Đánh giá cao về tiềm năng dẫn đầu khu vực trong một số lĩnh vực kinh tế, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp quốc tế, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển bền vững.
Duy trì được mức tăng trưởng cao trên 8%, đồng thời thành công giữ lạm phát dưới mức trần, ổn định tỷ giá là những thành quả trong điều hành chính sách kinh tế của Việt Nam năm 2022, được Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đánh giá cao. Đây cũng là năm các doanh nghiệp Hoa Kỳ đạt được nhiều thành công ấn tượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Báo cáo tại phiên cao cấp Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2023, AmCham đặt kỳ vọng, Việt Nam hoàn toàn có vị thế thuận lợi để tiếp tục duy trì sự thành công đó trong năm 2023, dù thế giới vẫn đang phải đối diện với nguy cơ suy thoái.
Cụ thể, năng suất lao động tăng, tỷ lệ nợ trên GDP có xu hướng giảm và dòng vốn FDI dự kiến tăng mạnh sẽ là những yếu tố giúp Việt Nam ứng phó tốt với những bất ổn chưa có hồi kết. Đồng thời, bối cảnh hiện nay cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp cận và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế trong xu thế tái cơ cấu chuỗi cung ứng cũng như xu thế phát triển bền vững.
Doanh nghiệp châu Âu cũng đặt nhiều niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) dự báo, khi Covid-19 đã được kiểm soát, hiệp định EVFTA đang có hiệu lực, hiệp định EVIPA sớm đi vào thực hiện, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút làn sóng FDI đến từ châu Âu, đặc biệt khi doanh nghiệp châu Âu đang tìm kiếm điểm đến đầu tư an toàn, thịnh vượng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiệp hội Thành viên liên kết lại nhìn nhận cơ hội Việt Nam trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông David Whitehead, thành viên Ban lãnh đạo Auscham, đại diện Hiệp hội Thành viên liên kết, cho biết, doanh nghiệp quốc tế đang nhận thức được rủi ro từ việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc, do đó tích cực tìm kiếm những điểm đến đầu tư thay thế như Việt Nam.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Vương quốc Anh tỏ ra quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực y tế của Việt Nam, cũng là lĩnh vực chứng kiến sự hợp tác sâu rộng giữa doanh nghiệp 2 nước.
Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (Britcham) bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất thuốc tiên tiến cũng như trung tâm nghiên cứu, phát triển (R&D) trong lĩnh vực y tế và khoa học đời sống ở khu vực Đông Nam Á nếu như Việt Nam thực hiện hiệu quả những chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, bao gồm tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với dược phẩm tiên tiến; phát triển y tế số, chuyển giao công nghệ và cơ chế thử nghiệm lâm sàng.
Tăng trưởng xanh cũng là lĩnh vực nhận được sự đánh giá cao từ phía doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt kể từ sau cam kết đầy tham vọng là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP26. Ngay sau đó, những văn bản chính sách liên quan đến giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn đã được triển khai, làm sáng rõ quyết tâm đi đầu của Việt Nam trong xu thế bền vững toàn cầu.
Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng hiệu quả tại Việt Nam thông qua đầu tư tư nhân và ứng dụng công nghệ giảm phát thải. Chính phủ Nhật Bản cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến hỗ trợ Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á nói chung liên quan đến giảm phát thải nhà kính và chuyển dịch năng lượng.
Theo ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham, tăng trưởng xanh sẽ là cách thức hiệu quả nhất để Việt Nam xây dựng nền tảng phát triển vững chắc, đặc biệt khi vị thế Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể bị lung lay trước xu thế biến động khó lường như hiện nay.
EuroCham cũng đang tích cực phối hợp với Chính phủ Việt Nam nhiều sáng kiến nhằm hiện thực hóa mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Để những sáng kiến phát huy hiệu quả, EuroCham cũng như các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài khác kiến nghị Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết nhanh chóng những vướng mắc, thúc đẩy cơ chế đầu tư xanh, kinh tế số và sở hữu trí tuệ.
Theo The Leader