Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Trà sữa Hong Kong: Từ đồ uống ngoại nhập đến biểu tượng bản sắc văn hóa

Ở Hong Kong, trà sữa có mặt ở khắp mọi nơi.Người dân Hong Kong uống khoảng 2,5 triệu ly trà sữa mỗi năm – đủ lấp đầy 8,5 hồ bơi tiêu chuẩn Olympic.

Tuy sữa trong trà không phải điều gì mới, trà sữa phiên bản Hong Kong lại đặc biệt độc đáo. Đó là hỗn hợp trà từ lá trà đen được oxy hóa và sữa đặc với tỷ lệ chung là 70 – 30. Trà được đun sôi và lọc nhiều lần qua vải lọc, hay còn gọi là “kéo trà”. Những người đam mê trà sữa cho biết tốc độ và độ cao mà trà được kéo là yếu tố quyết định chất lượng của loại đồ uống này.

Tất cả các loại trà (xanh, đen, trắng, ô long…) đều đến từ một loại cây, Camellia sinensis. Mặc dù trà có nguồn gốc từ Trung Quốc, trà sữa Hong Kong lại xuất phát từ Sri Lanka, do ảnh hưởng của Anh từ thời thuộc địa.

Trà Ceylon, khi Sri Lanka còn là thuộc địa của Vương quốc Anh, thường gồm các loại lá có nguồn gốc từ nhiều trang trại trong cả nước. Lá thường được nghiền nhỏ trong các túi trà. Đây là một cách tiếp cận hoàn toàn khác với trà truyền thống của Trung Quốc, đề cao tính toàn vẹn của lá trà từ một nguồn gốc duy nhất và không có túi trà đi kèm.

Robert Godden, người sở hữu The Devotea, một công ty pha chế trà của Mỹ, cho biết sự phổ biến của trà nghiền nhỏ bên ngoài Trung Quốc đến từ nhu cầu giữ gìn tính thống nhất của trà khi xuất khẩu sang phương Tây.

“Nếu một thùng trà không được vận chuyển tốt, bạn có thể trộn lẫn với một thùng trà đạt tiêu chuẩn và bán với giá cao. Người Anh đòi hỏi sự nhất quán và cùng một hương vị hàng năm”, Godden nói. “Lợi ích của việc pha trộn là bạn có thể thay đổi các tỷ lệ để mang lại sự nhất quán đó”.

Tuy nhiên, nhược điểm của trà túi lọc là khi pha, vụn trà trong túi lan ra nhanh hơn do diện tích bề mặt tăng lên. Tốc độ chiết cao dẫn đến việc giải phóng tannin nhanh hơn và dễ bị oxy hóa hơn, làm ảnh hưởng đến chất lượng của trà.

Một số nhà cung cấp địa phương như Kampery nói rằng hương vị đậm đà từ trà túi lọc rất quan trọng đối với trà sữa và không thể tách rời. Công ty cung cấp 1/4 trà tại thị trường Hong Kong, khách hàng của họ gồm cả các thương hiệu nổi tiếng như Tsui Wah và Tai Hing.

Hỗn hợp trong túi trà mà Kampery cung cấp gồm lá pekoe cam, vụn và bụi trà. Pekoe cam là trà đen loại trung bình. Vụn trà là những mảnh trà nhỏ hơn còn sót lại và bụi trà thậm chí còn nhỏ hơn.

Để pha một cốc trà đúng vị, túi trà được đun sôi trong một ấm trà cao, được lọc nhiều lần và sau pha cùng sữa đặc – không phải sữa tươi.

Sữa không phổ biến trong ẩm thực truyền thống Trung Quốc, cũng không phải là nguyên liệu thường thấy. Một số nghiên cứu thậm chí đã chỉ ra rằng khoảng 90% người Trung Quốc là người kém hấp thu đường sữa.

Sự xuất hiện của sữa ở Hong Kong bắt nguồn từ nhu cầu của phương Tây. Do không có ngành công nghiệp sữa ở Trung Quốc, sữa đặc được dùng thay thế vì khó bị hỏng hơn khi vận chuyển đường dài. Theo Nestlé, Vương quốc Anh và các thuộc địa thời đó có nhu cầu sữa đặc cao nhất trên thế giới.

“Việc sử dụng sữa đặc ban đầu là một hình thức thay thế vì sữa tươi quá đắt và khó tìm đối với người bình dân”, Selina Chan, giáo sư xã hội học tại Đại học Hong Kong Shue Yan cho biết. “Nhưng nhờ vậy mà trà sữa Hong Kong có hương vị mịn, kem và đậm đà, khắc hẳn với vị nhẹ, loãng của trà sữa Anh”.

Người dân Hong Kong uống khoảng 2,5 triệu ly trà sữa mỗi năm. Ảnh: SCMP.

Ngày nay, trà sữa là niềm tự hào của Hong Kong. Năm 2017, trà sữa được công bố là một “di sản văn hóa phi vật thể”. Trong danh sách dài những thứ được nhà chức trách cam kết bảo vệ, trà sữa là một trong ba mặt hàng thực phẩm được ghi danh.

Chan đề cập đến việc Anh trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, giai đoạn người Hong Kong phải xác định bản sắc riêng.

“Vào thời gian này, cha chaan teng (cà phê) và trà sữa được đem ra thảo luận rộng rãi. Chúng đã giúp người dân địa phương xây dựng bản sắc và tìm ra nét riêng”, cô nói.

Ngày nay, có cả các cuộc thi dành riêng cho trà sữa. Trà sữa đã trở thành nghệ thuật. Loại đồ uống có nguồn gốc từ nước ngoài nay đã trở thành biểu tượng của văn hóa địa phương.

Theo Minh Ngọc

NDH