Trải qua cú “sốc” dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân càng thấm thía hơn tầm quan trọng của yêu cầu phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) thuộc VCCI.
Ông Vinh cho biết, VBCSD vừa có cuộc khảo sát nhanh về thực trạng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đồng thời, kiến nghị với Chính phủ về chiến lược trong trung, dài hạn gắn với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV và Lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV Việt Nam đến năm 2030. Trước đó, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng đã có công văn số 0210 và số 0453 gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, đề xuất các giải pháp cấp bách, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19…
– Thưa ông, trong hoàn cảnh khó khăn đó, bản thân các doanh nghiệp đã phải thay đổi “chiến thuật” sản xuất, kinh doanh như thế nào để thích ứng?
Đại dịch xảy ra khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó, thiếu hụt nguyên liệu… đã dẫn đến sự sụt giảm doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải đưa ra các phương án, chiến lược kinh doanh phù hợp, gắn những vấn đề ngắn hạn cấp bách với chiến lược trong trung và dài hạn, bởi sau đại dịch chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ sớm được tái cơ cấu và định vị.
Cụ thể, 31% doanh nghiệp hội viên VBCSD cho biết đã và sẽ tập trung nhiều hơn cho thị trường trong nước, giảm phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài. Đặc biệt, có tới 81% doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết ngành, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng với các sự kiện tương tự như COVID-19 có thể xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, chuyển đổi số… nhằm giảm phụ thuộc vào các thị trường, hình thức kinh doanh truyền thống. Tiết kiệm, cắt giảm chi phí, hoãn đầu tư với các hạng mục chưa thiết yếu là những yêu cầu cấp bách.
– Từ thực tiễn khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, theo ông, vấn đề PTBV cần được các doanh nghiệp nhìn nhận lại như thế nào?
PTBV không còn là câu chuyện xa vời với doanh nghiệp, mà sẽ trở thành “máu, thịt” với doanh nghiệp trong dài hạn, là “chiếc phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng chống chọi và phục hồi trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh dịch COVID–19 như hiện nay. Từ trung đến dài hạn, cộng đồng doanh nghiệp cần tập một số giải pháp:
Thứ nhất, cần tập trung vạch định lại chiến lược, tái cơ cấu, quản trị doanh nghiệp theo định hướng PTBV, doanh nghiệp nên chủ động, thực hiện quản trị tích hợp PTBV trong quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro. Ví dụ như thực hiện lập báo cáo phát triển bền vững; Xác định KPI liên quan trực tiếp đến chiến lược PTBV; Áp dụng Bộ chỉ số CSI trong quản trị doanh nghiệp…
Thứ hai, trong hàng thập kỷ qua, khi thiết lập chuỗi cung ứng, hầu hết các doanh nghiệp ưu tiên tối ưu hóa hiệu suất hơn là củng cố sức bền của chuỗi. Chính điều này khiến chuỗi cung ứng rất dễ bị tổn thương từ những cú sốc toàn cầu và đại dịch COVID-19 đã chứng minh điều đó. Để khắc phục yếu điểm này, các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường năng lực cho chuỗi cung ứng, thông qua phát triển đa dạng chuỗi cung ứng. Bên cạnh các nhà cung ứng theo hợp đồng dài hạn, doanh nghiệp cũng nên chủ động xây dựng hệ thống các nhà cung ứng ngắn hạn để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung ứng lớn; Xây dựng các kịch bản quản trị rủi ro cho chuỗi cung ứng, kế hoạch sản xuất linh hoạt và tinh gọn; Áp dụng công nghệ trong quản trị nguồn cung ứng…
Thứ ba, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật các chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ trong dài hạn để có thể xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp phù hợp với định hướng chung của quốc gia. Doanh nghiệp chủ động nghiên cứu xu thế phát triển chung của nền kinh tế thế giới để xây dựng những mô hình kinh doanh trong tương lai, từ đó “đi tắt đón đầu”, đáp ứng tốt các thay đổi của thị trường và xu hướng tiêu dùng mới. Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động quản trị, sản xuất kinh doanh…
– Trên cơ sở thực tiễn từ doanh nghiệp, VBCSD sẽ tham mưa cho Chính phủ những vấn đề gì trong câu chuyện phát triển bền vững trong trung và dài hạn, thưa ông?
Chính phủ cần xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho sự PTBV của doanh nghiệp, ban hành các chính sách với tầm nhìn chiến lược trong dài hạn đi kèm với các hoạt động trung hạn, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Các chính sách của Chính phủ cũng cần tính đến yếu tố quản rị rủi ro thông qua việc xây dựng các kịch bản ứng phó với các điều kiện bất lợi có thể xảy ra trong tương lai.
Cụ thể, Chính phủ cần xây dựng và triển khai Đề án Nâng cao Năng lực quản trị doanh nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Việc xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai Mô hình Kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030 cũng cần đặc biệt chú trọng. Bởi đây là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống.
– Xin cảm ơn ông!
Theo Enternews.vn