Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Việc làm mùa dịch – nơi thiếu chỗ thừa

Ngành ngân hàng đang ngưng tuyển dụng trong khi thương mại điện tử, viễn thông, Fintech vẫn tăng nhu cầu và trả lương cũng cao hơn.

Báo cáo nhu cầu tuyển dụng lao động cấp trung và cao tại Việt Nam quý I/2020 của Navigos Search cho biết, ngành ngân hàng đang ngưng tuyển dụng và chứng kiến nhiều sự dịch chuyển của nhân sự cấp cao. Xuất hiện tình trạng thừa nhân lực vì dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh doanh, đã có ngân hàng tái cơ cấu để cắt giảm nhân sự.

Các dự án kinh doanh của ngân hàng đang bị trì hoãn, sự thay đổi trong khách hàng mục tiêu cũng khiến các nhà băng phải tái định hướng chiến lược thời gian tới. Dự báo, nhu cầu tuyển dụng ngành này sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch kinh doanh sắp tới và đại hội cổ đông thường niên trong quý II.

Với ngành du lịch, doanh nghiệp đang hạn chế tuyển dụng và các ứng viên cũng e ngại tìm kiếm cơ hội mới do đây là ngành chịu tác động trực tiếp bởi Covid-19. Tại TP HCM, Sở Du lịch thành phố cho biết đã có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ ngưng hoạt động. Một số doanh nghiệp tư nhân lớn chỉ duy trì nhân sự trực tại công ty.    

Hiện tại, nhiều nhân viên ngành du lịch được cho nghỉ không hưởng lương hoặc hưởng 20-30% lương đến khi hết dịch sẽ đi làm lại. Một số nhân viên văn phòng và hướng dẫn viên đang tìm các công việc thời vụ để làm thêm, phổ biến là bán hàng online.  

Tuy nhiên, theo Navigos Search, có dấu hiệu một số doanh nghiệp du lịch và khách sạn bắt đầu thăm dò, tuyển dụng lại. Khả năng hồi phục có thể diễn ra từ cuối quý III hoặc đầu quý IV với tốc độ chậm và dự đoán khởi sắc lại vào đầu năm 2021.  

Công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Tân Đô,Long An sản xuất khẩu trang vải. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngành sản xuất có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp nhiều nhất trong quý I/2020, tăng 14% so với quý IV/2019 và tăng đến 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, vì Covid-19, các vị trí đăng tuyển đang tạm hoãn.     

Trong đó, dệt may chịu ảnh hưởng lớn. Một số doanh nghiệp phải cho nhân viên nghỉ phép, nghỉ không lương, nghỉ luân phiên và hưởng một phần lương tối thiểu vùng theo thỏa thuận cho những ngày nghỉ hoặc cắt dần các vị trí. Một số nhà máy vẫn hoạt động vì chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế, đồ bảo hộ y tế. Một số công ty hoạt động tốt do có nhiều đơn hàng, trong khi có nơi sản xuất cầm chừng.

Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, với các ngành điện, điện tử, cơ khí và gỗ nội thất, vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, các quyết định tuyển dụng phải trì hoãn vì chính sách hạn chế di chuyển giữa các quốc gia.

Ngoài ra, một số dự án chậm triển khai do trưởng dự án hoặc vị trí quan trọng không thể sang Việt Nam sau thời gian về nước hoặc di chuyển ở các quốc gia khác. Một số dự án xây dựng nhà máy mới chậm tiến độ do phải đảm bảo khoảng cách cho công nhân xây dựng.

Với ngành sản xuất, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI) cho rằng, trong quý II, nếu Covid-19 kéo dài cũng như thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu sản xuất và khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, một số doanh nghiệp sẽ dừng kế hoạch tuyển dụng để mở rộng quy mô sản xuất.    

Còn theo dự báo của Navigos Search, các ứng viên trong ngành đang có động thái tìm hiểu những cơ hội việc làm mới. Có khả năng, nửa cuối năm 2020, nguồn cung nhân sự ngành sản xuất sẽ dồi dào, trong khi nhu cầu tuyển dụng sẽ ổn định trở lại.

Nhân viên giao hàng các công ty thương mại điện tử chờ khách tại một chung cư ở quận 8, TP HCM. Ảnh: Viễn Thông

Ngược lại thương mại điện tử là điểm sáng trong 3 tháng đầu năm. FALMI còn dự báo, mảng kinh doanh – thương mại, tập trung ở lĩnh vực thương mại điện tử, thuộc nhóm đầu các ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn trong quý II/2019 tại TP HCM. Đi cùng với ngành này, nhân sự có cần thiết cho mảng giao hàng cũng tăng.

Riêng ở nhóm nhân sự trung và cao cấp, Navigos Search cho biết ngành này đang có nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí phát triển kinh doanh, marketing cũng như kỹ thuật chuyên môn về E-Commerce.

Các doanh nghiệp thương mại điện tử đang ưu tiên tuyển người có kinh nghiệm. Mặt bằng lương có xu hướng cao hơn các lĩnh vực kinh doanh truyền thống và sẽ duy trì như vậy trong 3 đến 5 năm tới. Dự đoán, nhu cầu tuyển dụng của ngành thương mại điện tử sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2020 và 2021.

Công nghệ thông tin cũng là ngành có nhu cầu tuyển dụng cao. Theo Navigos Search, nhu cầu tìm người của ngành này quý I/2020 tăng nhẹ 3% so với quý IV/2019 và 7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Báo cáo thị trường IT Việt Nam quý I/2020 của TopDev cũng cho biết thị trường lao động IT vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều. Một số doanh nghiệp IT lớn tại TP HCM và Hà Nội cho toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà mà không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ công việc. Mức lương của thị trường này cũng vì thế mà không có quá nhiều thay đổi so với ba quý cuối năm ngoái.

Thị trường tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin chỉ mới tạm đóng băng từ hai tuần cuối tháng 3 đến nay và sẽ mở lại tuyển dụng khi dịch kết thúc. Ngoài ra, thực tế, ngay trong mùa dịch nhưng một vài đơn vị về viễn thông, Fintech và giải trí trực tuyến vẫn cần thêm người.

Ngay trong quý II, một số ngành khác cũng đang có nhu cầu tích cực như y tế – chăm sóc sức khỏe; dịch vụ tư vấn – chăm sóc khách hàng chuyên về tư vấn trực tuyến; marketing; chế biến lương thực – thực phẩm; dược phẩm.

Navigos Search cho biết thêm, lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng đang tiếp tục săn đón các vị trí cấp cao, đáng chú ý như giám đốc kinh doanh. Ngoài ra, nhân sự ngành năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo cũng có cơ hội khả quan trong suốt năm 2020.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search nhìn nhận, Covid-19 đã tạo ra bài toán khó cho doanh nghiệp về duy trì nhân sự.  

“Các doanh nghiệp nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng trong thời gian này vì nguồn cung lao động đang dồi dào hơn và ứng viên khi nhận việc sẽ có nhiều thời gian để hòa nhập với công ty và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh qua đi”, bà Mai gợi ý.

Nhóm chuyên gia TopDev khuyến nghị, để có sự chuẩn bị tốt cho phát triển sau dịch, doanh nghiệp cần tập trung tái đầu tư thương hiệu tuyển dụng và gắn kết với ứng viên của chính mình. Mùa dịch cũng là dịp để doanh nghiệp tối ưu lại nguồn nhân sự cũng như làm mới các phương thức tuyển dụng về sau.

Theo VNE