Vinamilk vừa công bố tờ trình bổ sung 9 ngành nghề kinh doanh, trong đó có liên quan đến dịch vụ ăn uống, quán cà phê với thương hiệu Hi-Café.
Giải thích về việc bổ sung thêm ngành dịch vụ đồ uống, Vinamilk cho biết, công ty đang triển khai dự án mở chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm với thương hiệu Hi-Café.
Năm 2019 công ty đã mở một cửa hàng tại trụ sở chính ở quận 7, TP.HCM. Trong thời gian thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của hệ thống này, công ty đang triển khai vận hành kinh doanh thông qua hợp tác với một đối tác có đủ năng lực và ngành nghề phù hợp.
Trong năm 2020 và các năm kế tiếp, Vinamilk dự kiến sẽ phát triển mở rộng chuỗi cửa hàng này tại nhiều địa điểm khác nhau và trực tiếp triển khai vận hành hoạt động kinh doanh.
Trước đó, vào năm 2005 Vinamilk từng bước chân vào lĩnh vực sản xuất cà phê với thương hiệu Moment. Có thời điểm, Moment giành được gần 3% thị phần và chỉ sau 1 năm kể từ khi xuất hiện, Moment đã đem lại mức tăng trưởng đáng ngạc nhiên với 205% trong năm 2006.
Với kết quả đó, năm 2007 Công ty đã đầu tư hẳn một nhà máy sản xuất cà phê để đưa sản phẩm này ra thị trường nội địa. Tuy nhiên, Moment không còn phát triển nhanh như dự tính và bắt đầu suy giảm.
Nội địa gặp trở ngại do bị tắc nghẽn ở các điểm bán lẻ trong khi đó xuất khẩu không phải là kênh thường xuyên. Khoản tiền 2 triệu USD được Vinamilk chi cho việc sử dụng hình ảnh của Arsenal để quảng cáo được kỳ vọng giành được 5% thị phần cho Moment sau đó cũng thất bại.
Ba năm sau, nhãn hàng này chỉ đóng góp 1% vào tổng lợi nhuận của Vinamilk. Đánh giá về nguyên nhân thất bại, các chuyên gia cho rằng, có thể là hương vị cà phê quá lạt, không hợp với khẩu vị người Việt Nam vốn thích cà phê đậm, mạnh.
Ngoài ra, do chọn sai mô hình phân phối khiến đã khiến Moment của Vinamilk phải rời khỏi thị trường, mặc dù sản phẩm này được đánh giá là ngon và sạch.
Chuyên gia Trade Marketing Tiền Gia Trí từng phân tích, đối với mặt hàng đồ uống phải đi vào kênh On-Trade (kênh tiêu dùng tại chỗ), để người tiêu dùng trải nghiệm trước khi đi vào kênh Off-Trade (siêu thị, tiệm tạp hóa), nhưng Moment đã không lựa chọn như vậy.
“Cafe Moment của Vinamilk rất ngon, rất sạch. Nhưng phải đi đúng kênh phân phối, vì thói quen của người tiêu dùng Việt là trải nghiệm trước” ông Trí nhấn mạnh..
Đó là lý do mà ngành hàng đồ uống, như bia, phân ra 2 kênh phân phối: On-Trade (tiêu dùng tại chỗ như nhà hàng, khách sạn, quán bia) và Off-Trade (tiệm tạp hóa, siêu thị).
Năm 2009 Vinamilk tiếp tục làm cà phê hòa tan với thương hiệu Vinamilk Coffee. Với hương vị đậm đà thơm ngon như cà phê phin truyền thống của Việt Nam. Với kế hoạch sử dụng thương hiệu Vinamilk làm “đòn bẩy” trong khoảng thời gian từ 1đến 2 năm, khi sản phẩm nhận được sự tin tưởng đủ lớn của người tiêu dùng, thương hiệu Vinamilk sẽ dần dần được rút ra.
Đây là cách mà Pepsi Việt Nam từng áp dụng cho dòng sản phẩm Tropica Twister với Twister Soda, Twister Orange. Chữ Tropica về sau chỉ còn rất nhỏ và được rút dần khỏi tên sản phẩm.
Nhưng nhìn chung các sản phẩm này không được người tiêu dùng nhận diện tốt. Tuy nhiên, Vinamilk vẫn không từ bỏ giấc mơ cà phê, và như vậy thị trường F&B với các chuỗi cửa hàng cà phê lại sắp có thêm một “tay chơi” mới.
Theo Enternews.vn