Startup Việt Nam chưa bao giờ thiếu ý tưởng. Từ khi thế giới chưa có Facebook, Việt Nam đã có mạng xã hội riêng, cả những ý tưởng về thanh toán điện tử, thương mại điện tử từng xuất hiện nhưng đến nay vẫn chưa có startup kỳ lân. Vì sao?
Ông Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT, nói nhìn về những năm 2006-2007, khi thị trường Internet của Việt Nam mới bắt đầu bùng nổ, nhiều mô hình, ý tưởng online ra đời rất hay, thú vị, thậm chí chúng còn đi trước thế giới. Thế nhưng đến nay những cộng đồng này đều không thể phát triển thêm hoặc đã biến mất.
Ngay bản thân FPT từng xây dựng được “mạng xã hội” lúc bấy giờ là mạng Trí tuệ Việt Nam, nhưng đã không phát triển được nó bởi đội ngũ khởi nghiệp lúc đó “tầm nhìn khá hạn hẹp”: cái gì không sinh ra tiền thì không làm nữa.
Buổi trò chuyện giữa hai CEO điển hình cho hai thế hệ khởi nghiệp của Việt Nam là chủ tịch FPT Trương Gia Bình và nhà sáng lập Tiki Trần Ngọc Thái Sơn đã cung cấp cho những nhà khởi nghiệp có mặt tại Gala Startup Việt chiều 2-12 tại TP.HCM nhiều bài học thú vị.
Amazon khởi đầu với mục tiêu bán sách. Từ bán sách của mình, nhà sáng lập mở rộng sang bán sách giùm người khác, rồi phát triển thành nền tảng thương mại điện tử bán hàng trăm thứ khác. Sau đó là gì? Nền tảng này phát hiện trong thương mại điện tử, hoạt động logistics là quan trọng và đầu tư giải quyết câu chuyện này.
Giờ đây, từ một sàn thương mại điện tử, Amazon đang lên kế hoạch mở các cửa hàng truyền thống trong năm tới. Hiện Amazon, chứ không phải một công ty máy tính, đang chiếm 65% thị phần cloud (đám mây) trên thế giới.
“Vậy tầm nhìn của nền tảng Tiki đang hướng đến là gì?” – ông Trương Gia Bình bất ngờ đưa câu hỏi sang nhà sáng lập Tiki Trần Thái Ngọc Sơn. Đáp lời, nhà sáng lập Tiki cho biết trong tương lai Tiki sẽ phát triển theo mô hình “đa nền tảng”. Theo ông Sơn, Tiki đang xây dựng mô hình hệ sinh thái, mở rộng nền tảng, tích hợp các dịch vụ mới… trên đó.
Theo ông Trương Gia Bình, có hai vấn đề trong câu chuyện khởi nghiệp hiện nay, đó là tư duy kinh doanh và công nghệ. “Người làm kinh doanh thì không mở lòng đi học về công nghệ, trong khi dân công nghệ lại chê dân kinh doanh không biết gì. Ở đây, chúng ta cần phải có sự đối thoại giữa hai mảng này”, ông Bình phân tích.
Công nghệ đang thay đổi các mô hình kinh doanh từ nông nghiệp đến bán lẻ và ngành sản xuất. Chẳng hạn blockchain đang giải quyết niềm tin về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm nông nghiệp.
“Blockchain có thể tạo ra thay đổi khủng khiếp các mô hình kinh doanh và hiện tại Việt Nam, câu chuyện nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc đang nóng. Do đó, nếu ứng dụng blockchain, Việt Nam có thể sẽ có một nền nông nghiệp không phải lo nghĩ về thực phẩm sạch, đồng thời blockchain cũng là công cụ thúc đẩy giao dịch xuyên biên giới”, ônh Bình nói.
Theo Tuổi trẻ