Trong số 10 sàn thương mại điện tử có tổng số lượt truy cập website cao nhất tại thị trường Đông Nam Á 6 tháng đầu năm 2019, có tới 5 là của các doanh nghiệp Việt Nam – gồm Tiki, Sendo, Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và FPT Shop.
Ngoài 5 thương hiệu Việt trên, báo cáo tổng kết thị trường thương mại điện tử tại 6 nước thị trường Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2019 vừa được iPrice – cổng thương mại điện tử ở 7 thị trường khu vực ASEAN công bố, 5 cái tên còn lại trong top 10 website thương mại điện tử Đông Nam Á là hai “ông lớn” Lazada và Shopee cùng 3 start-up kỳ lân đến từ Indonesia là Tokopedia, Bukalapak và Blibli.
Theo bản báo cáo, tuy đang xếp ở nửa dưới của top 10, nhưng chỉ riêng việc các công ty Việt Nam chiếm một nửa trong top 10 đã đủ minh chứng cho tiềm năng của các công ty nội địa lẫn kích cỡ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Google vào năm 2018 đã dự báo thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng 43% – cao nhất khu vực.
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng lưu lượng truy cập vào website của Tiki đã tăng đến 69% chỉ trong vòng một năm để từ gần 20 triệu lượt truy cập/ tháng tăng lên đến 33,7 triệu, xếp thứ 6 Đông Nam Á. Tính riêng thị trường trong nước, Tiki cũng nhảy từ vị trí thứ tư toàn quốc lên Top 2 về lượng truy cập, xếp trên Lazada Việt Nam.
Với sàn thương mại điện tử Sendo, iPrice đánh giá, những tín hiện phát triển mạnh của đơn vị này mới bắt đầu xuất hiện gần đây, đặc biệt là trong quý 2 năm nay khi lượng truy cập website của Sendo tăng 10%. Trong bối cảnh mà các công ty đối thủ trong top đầu bao gồm Tiki, Lazada Việt Nam và Shopee Việt Nam đều có sự suy giảm về lượng truy cập trong quý 2 thì Sendo nghiễm nhiên trở thành một cái tên nổi bật.
Sàn Sendo đã đạt hơn 28 triệu lượt truy cập website hàng tháng trong quý 2/2019 và lần đầu tiên có mặt trong top 4 toàn quốc. Sendo nay cũng chỉ còn kém Lazada Việt Nam gần 300.000 lượt truy cập/ tháng. Cách đây một năm, khoảng cách này từng lên đến 16 triệu lượt/ tháng.
Trong khi Tiki tập trung vào phân khúc khách hàng trẻ thì Sendo vẫn đang trung thành với phân khúc khách hàng tỉnh lẻ của mình. Hiện tại, theo thông tin do Sendo cung cấp, có 2/3 lượng khách hàng của sàn đến từ các khu vực thành phố cấp 2 và xa hơn.
Các chiến lược đang giúp Sendo tiến vào thị trường tỉnh lẻ bao gồm tập trung phát triển lực lượng người bán là doanh nghiệp vừa và nhỏ với khả năng cung ứng hàng hóa đa dạng đồng thời đẩy mạnh ứng dụng di động nhằm tận dụng thói quen sử dụng smartphone của khách hàng thuộc phân khúc này.
Báo cáo cũng cho biết, lưu lượng truy cập vào top 10 website thương mại điện tử tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này cho thấy website vẫn đang đóng vai trò quan trọng cho thương mại điện tử tại Việt Nam, mặc dù có sự cạnh tranh đáng kể từ các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng di động.
Việt Nam cũng là một trong hai nước (cùng với Indonesia) có sự tăng trưởng về lượng truy cập website thương mại điện tử, trong khi 4 quốc gia còn lại là Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines đều cho thấy sự sụt giảm rõ rệt về mảng này.
Báo cáo cho rằng, một phần nguyên nhân là do thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có tính cạnh tranh cao hơn các quốc gia khác. Và Việt Nam có nhiều công ty thương mại điện tử top đầu có tiềm lực tài chính mạnh và giữ khoảng cách không quá xa nhau.
Thủy Diệu
Theo VnEconomy