Như vậy hệ sinh thái của Vato cũng khá tương đồng với các đối thủ lớn trên thị trường hiện nay, từ gọi xe 2 bánh, 4 bánh đến giao hàng, gọi đồ ăn và thậm chí là dịch vụ mua vé xe Phương Trang.
Giữa tháng 9 vừa qua, ứng dụng gọi xe Vato đã cho ra mắt chính thức dịch vụ giao hàng. Nhân dịp này, Vato cũng tung ra mức khuyến mãi khá hấp dẫn, đồng giá 9.000đ cho các chuyến giao hàng dưới 5km.
Đây được xem là dịch vụ tương tự các dịch vụ trên thị trường hiện nay như GrabExpress, Go-Send, beDelivery,…Tuy nhiên Vato giao hàng hiện cũng chưa đi kèm quy trình thu tiền hộ COD.
Ngoài ra, theo nguồn tin từ Techbike, trong lần cập nhật ứng dụng mới nhất, Vato đã đưa thêm hai tính năng mới là dịch vụ giao đồ ăn và đặt vé xe Phương Trang. Hai tính năng này vẫn chưa thể sử dụng nhưng nhiều khả năng sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới.
Cách đây không lâu Techbike đã từng có thông tin rò rỉ về hợp đồng thỏa thuận giữa quán ăn với Vato, cho thấy giao đồ ăn sẽ là mảng thị trường mà ứng dụng gọi xe này nhắm tới trong tương lai. Điều này cũng quá khó hiểu bởi hiện tại, giao đồ ăn là mảng dịch vụ đem lại lợi nhuận lớn và ít bị lỗ nhất khi các hãng có thể cùng lúc thu chiết khấu từ 2 bên là nhà hàng và đối tác tài xế.
Ra đời từ tháng 6/2017, Vato tiền thân là dịch vụ gọi xe với tên gọi ViVu nhưng sau đó được Công ty CP xe khách Phương Trang mua lại và đổi tên thành Vato (Vận tải thông suốt). Thời điểm Uber rút khỏi Việt Nam để bán lại thị trường cho Grab, Phương Trang tuyên bố đầu từ 100 triệu USD, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng để phát triển Vato.
Tuy nhiên, kể từ đó, ứng dụng này hoạt động khá im ắng, không có các chiến dịch truyền thông rầm rộ để thu hút khách hàng. Giữa tháng 7 năm nay, Vato mới bắt bắt đầu tung các chương trình khuyến mãi đồng giá cho khách hàng và thưởng cho tài xế để tăng lượng người dùng.
Dù có bước đi khá lặng lẽ so với các đối thủ nhưng Vato đang là ứng dụng thu chiết khấu tài xế thấp nhất thị trường hiện nay, trong đó, dịch vụ Vato Car là 15% và Vato Bike là 5%
Nhật Anh