Trần Hoài Phương tốt nghiệp đại học ở Mỹ, nhận bằng thạc sỹ ở Anh, từng làm việc tại Trung Quốc và Singapore.
Trần Hoài Phương tốt nghiệp đại học ở Mỹ, nhận bằng thạc sỹ tại Anh, từng làm việc tại Trung Quốc và Singapore. Khi trở về Việt Nam, cô gia nhập VinaCapital và sau đó trở thành nhân viên đầu tiên của VinaCapital Ventures – quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) của tập đoàn này.
Hoài Phương vừa được bổ nhiệm làm Vice President (Phó giám đốc đầu tư) của Wavemaker Partners – quỹ VC có trụ sở tại Singapore quản lý hơn 300 triệu USD tài sản. Wavemaker Partners thuộc Wavemaker Group – công ty đầu tư mạo hiểm được thành lập năm 2003 với tổng vốn huy động hơn 600 triệu USD. Bên cạnh Singapore, Wavemaker Group còn có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ).
Với vai trò đứng đầu quỹ tại Việt Nam, Hoài Phương đã trực tiếp dẫn dắt các thương vụ rót vốn vào Foodmap, Dat Bike, MindX và Vigo Retail. Cô gái sinh năm 1992 còn quản lý 18 công ty trong danh mục đầu tư của Wavemaker ở Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Singapore và châu Âu, với tổng định giá hàng tỷ USD.
– Hai năm trước, khi biết Wavemaker Partners quan tâm đến thị trường Việt Nam, chị đã tự tiến cử mình với quỹ đầu tư này. Làm thế nào cô gái 28 tuổi thời điểm đó có thể thuyết phục được một quỹ đầu tư lớn?
– Thực tế là những người làm VC ở Việt Nam cũng toàn người trẻ tuổi và năng động. Trong ngành VC thì tuổi trẻ là một lợi thế chứ không phải là điểm yếu vì tuổi trẻ có nhiều đặc tính như sự lăn xả, tò mò và khả năng tiếp thu nhiều kiến thức mới một cách nhanh chóng.
Khi tôi bắt đầu với Wavemaker cũng là từ vị trí chuyên viên đầu tư nên tầm tuổi 28 là hoàn toàn phù hợp. Hơn nữa với một quỹ nước ngoài để bắt đầu việc đầu tư ở Việt Nam thì khá chú trọng việc chọn người có kinh nghiệm, mà lúc đó ở Việt Nam ít người làm ngành này do VC vẫn còn mới. Với những kinh nghiệm làm deal và sự quen biết với nhiều Founder trong ngành, Wavemaker biết là nhận tôi vào thì cũng không cần cầm tay chỉ việc nên việc tuyển dụng diễn ra rất nhanh.
– Tôi được biết ngay cả trước khi trở thành phó giám đốc quỹ và trưởng bộ phận đầu tư tại Việt Nam, chị đã nhận được nhiều “offer” hấp dẫn từ các quỹ đầu tư khác. Điều gì khiến chị quyết định gắn bó với Wavemaker?
– Lý do cũng khá đơn giản là tôi thấy mình hợp với sếp ở đây. Sếp của tôi là người nhân văn và tử tế, đồng thời cũng rất nhạy bén, sắc sảo và nhìn xa trông rộng. Ví dụ trước đây có một công ty với mô hình dùng máy in 3D ra tàu vũ trụ. Ý tưởng lúc đó nghe khá “dị” nhưng sếp vẫn quyết định đầu tư. Và công ty này năm ngoái đã được định giá đến 4,2 tỷ USD.
Một lần khác, sếp thấy một công ty có cơ hội phát triển ở Việt Nam nhưng không nói thẳng ra, chỉ gợi ý một cách nhẹ nhàng và tinh tế vì hiểu rõ tư duy và tính cách của tôi. Sau đó, tôi làm tất cả phần việc còn lại từ kết nối với đối tác Việt Nam đến thương lượng để hai bên bắt tay hợp tác. Lúc đó tôi thấy ngạc nhiên là vì sao sếp có thể chỉ đặt một miếng vụn bánh mà kết quả như sếp dự đoán, không cần chỉ rõ ra vì hiểu được nhân viên sẽ tiếp cận như thế nào.
Khi nhìn lại, tôi thấy mình đã quyết định đúng, ở Wavemaker tôi được phát triển, trao quyền tự quyết và tôi cũng rất yêu quý các đồng nghiệp tại đây.
– Với những chia sẻ ở trên, chị có vẻ là người quyết liệt trong mọi việc và luôn chủ động để theo đuổi đam mê cũng như mục tiêu của mình?
– Tôi là người chủ động và quyết liệt với một số ít việc mà tôi thực sự quan tâm tới, không phải trong mọi việc. Tôi thích làm người xung quanh vui và tôi cũng là người dễ tính, nên đa số mọi việc để cho mọi người quyết định – dĩ hòa vi quý. Nhưng với những mục tiêu và giá trị thực sự quan trọng với mình thì tôi sẽ làm mọi cách để có thể bám sát và thực hiện.
– Một số người chọn nghề trong khi không ít người cho rằng chính nghề đã chọn mình, còn chị thì sao?
– Với tôi thì khởi đầu là nghề chọn mình, vì khi bắt đầu công việc tài chính ở VinaCapital tôi chưa biết VC là gì, được giao việc thì bắt tay vào làm thôi. Tuy nhiên, tôi cũng là người luôn đặt câu hỏi với bản thân rằng mình có thực sự đem lại được giá trị cho công việc mình đang làm không. Và nếu tôi thấy rằng không thì thực sự rất khó để có thể tiếp tục công việc đó.
Trong công việc hiện tại, tôi thấy những thành quả nho nhỏ hàng ngày từ công việc mình làm, đơn giản nhất là việc công ty có vốn chạy, tới những chuyện vui vui xa xa hơn khi thấy giỏ quà tết của Foodmap phủ kín, hay thấy cộng tác viên của Vigo Retail tăng được thu nhập trang trải cuộc sống. Những điều tích cực này là động lực để tôi gắn bó hơn với nghề VC.
Vì vậy, với tôi là nghề chọn người, nhưng sau đó lại là người chọn nghề, vì mình yêu và cố gắng hết sức với công việc mình làm thì đường đi mới bền vững được.
– Theo chị, người làm VC cần những phẩm chất hoặc tính cách gì?
– Tôi nghĩ có 2 tính cách người làm VC cần. Thứ nhất là tò mò với mọi việc và con người xung quanh để tìm cơ hội, hiểu từng ngành mình tham gia và hiểu được mọi người mình làm việc cùng. Làm VC là làm nhà đầu tư tài chính vào rất nhiều ngành mới mẻ và đa dạng. Mình chỉ có thể hiểu được một cách tổng quát về từng ngành mình quan tâm chứ không bao giờ đạt được mức hiểu sâu như các Founder trong ngành đó. Vì vậy, chúng tôi cần giữ sự tò mò để tiếp nhận kiến thức và tìm cơ hội trong cuộc sống hàng ngày.
Thứ hai là sự lăn xả. Mọi việc trong VC xảy ra nhờ sự nỗ lực tìm kiếm cơ hội và triển khai, nên người làm VC nên có tâm lý “get it done” trong mọi việc nếu đã xác định được đó là việc nên làm. Có rất nhiều cách để lăn xả: từ việc tiếp cận công ty mình quan tâm cho đến làm “bà mối” cho startup với các nhà đầu tư mới… Chọn công ty đúng để đầu tư sẽ là bước đầu và việc quan trọng không kém là đem lại giá trị phù hợp cho mỗi nhà sáng lập sau khi đầu tư.
– Nhìn lại quá trình từ khi bước chân vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm đến nay, chị thấy mình đã học được những gì và trưởng thành như thế nào?
– Tôi thấy mình đang dần dần học được tính kiên nhẫn và đồng cảm. Và đó mới chỉ là bước khởi đầu thôi, tôi còn cần học hai đức tính này rất nhiều. Là nhà đầu tư tài chính, rất dễ dẫn tới việc nghĩ mình có tầm quan trọng hơn mình thực sự có, vì Founder thường là người tìm tới để gọi vốn và mình là người được đóng góp lớn trong việc ra quyết định của quỹ.
Sẽ rất dễ để nhà đầu tư tài chính đặt những câu hỏi: tại sao nó không được thế này, tại sao lại không đạt cột mốc như thế kia… gây áp lực lên Founder, vì chúng ta không phải là người thực sự phải lèo lái và triển khai.
Tôi đã trải qua những tình huống như thế này rất nhiều và trong hiện tại với tương lai nó sẽ vẫn tiếp tục xảy ra. Mỗi startup đều sẽ gặp rất nhiều vấn đề và không bao giờ các vấn đề dừng lại. Vì vậy, với tư cách nhà đầu tư, hai đức tính nên rèn giũa là kiên nhẫn và đồng cảm để hiểu và hỗ trợ các Founder tốt hơn.
– Là một nhà quản lý trẻ, chị có gặp khó khăn trong quá trình đàm phán hoặc làm việc với các startup?
– Các Founder cũng thường khá trẻ và năng động, nên trong quá trình đàm phán, các bên thường dễ hiểu nhau và đạt tới sự đồng thuận. Hơn nữa đàm phán nào cũng cần win-win cho cả hai bên nên cứ thẳng thắn, thật lòng và thông cảm thì việc đạt tới thỏa thuận sẽ dễ dàng hơn, làm tiền đề cho một mối quan hệ tin tưởng để làm việc hỗ trợ nhau lâu dài.
– Bên cạnh việc dẫn dắt các thương vụ đầu tư tại Việt Nam, chị còn quản lý 18 công ty trong danh mục đầu tư của Wavemaker. Cụ thể công việc quản lý của chị là gì?
– Công việc của tôi khi quản lý các công ty thì rất đa dạng, nhưng việc đơn giản nhất là quản lý thông tin về việc đã đầu tư qua các vòng với các số tiền và tỷ lệ sở hữu như thế nào, giấy tờ liên quan và hỗ trợ các công việc kiểm toán, quản lý sổ sách. Đi xa hơn nữa về việc hỗ trợ vận hành thì tôi hoàn toàn linh hoạt theo nhu cầu của mỗi Founder và công ty ở từng thời điểm.
Có những Founder thì cần giúp việc tuyển dụng, có những Founder cần giúp những việc liên quan tới gọi vốn như làm thuyết trình, xây dựng mô hình tài chính hay kết nối các nhà đầu tư vòng sau phù hợp. Có những lúc mình tự nghĩ ra việc có thể đem lại giá trị cho Founder khi mà họ còn chưa nghĩ tới. Ví dụ giúp một công ty công nghệ kết nối và hợp tác với một công ty truyền thống rất phù hợp, đem lại giá trị cho cả hai bên.
Có những Founder thích nhà đầu tư lăn xả nhưng cũng có những Founder lại thích được tự làm việc, cần gì thì sẽ nhắn. Quan trọng là mình phải hiểu và tin tưởng người Founder mình đã chọn để theo đuổi cơ chế hỗ trợ phù hợp nhất với họ.
– Có cơ hội tiếp xúc và làm việc với startup ở nhiều nước trên thế giới, chị thấy sự khác biệt giữa startup Việt và các công ty khởi nghiệp của nước ngoài là gì?
– Tôi thấy sự khác biệt lớn nhất là các Founder của Việt Nam chưa tiếp xúc quá nhiều với các quỹ và việc gọi vốn đầu tư như một số nước khác trong khu vực, chẳng hạn Singapore và Indonesia. Điều này dẫn đến việc họ chưa thực sự thành thạo việc đàm phán những quyền lợi và trách nhiệm của mình khi nhận đầu tư từ quỹ.
Những kiến thức và kỹ năng này chỉ có thể được phát triển bởi sự cọ sát và thời gian. Thêm nữa, việc xuất hiện của các vườn ươm chuyên nghiệp trên thị trường cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các Founder hiểu rõ việc gọi vốn, chọn nhà đầu tư phù hợp và đạt được một thỏa thuận có lợi nhất cho startup của mình.
– Việt Nam có VNG là một trong những kỳ lân sớm nhất Đông Nam Á, thế nhưng trong khi số startup tỷ USD của khu vực đã tăng mạnh thời gian qua thì hiện Việt Nam mới chỉ có 3 startup được công nhận là kỳ lân. Theo chị, đâu là lý do Việt Nam vẫn còn ít startup có định giá tỷ USD?
– Tuy mới chỉ có 3 kỳ lân, nhưng Việt Nam đã xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á chỉ sau Indonesia và Singapore. Việt Nam cũng có 2 công ty rất lớn trong mảng e-wallet/fintech là Momo – đã là kỳ lân và e-commerce là Tiki – sắp thành kỳ lân. Vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam không hề tụt hậu nhiều trong khu vực trong phương diện công nghệ.
Việt Nam chưa có nhiều kỳ lân bằng hai nước kia đơn giản là do Việt Nam phát triển sau. Thêm nữa còn nhiều yếu tố như Việt Nam mở cửa kinh tế sau dẫn đến việc cần thời gian để các nhà đầu tư tham gia thị trường nội, kéo theo dòng chảy vốn mạnh và mở rộng sân chơi, thanh khoản cũng như kỳ vọng tương lai cho các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.
– Việt Nam đặt mục tiêu có 10 kỳ lân vào năm 2030, theo chị mục tiêu này có khả thi? Những lĩnh vực nào có thể tạo ra kỳ lân trong thời gian tới cho Việt Nam?
– Như tôi đã nêu ra những lý do mà Việt Nam có ít kỳ lân hơn Singapore và Indonesia, tôi rất kỳ vọng vào việc Việt Nam còn có thể có nhiều hơn 10 kỳ lân vào năm 2030. Chúng ta bắt đầu chậm nhưng có thể con đường phía trước sẽ nhanh và bền vững sau khởi đầu đó. Tôi tin chắc như vậy vì có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho các startup Việt Nam đẩy nhanh sự phát triển trong thời kỳ hiện tại.
Thứ nhất là Việt Nam có một tầng lớp trung lưu lớn với 30 triệu người – một trong những con số lớn nhất khu vực, với thu nhập khả dụng và nhu cầu tối ưu chất lượng cuộc sống tăng bền vững.
Bên cạnh đó, sự bình ổn về chính trị và cơ sở hạ tầng công cộng chất lượng khá đang được cải thiện. Một lợi thế nữa là sự thâm nhập cao của điện thoại thông minh và cơ sở hạ tầng internet tiên tiến 4G & 5G.
Đồng thời, ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề nhức nhối trong cuộc sống hàng ngày của người dân có thể được giải quyết bằng công nghệ. Với việc Singapore và Indonesia đã rất phát triển và dư địa tăng trưởng chỉ còn hạn chế, tôi cho rằng ở Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về mức độ hấp dẫn trong mắt các quỹ đầu tư mạo hiểm về tiềm năng xuất hiện kỳ lân.
– Ngoài công việc tại VC, hiện chị có đầu tư vào các kênh khác?
– Tôi có đầu tư chứng khoán, bất động sản các vùng ven và vẫn đầu tư vào startup với tư cách cá nhân. Điều tuyệt vời ở Wavemaker Partners là sếp rất “welcome” việc tôi đầu tư cùng quỹ vào những công ty mình tiến cử.
– So với việc đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản, đầu tư vào startup sẽ cần nhiều thời gian hơn để thu được lợi nhuận. Điều gì khiến chị hứng thú với kênh đầu tư này và chị đang chia danh mục của mình như thế nào?
– Tôi chia tầm 50% đầu tư chứng khoán, 30% vào bất động sản và 20% vào các công ty startup. Tôi đầu tư cùng quỹ luôn nên định giá không còn rẻ. Tuy nhiên, tôi vẫn rất hứng thú vì cảm giác có mối liên quan mật thiết hơn với công ty và Founder. Tuy số tiền có thể không nhiều nhưng chứng tỏ niềm tin của chuyên viên dẫn dắt deal và giúp mình có một mối liên quan mật thiết hơn với công ty.
Hơn nữa, lỡ sau này có nghỉ việc tại Wavemaker thì tôi vẫn là cổ đông tại những công ty mà mình rất yêu mến, gắn bó và cùng đi chung một quãng đường với nhau.
– Cảm ơn chị.
Theo Cafef.vn