Trong 9 tháng đầu năm nay, Tp.HCM tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm mạnh về nguồn cung căn hộ do tác động của các dự án hạ tầng giao thông bị chậm tiến độ…
Thị trường bất động sản đang ở cuối chu kỳ tăng trưởng, tuy nhiên nếu doanh nghiệp có cách tiếp cận thị trường một cách thông minh bằng những công cụ tối ưu thì cơ hội giữ được đà phát triển là rất lớn.
Chia sẻ bên lề một hội nghị bất động sản do Forbes Việt Nam tổ chức mới đây, ông Wyeren Yap Vooi Soon, Tổng giám đốc Gamuda Land Tp.HCM cho rằng, thị trường ở cuối chu kỳ và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên doanh nghiệp cần lựa chọn cách tiếp cận đúng đắn nhất “lội ngược dòng” để giúp doanh nghiệp thành công. Hơn hết, ở vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, cần phải tỉnh táo để lập được một kế hoạch bài bản dựa trên những giá trị mình theo đuổi.
Chủ động với khó khăn
Trong 9 tháng đầu năm nay, Tp.HCM tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm mạnh về nguồn cung căn hộ do tác động của các dự án hạ tầng giao thông bị chậm tiến độ và nhiều thay đổi trong luật đất đai khiến nhà đầu tư e dè.
Nguồn cung dự án mới trên thị trường vô cùng hạn chế kèm theo quỹ đất sạch ở trung tâm vô cùng khan hiếm để phát triển dự án. Đây là những khó khăn mang tính thời điểm và đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động và có phương án tối ưu để duy trì tăng trưởng.
Ông Wyeren Yap Vooi Soon cho rằng, trong bối cảnh sụt giảm nguồn cung hiện nay các dự án phát triển không thành công là do tính pháp lý không đảm bảo trong thời gian qua, nên doanh nghiệp cần phải lường trước để tránh bị động, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Các tiêu chuẩn tìm kiếm dự án của các nhà đầu tư nước ngoài như Gamuda Land luôn đề cao tính minh bạch trong hợp tác với các đối tác và các điều kiện pháp lý của dự án.
“Chúng tôi vẫn luôn ưu tiên chọn các đối tác trong nước là những công ty đang nắm nhiều quỹ đất sạch nằm tại các vị trí tốt tuỳ theo các phân khúc và các tiêu chí phát triển khác nhau. Tính pháp lý của dự án bao gồm quyền sở hữu, pháp nhân sở hữu, các loại giấy phép hoặc quy trình xin cấp phép đầu tư, giấy phép xây dựng, quy hoạch phát triển dự án… đã có sẵn hoặc phải có tiến độ rõ ràng để giảm thiểu tối đa thời gian triển khai”, ông Wyeren Yap chia sẻ.
Thủ tục pháp lý kéo dài chắc chắn sẽ khiến chi phí tăng thêm, tăng khả năng làm lỡ mất cơ hội đón đầu nhu cầu của thị trường và ảnh hưởng tới tiến độ phát triển của dự án. Kèm theo đó là quy hoạch nguồn lực không được hiệu quả và nhiều chi phí đã chi trả nhưng không còn cần thiết do thủ tục pháp lý kéo dài.
“Khi đối diện với những vấn đề khó khăn nêu trên, chúng tôi luôn có các kế hoạch dự trù nhằm mang đến sự an tâm cho khách hàng. Tuy nhiên cũng có nhiều thủ tục, quy trình pháp lý bị thay đổi hoặc không có hướng dẫn rõ ràng và không nằm trong tầm kiểm soát doanh nghiệp. Đây là rủi ro khá hiện hữu và khó tránh nều doanh nghiệp không chủ động với những kế hoạch của mình”, nhà đầu tư đến từ Malaysia cho hay.
Định vị đúng khách hàng và sản phẩm
Việc chủ động trước khó khăn chỉ là điều kiện cần để doanh nghiệp không lún sâu vào khủng hoảng theo đà sụt giảm của thị trường. Nhưng yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp “lội ngược dòng” tăng trưởng là định vị đúng sản phẩm, và cách tiếp cận thị trường một cách thông minh.
Thông thường tâm lý khách hàng hay thậm chí nhiều chuyên gia hay nhìn nhận chi phí vốn của các nhà đầu tư nước ngoài khá thấp nhưng sản phẩm của nhà đầu tư nước ngoài có mức giá bán cao. Việc tiếp cận sản phẩm với giá phải chăng là tương đối khó.
Lý giải điều này Tổng giám đốc Gamuda Land Tp.HCMcho rằng chi phí vốn hoặc lãi suất vốn vay ở các thị trường nước ngoài nếu so với Việt Nam tuy có thấp hơn. Tuy nhiên bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào, khi đầu tư vào Việt Nam sẽ chịu rủi ro của sự dao động tiền tệ và các chi phí tài chính khác. Vì vậy chi phí vốn của nhà đầu tư nước ngoài còn phải cộng thêm tỷ lệ chênh lệch tỷ giá qua từng giai đoạn khác nhau.
Trong khi đó, giá bán sản phẩm sẽ là sự cấu thành từ rất nhiều yếu tố chi phí bao gồm phí đất, xây dựng phát triển, vận hành kinh doanh, chi phí tài chính,…. Ngoài ra giá bán sẽ tương đồng với chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và khả năng sinh lời mà dự án mang lại cho chủ sở hữu và nhà đầu tư.
“Theo tôi, giá bán chỉ là một yếu tố, trong khi có rất nhiều yếu tố quan trọng khác dẫn đến quyết định đầu tư. Cụ thể như chất lượng xây dựng bền vững, trong môi trường cảnh quan với nhiều mảng xanh, gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường, định vị đúng và đặt nhu cầu của khách hàng lên trên hết”, ông Wyeren Yap nhận định.
Thực tế, các con số thống kê cũng cho thấy năm 2019 có sự tăng trưởng mạnh tại phân khúc nhà ở cao cấp và bất động sản công nghiệp do nhu cầu dịch chuyển nhà máy từ nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, bất động sản nhà ở tầm trung vẫn là phân khúc có sự tăng trưởng bền vững do nhu cầu vẫn đang rất cao. Về mặt vị trí các dự án nhà ở cũng đang có xu hướng dịch chuyển ra vùng ven, xa khu vực trung tâm.
Đánh giá khá lạc quan về thị trường trong thời gian tới đại diện Gamuda Lan cũng cho rằng thị trường bất động sản không xảy ra tình trạng bong bóng như những lo ngại trước đó và năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm sôi động và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Theo VnEconomy