trương của Nhà nước”, ông An nêu quan điểm.
Nhanh chóng tìm “điểm sáng”
Mặc dù nạn dịch tả heo châu Phi dẫn đến “cơn bão” giá thịt lợn, khiến nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cả nước lao đao. Tuy nhiên, chính điều này lại giúp Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) gặp nhiều thuận lợi trong lĩnh vực chuyên cung cấp, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn.
Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp chăn nuôi, Tổng giám đốc Vissan Nguyễn Ngọc An chia sẻ, Vissan thực ra đang hưởng lợi do xu hướng tiêu dùng đang có sự dịch chuyển nhu cầu tiêu thụ từ các chợ truyền thống sang các kênh hiện đại. Do đó, sản lượng Vissan hầu như không giảm mà còn tăng. Song song đó là chi phí đầu vào giảm giúp Vissan tăng lợi nhuận.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Vissan năm 2019 tăng 22% so với năm 2018, đạt 212 tỷ đồng và vượt 6,3% so với kế hoạch. Năm 2020, công ty tập trung phát triển phát triển vùng chăn nuôi chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng, có thể truy xuất nguồn gốc, nhằm kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Công ty cũng tập trung nghiên cứu và đưa ra thị trường những sản phẩm mới, có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khoẻ… đồng thời khai thác tiềm năng tiêu dùng nhanh tại thị trường nông thôn và vùng sâu vùng xa, đẩy mạnh bán hàng qua kênh phân phối hiện đại, cửa hàng tiện lợi…
Năm 2019, công ty đạt doanh thu mạng lưới 4.903 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái, vượt 1% so với kế hoạch năm. Trong năm 2019, Vissan đã cung cấp ra thị trường 1.675 tấn thịt bò, tăng 14%; thịt heo 24.544 tấn, tăng 2%. Đối với sản phẩm chế biến, năm qua, Vissan tung ra 10 sản phẩm mới thuộc dòng xúc xích tiệt trùng, thịt nguội, giò các loại… đưa lượng hàng bán ra thị trường lên 26.060 tấn, tăng 15% so với năm 2018.
Lợi thế về thương hiệu và hệ thống phân phối đã giúp Vissan không những không phải lao đao với những biến cố của thị trường, mà còn là cơ hội để gia tăng lợi nhuận. Đây cũng là sự khác biệt giữa thị trường chăn nuôi nhỏ lẻ, không tạo được sự liên kết bao tiêu với doanh nghiệp lớn và những nhà sản xuất đã phát triển được chuỗi cung ứng như Vissan.
Tổng giám đốc Công ty Vissan Nguyễn Ngọc An đánh giá, tại các kênh truyền thống, người mua thịt lợn e ngại các quầy không đảm bảo các điều kiện bảo quản, không rõ nguồn gốc nên sức mua có giảm. Ngược lại, lượng kinh doanh ở các siêu thị lớn hiện đại có khuynh hướng tăng.
Bên cạnh đó, Vissan vẫn tăng trưởng khá mạnh vì có thế mạnh từ thực phẩm chế biến, đứng đầu là mảng xúc xích và khả năng sáng tạo các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. “Vissan đã có một loạt giải pháp đồng bộ. Đơn cử như truyền thông để người dân hiểu, nhận thức được dịch bệnh heo châu Phi ra sao, nên chọn lựa mua hàng tại các điểm bán có thương hiệu và nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”, ông An nói.
Theo Enternews.vn