Twitter đã buộc phải xin lỗi sau khi “vô tình” sử dụng thông tin về số điện thoại và email người dùng để làm đối tượng quảng cáo mục tiêu cho các công ty khác.
Ngày 8/10, Twitter cho biết đơn vị đối tác của họ rất có thể đã có truy cập vào dữ liệu người dùng, bất chấp việc người sử dụng Twitter không hề được thông báo về vấn đề này.
Ở thời điểm hiện tại, Twitter không công bố số người có liên quan trong sự cố. Tuy nhiên theo BBC, rất có thể người dùng toàn cầu đều có phần bị ảnh hưởng. Một thống kê từ chính Twtitter chỉ ra rằng họ đang có lượng người dùng hàng ngày lên tới 139 triệu.
Đây là một điều tương đối bất thường bởi Twitter chưa bao giờ thông báo trực tiếp về một sự rắc rối tương tự tới người sử dụng mạng xã hội của mình. Họ cũng không tiết lộ khoảng thời gian chính xác đã phát hiện sự cố. Tuy nhiên công ty cho hay việc để lộ thông tin khách hàng đã xảy ra vào ngày 17/9.
Ngoài ra, Twitter còn cam kết rằng sẽ “không bao giờ sử dụng dữ liệu về email và số điện thoại người dùng vào mục đích quảng cáo”.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại Twitter vẫn chưa tiết lộ chuyện đã làm việc với Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland, nơi đặt trụ sở công ty, hay chưa. Tất cả những gì mạng xã hội này công bố chỉ là sẽ làm việc với những cơ quan chức năng “phù hợp”.
Với việc đạo luật về Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) đã được thông qua, người dùng có thêm quyền lợi khi tham gia mạng xã hội. Cụ thể, một trong 5 quyền của người sử dụng bao gồm “quyền được nhận thông báo”. Điều này có nghĩa rằng bất kì đơn vị nào sử dụng dữ liệu người dùng vào mục đích khác sẽ phải thông báo tới người cung cấp thông tin.
Các đơn vị quảng cáo đã thu thập dữ liệu email một cách độc lập và Twitter có thể đã cho phép họ có thể liên kết tới những tài khoản đăng kí bằng email đó.
Một thực tế trên mạng xã hội là việc các đơn vị quảng cáo luôn tìm ra những đối tượng mục tiêu tiềm năng, những khách hàng có xác suất mua hàng cao, để quảng bá mặt hàng của mình đúng lúc và đúng chỗ.
Công ty xác nhận, những email mà bên thứ ba cung cấp mới hiện đang quyền tiếp cận vào tài khoản liên kết với tài khoản chính, nhằm mục đích bảo mật. Đây là cách thức bảo mật hai lớp, giống như cách nhận tin nhắn sms để xác thực tài khoản ở các mạng xã hội khác.
“Khi các đơn vị quảng cáo cung cấp danh sách đối tượng mục tiêu cần quảng cáo của họ, có thể chúng tôi đã cho phép chúng kết nối với những tài khoản mà người dùng đã đăng kí với mục đích bảo mật. Đây là một sai lầm và chúng tôi muốn nói lời xin lỗi”, Twitter đăng đàn.
Tháng 3/2019, Facebook cũng đã nhận nhiều chỉ trích vì sử dụng số điện thoại và email người dùng cung cấp với mục đích bảo mật và xác thực hai lớp làm đối tượng quảng cáo. Tuy nhiên khác với Twitter, Facebook không coi đây là hành vi sai trái và đương nhiên cũng không xin lỗi.
Tuy nhiên sau đó Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ đã đưa ra phán quyết Facebook nộp phạt 5 tỉ USD và yêu cầu chấm dứt hành vi sử dụng dữ liệu đó vào mục đích quảng cáo.
Theo VNB