Bên cạnh những điều còn lăn tăn nghi hoặc thì doanh nghiệp Việt, kể cả khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự có ý nghĩa truyền cảm hứng.
Chia sẻ về chủ đề doanh nhân Việt diễn ra mới đây, TS. Võ Trí Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) nói: “Chúng ta đã trải qua 32 năm đổi mới và cải cách, va đập, thành công có, sai lầm có, thất bại có của đất nước”.
Theo ông Thành, trong 5 năm trở lại đây, hình ảnh doanh nhân đã có những thay đổi rất ý nghĩa. Rất nhiều doanh nghiệp Việt sau thời gian tích lũy cơ bản đã bắt nhịp với thế giới, đi vào nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới. Đã có những doanh nghiệp lập các viện nghiên cứu về AI, Big Data… kết quả như thế nào thì còn phải chờ nhưng đó là những chuyển biến đáng kể.
“Giá trị doanh nghiệp Việt cũng đã tăng lên, đó là cái giá mà thị trường và công chúng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm, cho doanh nghiệp. Bên cạnh những điều còn lăn tăn nghi hoặc thì doanh nghiệp Việt, kể cả khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự có ý nghĩa truyền cảm hứng”, ông nói.
Dù vậy, vị chuyên gia cũng thừa nhận, có 4 điểm mà doanh nghiệp vừa và nhỏ, start-up, hộ gia đình đang bị cản trở chính là: quyền tài sản, sở hữu; cạnh tranh; tiếp cận các nguồn lực sản xuất về đất, nhân lực xã hội, công nghệ… Và cuối cùng là môi trường kinh doanh, phí tổn cao.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, doanh nghiệp lớn mạnh phải có 4 điều: Thứ nhất là sáng tạo; thứ hai là chi phối được mạng phân phối; thứ ba là thương hiệu toàn cầu; thứ tư là có sức lan tỏa rất lớn.
“Để đạt được 4 yếu tố trên thì có rất ít doanh nghiệp đạt được”, ông bình luận.
Nói riêng về câu chuyện thương hiệu, ông Thành cho rằng, việc xây dựng thương hiệu với doanh nghiệp Việt là cả một quá trình, câu chuyện dài.
“Thứ nhất là quá trình câu chuyện quá khứ hiện tại tương lai, thương hiệu. Một thương hiệu phải có một cái tích hay. Thứ hai, thương hiệu là sáng tạo”, ông nhấn mạnh.
Ông Thành dẫn câu nói của CEO Nokia, “mọi thứ chúng ta đang làm đều đúng cả, thế mà chúng ta vẫn có thể thua cuộc”.
“Trong thế giới đầy biến động, thay đổi nhanh chóng, chúng ta có thể vẫn đang làm đúng nhưng lại là chưa đúng. Chúng ta có thể lụi tàn, cần sáng tạo. Sáng tạo cần thỏa mãn nhu cầu của cuộc cách mạng tiêu dùng hiện nay: xanh, thông minh, nhân văn và cá tính”, ông nói.
Ngoài ra, ông cũng đề cập tới vấn đề con người bởi thương hiệu quan trọng nhất là thương hiệu con người, chúng ta phải xây dựng thương hiệu từ người bảo vệ đến lãnh đạo doanh nghiệp.
Cuối cùng, vấn đề thương hiệu còn được chuyên gia chỉ ra còn là ở cách truyền thông, tự tin nhưng đừng khuếch trương quá đáng; ấn tượng nhưng đừng quá lòe loẹt; tâm linh nhưng đừng bị mê hoặc.
“Sau 3 cụm từ ấy, quan trọng nhất vẫn là chân thành. Tôi mong mỏi, chúc giới doanh nhân: Để doanh nhân ngày càng trở thành từ viết hoa đẹp nhất và kinh doanh trở thành ngành được viết hoa đẹp nhất”, ông nói thêm.
Theo DânTrí