Trong khi tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ và cách khá xa với kế hoạch (14%), không ít ngân hàng thương mại lại đang tích cực huy động vốn bằng việc tăng lãi suất. Phía sau câu chuyện này là gì?
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, từ đầu năm đến ngày 20/9/2019, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,4%, thấp hơn khá nhiều so với con số 9,52% của cùng kỳ năm 2018. Theo kế hoạch đưa ra từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2019 là 14%, tương đương với mức tăng trưởng của năm 2018.
Tổng cục Thống kê cho biết, lãi suất huy động tại một số ngân hàng tăng nhẹ, chủ yếu ở kỳ trung và dài hạn nhằm đảm bảo sự cân đối kỳ hạn và giới hạn an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động đồng Việt Nam phổ biến ở mức 4,5% – 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5% – 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6% – 7,5%/năm.
Lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến khoảng 6% – 9%/năm đối với ngắn hạn và 9% – 11%/năm đối với trung và dài hạn. Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.
Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại được đẩy lên mức khá cao. Một số ngân hàng có mức lãi suất cao nhất lên đến trên 9%/năm. Mặt khác, nhiều ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu để tăng huy động vốn. Diễn biến đó cho thấy các ngân hàng rất “khát” vốn mặc dù tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải.
Trao đổi với Báo Đấu thầu về hiện tượng tăng trưởng tín dụng thấp nhưng nhà băng vẫn “khát” vốn, PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ: “Tôi đã trao đổi với một số cán bộ ngân hàng thương mại về hiện tượng này và được biết, các ngân hàng đang chạy đua huy động để gia tăng nguồn vốn nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, do chủ trương thắt chặt tín dụng cho lĩnh vực bất động sản (một lực đẩy quan trọng của tăng trưởng tín dụng nhiều năm trước) nên tăng trưởng tín dụng được giữ ở mức vừa phải. Mặt khác, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên giảm vay từ ngân hàng hoặc tìm đến các kênh huy động khác”.
TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF) dự báo về triển vọng tăng trưởng tín dụng cả năm nay, nhiều khả năng vẫn đạt con số 14% vì lực đẩy tín dụng sẽ rất mạnh vào những tháng cuối năm. “Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách áp trần tăng trưởng tín dụng đến từng ngân hàng. Đây là cách làm hợp lý để cơ quan điều hành chính sách tiền tệ có thể kiểm soát tốt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống”, ông Đức Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa để tín dụng có thể về đích tăng trưởng 14% như định hướng từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước. “Tuy nhiên, mức tăng trưởng 14% chỉ mang tính định hướng, dù tăng trưởng tín dụng không đạt đến mức này thì cũng không đáng quan ngại. Bởi lẽ, mục tiêu của thắt chặt tín dụng là để đảm bảo ổn định vĩ mô và chú trọng chất lượng tín dụng. Tôi thấy, các chỉ tiêu vĩ mô về tiền tệ đều vẫn trong tầm kiểm soát. Đó là một điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay”, ông Bảo nhấn mạnh.
Xuân Yến
Theo Báo Đấu Thầu