2019 lẽ ra sẽ là năm dành cho các start-up lớn nhất nước Mỹ ra mắt và dành chiến thắng vang dội trên thị trường chứng khoán. Thế nhưng, mọi chuyện lại không như những gì họ mong đợi. Những thông tin đáng thất vọng về Uber, WeWork, Lyft khiến các nhà đầu tư thận trọng “rút tiền” và tỉnh táo hơn.
Các nhà đầu tư tỷ phú tại Thung lũng Silicon đều dự kỳ vọng doanh số bán cổ phiếu “khủng” sẽ khiến những công ty như Uber, Lyft và WeWork trở thành những “gã khổng lồ” thế hệ tiếp theo. Thế nhưng, mọi chuyện lại không như những gì họ mong đợi. Tuần trước, WeWork đã hoãn kế hoạch IPO và nhà sáng lập rời vị trí CEO. Uber và Lyft phát hành cổ phiếu hồi đầu năm nay và mức giá vẫn trượt dốc. Hôm thứ Năm tuần trước, Peloton cũng gia nhập danh sách các “kỳ lân” vấp ngã, khi giá cổ phiếu sụt giảm ngay trong ngày giao dịch đầu tiên. Bởi vậy, nhà đầu tư đã thận trọng hơn và lùi bước, họ nhận thấy các công ty được định giá quá cao không hề có triển vọng mang về lợi nhuận trong thời gian tới.
Thái độ không còn mặn mà của các nhà đầu tư đe doạ việc Thung lũng Silicon hỗ trợ xây dựng các công ty. Công thức này dựa vào dòng tiền của các nhà đầu tư mạo hiểm để bù lỗ với kỳ vọng rằng nhà đầu tư ở Phố Wall cuối cùng sẽ mua cổ phiếu và giúp cho tất cả mọi người đều giàu có. Nếu các quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí không còn nhiệt tình mua cổ phiếu khi công ty “lên sàn”, thì các công ty non trẻ không thể tìm được nguồn tài trợ ban đầu.
Steven N. Kaplan, giáo sư ngành tài chính và doanh nhân tại Đại học Chicago, nhận định: “Khi thị trường IPO bị ảnh hưởng tiêu cực, thì hiệu ứng domino sẽ xảy đến với các mức định giá và thoả thuận đầu tư mạo hiểm.” Ông nói thêm, nếu hiệu ứng đó vẫn tồn tại, thì các start-up sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn.
Phần lớn mối quan tâm ở thời gian gần đây đều hướng đến WeWork. Khi bắt đầu tiếp cận các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, thì khoản lỗ 1,37 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019 của họ đã bị “phanh phui”. Nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi về những thỏa thuận tài chính của cựu CEO Adam Neumann và hoạt động kế toán của họ. Kết quả là, Neumann đã rời ghế CEO do áp lực lớn từ phía hội đồng quản trị và nhà đầu tư. Hiện tại, vẫn chưa chắc chắn khi nào công ty sẽ quay trở lại thị trường.
Trong khi đó, Uber đã hạ mục tiêu giá vào hồi tháng 5. Dẫu vậy, cổ phiếu của họ vẫn giảm 30% khi khoản lỗ tiếp tục “đào sâu” hơn. Trong 3 tháng tính đến tháng 6, start-up gọi xe cho biết họ đã mất hơn 5 tỷ USD và ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm nhất từ trước đến nay. Còn cổ phiếu của công ty đối thủ Lyft đã giảm 40% kể từ khi IPO hồi tháng 3.
Start-up lĩnh vực thể hình Peloton cũng công bố khoản lỗ nặng nề trong hoạt động kinh doanh bán xe đạp tập thể dục cao cấp và các lớp học trực tuyến. Trong ngày đầu tiên giao dịch vào hôm thứ Năm tuần trước, cổ phiếu của Peloton đã giảm 11% so với thời điểm IPO. Sự sụt giảm mạnh như vậy lại là điều không mấy phổ biến đối với một công ty mới niêm yết.
Chưa dừng ở đó, nhiều công ty khác cũng phải trì hoãn kế hoạch của mình. Airbnb cho biết hồi tuần trước rằng họ không có ý định IPO cho đến năm 2020, muộn hơn dự kiến. Palantir Technologies, công ty khai thác dữ liệu có được sự hậu thuẫn của tỷ phú Peter Thiel, hiện chưa có lịch trình IPO trong nhiều năm, bởi họ có thể sẽ tiếp tục huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân, nguồn tin thân cận tiết lộ với NYT.
Dẫu vậy, không phải start-up nào cũng “nao núng” trước những chuyển biến xấu như vậy. Nhiều thương vụ niêm yết quy mô nhỏ hơn đã đạt được sự khởi sắc. Bên cạnh những công ty lớn được kỳ vọng nhiều như Uber hay WeWork, Pinterest là một các tên khá tiềm năng. Cổ phiếu của công ty này đã tăng 44% kể từ khi niêm yết hồi tháng 4.
Pinterest định giá mức IPO của họ khá thận trọng, họ chia sẻ với các nhà đầu tư rằng họ sắp có được lợi nhuận và giảm dần khoản lỗ trong nhiều tháng kể từ khi IPO. Hơn nữa, doanh thu từ quảng cáo cũng tăng lên nhanh chóng. Rett Wallace, đến từ Triton Reasearch, nhận định: “Nhà đầu tư đang bỏ tiền ra mua tương lai, vì thế đã giúp các công ty vẽ ra bức tranh tương lai. Bạn có thể làm điều đó với Pinterest, nhưng lại không thể làm với WeWork, Uber và Lyft.”
Đây là gốc rễ của sự thất vọng?
Nhìn nhận theo nhiều chiều hướng, thì sự bế tắc hiện tại giữa Phố Wall và các start-up này đến từ một vấn đề, đó là mức định giá. Do những kỳ vọng được các nhà đầu tư mạo hiểm đặt ra và rủi ro mà họ phải đối mặt, chỉ đơn giản là các công ty đang bị đòi hỏi quá nhiều.
Uber được các nhà đầu tư tư nhận định giá ở mức 72 tỷ USD trước khi IPO, hiện tại mức vốn hoá là khoảng 54 tỷ USD. Lyft, từng được định giá hơn 15 tỷ USD, vốn hoá hiện nay là khoảng 12 tỷ USD. Còn WeWork thì chạm mức 47 tỷ USD, khi gặp khó khăn trong quá trình đi đến IPO, các giám đốc điều hành và nhân viên ngân hàng đã thảo luận việc hạ mức định giá xuống 15 tỷ USD, nhưng vẫn không đủ để nâng mức lãi.
Phản ứng nhanh chóng của thị trường đối với các công ty này hoàn toàn trái ngược với bong bóng dot-com của 20 năm trước. Khi đó, cổ phiếu của các start-up mang về ít doanh thu hoặc triển vọng lợi nhuận ảm đạm, như Webvan và Theglobe.com, tăng vọt khi “lên sàn”.
Kathleen Smith, chủ tịch Renaissance Capital, nhận định: “Mọi người đều lo ngại rằng đây sẽ là một quả bong bóng khác giống như năm 1999 và 2000. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn rất tỉnh táo và thận trọng đối với những thương vụ này.”
Hiện tại, “phán quyết” từ thị trường chứng khoán đó là xu hướng đầu tư tư nhân đã đi quá xa. Với lượng tiền mặt lớn, các nhà đầu tư tư nhân đã hỗ trợ cho các start-up “hot” nhất đã giúp các mức định giá của họ chạm đến mức nhà đầu tư công (gồm các NHTW, quỹ đầu tư quốc và quỹ hưu trí) không thể chấp nhận được.
Fred Wilson, một đối tác của Union Square Ventures, cho hay: “Mọi thứ đang trở nên náo loạn một chút. Thời điểm này có thể làm một bước ngoặt đối với các nhà đầu tư của thị trường công khi cấp nhận các start-up được định giá cao và không có lợi nhuận. Tôi cho rằng điều đó rất quan trọng với thị trường tư.”
Những rắc rối gần đây dường như đã có mầm mống từ rất lâu, vốn các start-up lớn nhất cũng từng gặp phải. Với nguồn vốn từ khoản đầu tư mạo hiểm và những nhà đầu tư tư nhân, các công ty này không bắt buộc phải tìm đến thị trường công để tìm kiếm nguồn tài trợ như trước đây.
Tăng trưởng doanh thu sẽ “bù đắp” mọi yếu điểm
Thế nhưng, không phải điều gì cũng có hướng đi suôn sẻ. Từ trước đến nay, thị trường IPO đã cho phép các nhà đầu tư rót tiền vào các công ty có quy mô tương đối nhỏ và rủi ro cao hơn, với tiềm năng phát triển nhanh chóng. Do vậy, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ qua nhiều điểm yếu của họ. 3 năm sau khi được sáng lập vào năm 1994, Amazon.com đã phát hành cổ phiếu ra thị trường, chỉ huy động được 62 triệu USD trong một thoả thuận định giá công ty với hơn 400 triệu USD. Hiện tại, vốn hoá của Amazon đạt mức hơn 800 triệu USD.
Một trường hợp khác, Google là một công ty lớn và lâu đời hơn khi chính thức “lên sàn” vào năm 2004, được định giá ở mức 23 tỷ USD – đây là một thương vụ cực kỳ “khủng” khi đó. Tuy nhiên, họ đã mang lại mức lợi nhuận đáng kinh ngạc, với lợi nhuận hàng năm là hơn 400 triệu USD mỗi năm khi niêm yết và hiện vẫn phát triển rất nhanh.
Jeff James, hiện đang quản lý hơn 1,7 tỷ USD tài sản tại Driehaus Capital Management, nhận định rằng phần cuối khi nói về Google ở trên cực kỳ qua trọng. Ông cho hay: “Tăng trưởng vượt trên cả mong đợi, điều đó thực sự ‘chữa lành’ được giá trị và những yếu điểm khác.”
Theo Hương Giang
Trí Thức Trẻ