Theo Nghị định mới, kể từ 1/1/2020, chỉ cần 300 tỷ đồng là có thể kinh doanh vận tải hàng không cả nội địa lẫn quốc tế. Vốn tối thiểu của doanh nghiệp hàng không hiện ở mức 100 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý trong Nghị định 89 thay thế cho Nghị định 92 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng là quy định về vốn tối thiểu để thành lập hãng bay mới.
Cụ thể với hãng khai thác 10 tàu bay cần mức vốn tối thiểu là 300 tỷ đồng. Tại Nghị định cũ (Nghị định 92) các hãng có khai thác quốc tế cần vốn tối thiểu là 700 tỷ đồng và 300 tỷ đồng với hãng chỉ khai thác nội địa.
Với hãng có số lượng tàu bay từ 11 – 30, vốn tối thiểu là 600 tỷ đồng. Trước đây là 1.000 tỷ đồng với hãng có quốc tế và 600 tỷ đồng với hãng chỉ khai thác nội địa.
Với hãng có trên 30 tàu bay, vốn tối thiểu là 700 tỷ đồng. Trước đây là 1.300 tỷ đồng với hãng có khai thác quốc tế và 700 tỷ đồng với hãng chỉ khai thác nội địa.
Hay với điều kiện để kinh doanh cảng hàng không, nếu như Điều 13 ở Nghị định cũ quy định: Kinh doanh cảng hàng không sân bay phải được Bộ trưởng GTVT chấp thuận chủ trương thì ở đến năm 2020, điều khoản này sẽ được bãi bỏ.
Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không là 100 tỷ đồng, không phân biệt cảng hàng không nội địa hay quốc tế thay vì phân chia 100 tỷ đồng với cảng nội địa và 200 tỷ đồng với cảng quốc tế.
Những điểm mới này được xem là động thái nới lỏng điều kiện kinh doanh hàng không của Chính phủ.
Thực tế, thị trường hàng không Việt Nam đã “nở rộ” trong thời gian vừa qua với sự có mặt của 3 hãng hàng không mới gồm Vietravel Airlines, Vinpearl Air và Hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir).
Theo Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI), Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới trong nhóm thị trường trên 50 triệu hành khách giai đoạn 2016-2040. Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế (IATA) cũng dự báo thị trường hàng không Việt Nam phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Năm 2019, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị quản lý 22 sân bay trên cả nước cho biết sẽ phục vụ tới 112,5 triệu lượt hành khách thông qua toàn mạng cảng (năm 2018 là 104 triệu lượt hành khách)…
Về “miếng bánh” thị phần trong nước, trong nửa đầu năm 2019, thị phần của nhóm 3 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco vào khoảng 51%; Vietjet khoảng 41,3%. Trong khi Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC, dù mới cất cánh từ đầu năm 2019 nhưng đến nay cũng đã đạt khoảng 7%.
Theo An Dương
Trí thức trẻ