Các lãnh đạo cấp cao của Coca Cola đều rất cởi mở trong việc thảo luận về kinh nghiệm thất bại của cá nhân và tập thể. Thậm chí, họ còn trao giải thưởng để khuyến khích những dự án không thành công.
Coca Cola được phát minh năm 1886 bởi dược sĩ John S. Pemberton ở Atlanta, Georgia (Mỹ). Năm đó, doanh số bán loại đồ uống này chỉ đạt vỏn vẹn 50 USD. Thế nhưng, đến năm tài chính 2018, công ty Coca Cola đã báo cáo doanh thu lên tới 31,9 tỷ USD.
Ngày nay, công ty có hơn 700.000 nhân viên và hơn 500 thương hiệu nước giải khát phổ biến, từ Fanta, Minute Maid đến Dasani, được bán rộng rãi tại 200 quốc gia trên thế giới.
Khi một công ty trở nên khổng lồ, thật khó để duy trì được sự sáng tạo và đổi mới đã giúp nó phát triển từ những ngày đầu. Theo James Quincey, CEO của Coca Cola, điều đó xảy ra bởi sau khi đạt được thành công vang dội, người ta thường bắt đầu sợ thất bại.
Khi nhân viên và các thương hiệu con ngại thử một thứ mới mẻ, Quincey gọi đó là “Hội chứng New Coke”, gợi nhắc đến sản phẩm mà Coca Cola tung ra thị trường năm 1985. Đây là loại đồ uống có công thức cải tiến so với công thức cổ điển và người tiêu dùng rất không ưa New Coke. Trên thực tế, sản phẩm này chỉ có mặt trên thị trường 79 ngày trước khi bị thu hồi.
Ông nói: “Sợ thất bại thường là trở ngại lớn nhất cho sự đổi mới trong các công ty lớn. Chúng ta phải học cách ăn mừng thất bại để ngăn chặn sự ứ đọng. Chỉ có thất bại mới dạy cho chúng ta những tình huống và kinh nghiệm chúng ta không học được ở bất kỳ đâu. Học hỏi không bao giờ là thất bại, nó làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ và sắc nét hơn”.
Để đạt được điều đó, các lãnh đạo cấp cao của Coca Cola đều rất cởi mở trong việc thảo luận về kinh nghiệm thất bại của cá nhân và tập thể. Thậm chí, họ còn trao giải thưởng để khuyến khích những dự án không thành công.
Ali Akbar, giám đốc của đơn vị kinh doanh ở Trung Đông và Bắc Phi của Coca Cola là người nhận được giải thưởng Thất bại năm 2017. “Thành tích” của ông là thất bại trong việc ra mắt Sprite3G ở Pakistan. Tuy nhiên, chính nhờ điều này mà Akbar và nhóm của ông đã có được kinh nghiệm quý giá và ra mắt sản phẩm khác thành công hơn tại Pakistan.
Tất nhiên, thất bại vẫn phải nằm trong tầm kiểm soát. Vì vậy, khi sản phẩm của Coca Cola không được đón nhận, chúng sẽ bị ngừng sản xuất một cách nhanh chóng, quá trình mà Quincey gọi là tiêu diệt “những con thây ma”.
Vị CEO nói: “Đó là việc loại bỏ những thứ không hoạt động. Chúng tôi đã phân tích khoảng 2.000 sản phẩm đồ uống ra mắt trong vòng 5 năm và nhận thấy có 30% chỉ đóng góp 1% về khối lượng. Trong năm 2018, chúng tôi sẽ giải quyết hơn 700 sản phẩm thây ma, cho phép công ty triển khai nguồn lực ở những khu vực có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển hơn”.
Sở thích của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng. Lượng tiêu thụ soda ở Mỹ đã giảm đáng kể do mọi người trở nên có ý thức về sức khỏe hơn. Ngoài ra, họ cũng chú ý hơn tới sản phẩm thân thiện với môi trường.
Coca Cola và nhiều thương hiệu khác phải đổi mới để tồn tại và phát triển. Mới đây, công ty đã giới thiệu Coke Energy, loại nước tăng lực sẽ có mặt tại thị trường Mỹ vào năm sau. Bên cạnh đó, công ty còn có kế hoạch bán nước lọc Dasani trong lon nhôm thay vì chỉ bán trong chai nhựa như trước. Theo Quicey, theo kịp sự thay đổi sở thích của khách hàng là điều quan trọng nhất với Coca-Cola hiện nay.
Gia Vũ
Theo Trí Thức Trẻ/CNBC