ACBS đánh giá thị trường tín dụng cho vay mua ô tô tại Việt Nam có nhiều tiềm năng cao. Với sự ra đời của Vinfast (thuộc Vingroup) và kế hoạch khai thác chuỗi giá trị ngành ô tô (triển khai từ 2019) thì sản phẩm cho vay mua ô tô sẽ tăng tỷ trọng trong danh mục cho vay của Techcombank trong những năm tới.
Công ty chứng khoán ACBS vừa có báo cáo cập nhật phân tích về ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã: TCB).
Câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn của Techcombank
Chuyên gia phân tích của ACBS cho rằng câu chuyện tăng trưởng của Techcombank là rất hấp dẫn, một trong những ngân hàng đã xử lý xong nợ xấu cũ và sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng kế tiếp. ACBS đánh giá triển vọng tích cực với TCB dựa trên 4 yếu tố: Techcombank đã chuẩn bị tốt để tuân thủ Basel II, có chiến lược kinh doanh rõ ràng với mục tiêu tham vọng, có dấu ấn trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản, kiểm soát tốt chi phí hoạt động.
Xét riêng nhóm ngân hàng niêm yết (tính đến thời điểm năm 2018), Techcombank chiếm 3,6% thị phần cho vay (4,8% nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp) và 4,2% thị phần tiền gửi. Đáng chú ý, Techcombank được xem là người đi đầu trên thị trường TPDN tại Việt Nam với thị phần đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2019, thị phần môi giới trái phiếu trên HSX của TCBS đạt 85%. Techcombank cũng thuộc nhóm 10 ngân hàng có lượng thẻ nhiều nhất (2,6 triệu thẻ) và dịch vụ bancassurance (17% thị phần trong 6 tháng đầu năm 2019).
Chiến lược phát triển dài hạn của Techcombank dựa trên chuỗi giá trị của 6 ngành gồm nhà ở, ô tô, dịch vụ tài chính, du lịch và giải trí, bán lẻ, tiện ích và viễn thông. Techcombank hướng đến cung cấp đa dạng sản phẩm tài chính cho khách hàng nhằm nâng cao nguồn thu nhập ngoài lãi. Trên thực tế, tăng nguồn thu nhập ngoài lãi là định hướng của nhiều ngân hàng Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, Techcombank nổi bật trong việc truyền thông điệp đó và cũng có chuẩn bị về công nghệ, về vốn để thúc đẩy khả năng bán chéo các sản phẩm ngoài các sản phẩm truyền thống.
Cho vay mua nhà có thể gặp chướng ngại, tỷ trọng cho vay mua ô tô sẽ tăng nhanh
Một trong những sản phẩm chủ yếu của Techcombank hiện nay là cho vay mua nhà. Cụ thể, dư nợ cho vay mua nhà đóng góp tới 73% dư nợ cho vay cá nhân và 33% tổng dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank trong năm 2018, tăng mạnh so với con số 55% và 25% tương ứng vào năm 2015.
ACBS cho rằng hoạt động cho vay mua nhà của Techcombank có thể gặp phải chướng ngại trong thời gian tới vì một số nguyên nhân như NHNN định hướng siết chặt tín dụng các ngành rủi ro, Vingroup bán sỉ hoặc tìm các nhà đầu tư thứ cấp phát triển dự án của mình khiến Techcombank mất đi lợi thế tài trợ tín dụng trong các dự án của Vingroup,…
Còn đối với hoạt động cho vay mua ô tô, ACBS giữ quan điểm tích cực, cho rằng tiềm năng của thị trường này là rất lớn trong thời gian tới. Đặc biệt, với sự ra đời của Vinfast (thuộc Vingroup) và kế hoạch khai thác chuỗi giá trị ngành ô tô (triển khai từ 2019), chuyên gia phân tích của ACBS cho rằng sản phẩm cho vay mua ô tô sẽ tăng tỷ trọng trong danh mục cho vay của Techcombank trong những năm tới.
Lo ngại rủi ro tập trung và quỹ dự phòng trên nợ xấu
Việc quản trị rủi ro được Techcombank khá chú trọng khi ngân sách dành cho hoạt động này chiếm khoảng 31% tổng ngân sách đầu tư cải tiến công nghệ. Quy trình quản trị rủi ro của Techcombak được chuẩn hóa và chuyên biệt hóa theo từng phân khúc khách hàng. Chất lượng tài sản của Techcombank được cải thiện đáng kể sau khi tất toán xong trái phiếu VAMC và giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2%.
ACBS cho rằng chiến lược phát triển hiện tại của Techcombank khá thành công, đem lại kết quả tăng trưởng ấn tượng, nhưng cũng dấy lên lo ngại về rủi ro tập trung tại Techcombank khi hoạt động kinh doanh của ngân hàng mở rộng và phát triển dựa trên một số ít doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, trong đó có bất động sản được NHNN đánh giá là lĩnh vực rủi ro.
Techcombank cho biết vấn đề rủi ro tập trung của ngân hàng nằm trong tầm kiểm soát và các hệ số phản ánh vấn đề này đều tốt hơn so với yêu cầu của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, mức độ tín nhiệm của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị và khả năng thu hồi tài sản thế chấp của khách hàng có mối liên hệ chặt chẽ với mức độ tín nhiệm/ uy tín của doanh nghiệp “mỏ neo”, do đó đây là vấn đề cần lưu ý với Techcombank.
Ngoài ra, ACBS cũng quan ngại về tỷ lệ quỹ dự phòng trên nợ xấu của Techcombank thấp hơn so với đối thủ cùng thuộc nhóm ngân hàng top đầu và có dấu hiệu giảm nhẹ trong 9 tháng đầu năm 2019. Ngoài ra, ROE suy yếu trong giai đoạn dự phóng về còn 15-16% so với mức đỉnh 28% trước đây có thể gây áp lực lên thị giá cổ phiếu.
Ngọc Bích
Theo Trí thức trẻ