Chỉ cần 3 tháng không có việc làm mà vẫn duy trì trả lương cho toàn bộ lực lượng lao động, thì các doanh nghiệp dệt may sẽ hết vốn. Vì vậy, Vinatex đã quyết định sẽ cho người lao động giảm giờ làm, nghỉ luân phiên chứ không sa thải người lao động.
Mới đây, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã viết tâm thư động viên người lao động trong tập đoàn.
Ông Trường dẫn số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến cuối tháng 2 dịch bệnh Covid – 19 đã ảnh hưởng đến khoảng 9.000 người lao động. Trong đó ngành nông, lâm và thủy sản có 3.227 người; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 2.252 người; ngành vận tải, kho bãi có 1.121 người; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có 665 người.
Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng khiến 181.597 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Còn sang tháng 3, khi dịch lan rộng hơn, ảnh hưởng việc làm trở nên khủng khiếp trên toàn cầu, ngày 27/3 ghi nhận 3,28 triệu người đăng ký nhận hỗ trợ thiếu việc làm tại Mỹ – cao nhất từ năm 1967. Dự báo từ 30-40 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ mất sau dịch Covid-19.
Để tránh bị phá sản, bảo vệ nguồn tài chính của mình, một số doanh nghiệp chọn phương án sa thải nhân viên, có doanh nghiệp lại chọn phương án giảm giờ làm của từng cá nhân nhưng tất cả còn đi làm, có doanh nghiệp lại vận động người có điều kiện tốt hơn nghỉ không lương nhường công việc cho đồng nghiệp. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp làm gương, quyết định tất cả lãnh đạo cấp cao nhất sẽ giảm 30% thu nhập. Sau đó là đến đội ngũ quản lý cấp trung, rồi đến nhân viên. Và cuối cùng, nếu vẫn không thể cứu vãn mới đến việc cực chẳng đã, đó là sa thải nhân viên.
Ông Trường đặt câu hỏi: “Làm thế nào để trong tình huống khó khăn bất khả kháng, thị trường dừng đột ngột như hiện nay, mọi chi phí đều mất khả năng chi trả, trong đó có tiền lương, mà vẫn giữ được hình ảnh doanh nghiệp, vẫn có động lực để nếu thị trường phục hồi, doanh nghiệp lại đứng được lên tiếp tục hoạt động. Trong khó khăn sẽ có những hy sinh mất mát nhưng làm thế nào vẫn giữ được tình cảm của người lao động với doanh nghiệp, kể cả với những người phải ra đi? Đây là câu hỏi lớn đối với trái tim mỗi người lãnh đạo và tất cả người lao động trong doanh nghiệp.”
Ông Trường cho biết, ở Tập đoàn Dệt May Việt Nam, với hơn 120 ngàn nhân sự, quỹ chi lương khổng lồ mỗi tháng, cũng đang đứng trước những rủi ro lớn khi nhiều khách hàng đã hủy, tạm hoãn đơn hàng từ nửa cuối tháng 3/2020. Nếu đại dịch không sớm bị chặn lại, thì chắc chắn các doanh nghiệp với trên 90% sản lượng cho xuất khẩu của Vinatex sẽ không khỏi ảnh hưởng. Trước mắt, hầu hết các doanh nghiệp thiếu từ 30-50% việc trong tháng 4 và tháng 5/2020.
Do lượng nhân sự đông đảo, chỉ cần 3 tháng không có việc làm, mà vẫn duy trì trả lương cho toàn bộ lực lượng lao động, thì các doanh nghiệp dệt may sẽ hết vốn. Làm thế nào để doanh nghiệp không phá sản, người lao động không mất việc làm? Đó là một thách thức chưa có tiền lệ đặt ra cho Vinatex do khủng hoảng của đại dịch Covid-19.
Với mục tiêu “Người lao động là trung tâm của sự phát triển doanh nghiệp”, và truyền thống văn hóa qua hơn một thế kỷ “Đoàn kết là sức mạnh”, Vinatex và các doanh nghiệp thành viên cùng đội ngũ người lao động của mình sẽ đồng sức đồng lòng nắm tay nhau vượt qua cơn bão. Ưu tiên số một là bảo đảm sự an toàn tính mệnh, sức khỏe cho người lao động trong sản xuất trong giai đoạn đại dịch đang hoành hành. Tiếp đó là đảm bảo việc làm cho người lao động, sao cho không ai bị mất việc làm, không ai bị sa thải, không ai bị bỏ lại phía sau, trong khi vẫn giữ gìn để doanh nghiệp không bị phá sản.
“Vinatex cam kết ưu tiên số 1 cho giữ việc làm và trả lương duy trì đời sống cho mọi người lao động, bằng cách tận dụng các gói hỗ trợ từ chính phủ, các nguồn vay ngân hàng, tìm kiếm những hợp đồng mới bù đắp lượng việc làm thiếu hụt do nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn. Tổ chức lại sản xuất để đảm bảo ai cũng được đi làm, trên tinh thần giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, chứ không sa thải người lao động. Quyết liệt bảo toàn lực lượng. Tận dụng thời gian để sáng tạo, tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí, thay đổi phương thức làm việc hiệu quả hơn. Chúng ta kích hoạt trạng thái “năng lượng thấp – ngủ đông” để sống sót qua mùa dịch”, ông Trường khẳng định.
PV
Theo Trí Thức Trẻ