Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Tiền gửi không kỳ hạn hồi phục

Tiền gửi khách hàng tăng 4% trong 6 tháng, cải thiện so với mức 1% cuối quý I nhưng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Thống kê của Người Đồng Hành với 25 ngân hàng, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 4% so với đầu năm, thấp hơn mức khoảng 6% nửa đầu năm trước. Tăng trưởng huy động thấp hơn cùng kỳ một phần do ảnh hưởng của mức tăng thấp của tín dụng trong nửa đầu năm và thanh khoản liên ngân hàng dư thừa.

Tính đến cuối tháng 7, tín dụng chỉ tăng 3,45%, thấp hơn mức 7,13% trong cùng kỳ. Dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế khiến nhu cầu vay của người dân và doanh nghiệp giảm, đồng thời các nhà băng cũng thắt chặt hơn việc giải ngân nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh. 

Những đơn vị tăng trưởng tiền gửi mạnh nhất gồm HDBank hơn 19% và NamABank 17%. VietBank, VPBank, BacABank, PGBank… dao động quanh 10%. 3 ngân hàng trong nhóm Big4 ghi nhận mức tăng tiền gửi thấp, BIDV chỉ 1,6%, VietinBank 2,3% và Vietcombank 5,7%…

Tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng, %.

Ở chiều ngược lại, 3 nhà băng ghi nhận tiền gửi khách hàng thấp hơn đầu năm. Eximbank giảm gần 11%, MB 5,6%, SCB giảm nhẹ. 

Ông Lưu Trung Thái, CEO MB, từng cho biết việc giảm huy động nằm trong kế hoạch của ban lãnh đạo. Ngân hàng không khó khăn trong việc thu hút tiền gửi. Hệ thống ngân hàng dư tiền cũng tác động khiến mặt bằng lãi suất trên thị trường liên tục giảm từ đầu năm với tốc độ nhanh hơn từ tháng 8.

Lãi suất tiền gửi đã giảm 70-90 điểm cơ bản ở kỳ hạn dưới 12 tháng và giảm khoảng 100 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 1 năm so với mức bình quân năm 2019. Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng cũng ở vùng thấp nhất lịch sử dao động 0,3-0,39%.

CASA nhiều ngân hàng tăng trở lại trong quý II

Đến cuối tháng 6, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) 25 ngân hàng đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Cuối quý I, CASA giảm 11%. Điều này cho thấy quý II, CASA đã tăng trở lại.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối quý II, riêng tiền gửi thanh toán của cá nhân tại các ngân hàng đạt 532.809 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm cuối tháng 3 và cao hơn 5% so với đầu năm.

3 ngân hàng nhóm Big4 dẫn đầu hồi phục. Vietcombank là đơn vị tăng trưởng lớn nhất CASA trong quý II, với hơn 16.121 tỷ đồng, tương đương 6,6%. Theo sau, VietinBank tăng hơn 15.406 tỷ đồng, tăng 12%. BIDV cao hơn 14.737 tỷ đồng, tương đương 9%.

CASA tại các ngân hàng cuối quý II. Đơn vị: tỷ đồng, %.

MB, Techcombank, ACB, Sacombank… CASA tăng 6.000-9.000 tỷ đồng, cao hơn 13-16% so với thời điểm cuối quý I. Nhóm dưới gồm Kienlongbank, BacABank, SaigonBank, CASA chỉ tăng 120-200 tỷ đồng. SeABank là ngân hàng duy nhất ghi nhận giảm tiền gửi không kỳ hạn trong quý II hơn 852 tỷ đồng, tương đương giảm 9%.

Cuối quý I, chỉ 3 ngân hàng ghi nhận CASA tăng trưởng là MSB, HDBank và ABBank dao động 1-5%, trong khi hơn 20 nhà băng còn lại đều giảm với mức dao động 5-41%.

Hiện nay, MB và Techcombank là ngân hàng có CASA lớn nhất hệ thống, cùng chiếm 33% tiền gửi khách hàng. Những nhà băng tiếp theo là Vietcombank với 28%, MSB 20%…

Các ngân hàng đều muốn tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn để giảm chi phí vốn. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh ngành ngân hàng đang gián tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và lãi suất tiền gửi liên tục giảm.

Tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích, lãnh đạo VPBank từng chia sẻ ngân hàng sẽ tích cực giảm chi phí vốn bằng cách tăng CASA và giảm lãi suất với tiền gửi khách hàng theo xu hướng của thị trường.

Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm chỉ đạo về tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới trong nửa cuối năm 2020. 

Trâm Anh

Theo NDH