Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Tiền điện tử Libra của Facebook có thể làm rung chuyển hệ thống tài chính thế giới

Facebook vừa giới thiệu tiền điện tử Libra cho phép hàng tỷ người dùng thực hiện các giao dịch tài chính trên phạm vi toàn cầu, động thái có thể làm rung chuyển hệ thống ngân hàng thế giới.

Libra được mô tả như một phương tiện giúp kết nối những người không được tiếp cận với mô hình ngân hàng truyền thống. Với hơn 2,4 tỷ người dùng Facebook mỗi tháng, Libra có khả năng thay đổi cục diện tài chính, nhưng sẽ phải chịu giám sát chặt chẽ khi Facebook liên tục vướng vào những bê bối về quyền riêng tư.

Đây cũng có thể là dấu hiệu đáng mừng với lợi nhuận của Facebook: giới phân tích cho rằng Libra có thể mang lại nguồn thu khổng lồ, trong bối cảnh tăng trưởng của Facebook đang chững lại.

Công nghệ cho phép giao dịch bằng Libra sẽ xuất hiện dưới dạng ứng dụng độc lập – tương tự WhatsApp và Facebook Messenger – vào năm 2020. Qua đó người dùng có thể gửi tiền cho nhau hoặc thanh toán hàng hóa và dịch vụ thông qua đồng tiền của Facebook thay vì tiền địa phương.

Trong bối cảnh công ty đang phải hứng chịu vô số chỉ trích về vi phạm quyền riêng tư, bước đi này đã thu hút sự chú ý từ các cơ quan quản lý tài chính và những người ủng hộ quyền riêng tư trên toàn thế giới. Facebook có nguy cơ đối mặt với khoản tiền phạt 5 tỷ USD từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ. Cơ quan này đã mở một cuộc điều tra sau khi các tiết lộ của Cambridge Analytica được đăng trên Guardian và Observer.

Các nhà chức trách Mỹ và Anh bày tỏ lo ngại trước kế hoạch lấn sân sang mảng tài chính của Facebook. Vào tháng 5, các thành viên của Ủy ban Thượng viện Mỹ về Ngân hàng, Nhà ở và Các vấn đề đô thị đã viết thư cho Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, yêu cầu anh trả lời các câu hỏi liên quan đến quyền riêng tư và các quy định tài chính.

“Điều quan trọng là hiểu được làm thế nào các nền tảng xã hội lớn sử dụng dữ liệu có sẵn theo những cách có ảnh hưởng lớn tới đời sống tài chính của người tiêu dùng”, nội dung thư viết. “Quan trọng nữa là hiểu được cách các nền tảng xã hội lớn sử dụng dữ liệu tài chính để lập hồ sơ và nhắm đến khách hàng”.

Facebook khẳng định hệ thống Libra sẽ giúp hàng triệu người không có tài khoản ngân hàng tiếp cận với dịch vụ tài chính thông qua điện thoại di động, và gửi tiền một cách nhanh chóng hơn.

Trong khi Facebook thiết lập đồng tiền ảo, các quyết định liên quan đến vận hành nền tảng Libra sẽ được thực hiện bởi Hiệp hội Libra, một nhóm gồm các công ty tài chính phi lợi nhuận và công ty thương mại. Để gia nhập, mỗi công ty đã đóng góp ít nhất 10 triệu USD, mang lại cho liên doanh hơn 1 tỷ USD.

Các công ty tham gia bao gồm MasterCard, PayPal, Coinbase và eBay. Cùng gia nhập Hiệp hội Libra còn có các công ty khởi nghiệp Uber và Lyft, tổ chức tài chính phi lợi nhuận Women’s World Banking, nền tảng cho vay vi mô Kiva và nhóm hỗ trợ nhân đạo Mercy Corp. Trụ sở của hiệp hội sẽ đặt tại Geneva, Thụy Sĩ.

Trong văn bản nêu sơ bộ cách thức hoạt động của Libra, Facebook cho biết mục tiêu của họ là tăng cường tiếp cận với “các dịch vụ tài chính mở, tốt hơn và rẻ hơn”. Không giống Bitcoin và các đồng tiền ảo khác, Libra được gắn với tổ hợp tài sản toàn cầu để hạn chế mức độ biến động thường thấy trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Facebook xây dựng Libra dựa trên công nghệ blockchain riêng – công nghệ mã hóa được dùng cho Bitcoin và các loại tiền điện tử khác – để tiếp cận với nhiều người dùng nhanh hơn.

Thông thường với tiền điện tử, hệ thống có thể được sử dụng và bảo mật bởi bất kỳ ai có kết nối máy tính. Nhưng trong giai đoạn đầu, blockchain của Libra sẽ đóng, và chỉ có một số người được phép vận hành phần mềm điều hành hệ thống và xác minh các giao dịch.

Facebook đã âm thầm cho nhân viên làm việc với các cựu giám đốc điều hành của PayPay và chuyên gia tiền điện tử trong nhiều năm, và việc công ty này tiến vào thế giới tiền ảo có nguy cơ xáo trộn các tổ chức ngân hàng truyền thống.

Facebook cho biết mục tiêu của họ là hỗ trợ các ngân hàng và cho phép người dùng điện thoại nhưng không có tài khoản ngân hàng được hưởng các dịch vụ tương ứng, lấy dẫn chứng là sự hợp tác với Women’s World Banking và các tổ chức phi lợi nhuận khác.


Facebook gần đây vướng vào một số bê bối liên quan đến quyền riêng tư. Ảnh: AP.

Facebook gần đây vướng vào một số bê bối liên quan đến quyền riêng tư. Ảnh: AP.

“Các nhóm này sẽ giúp chúng ta mở rộng ảnh hưởng tài chính – về lâu dài dự án này sẽ được coi như một tiện ích tài chính”, Kevin Weel, phó chủ tịch sản phẩm tại Facebook cho biết. “Nó không được tạo ra với mục đích thay thế các ngân hàng trung ương lớn”.

Nền tảng này sẽ ra mắt vào năm 2020 với mục tiêu người dùng có thể chuyển tiền trong cùng năm. Những người ủng hộ tiền điện tử cho rằng một công ty lớn như Facebook gia nhập lĩnh vực này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho việc áp dụng công nghệ.

Bitcoin đã tồn tại được hơn 10 năm, nhưng rất ít được sử dụng trong cuộc sống thường ngày, theo Jerry Brito, giám đốc điều hành tại Coin Center, một nhóm ủng hộ tiền điện tử phi lợi nhuận tại Washington.

Facebook có thể phải đổi mặt với nhiều rào cản pháp lý trước khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Tháng 4, Zuckerberg đã gặp gỡ với Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney và Bộ Tài chính Mỹ để thảo luận về hệ thống thanh toán mới cùng các ràng buộc pháp lý xung quanh nó.

Công ty cho biết họ sẽ không tìm cách bỏ qua quy định hiện hành, nhưng sẽ “cải tiến” trong lĩnh vực pháp lý. Libra sẽ sử dụng chính các quy trình xác minh và chống gian lận được sử dụng bởi các ngân hàng và thẻ tín dụng, đồng thời triển khai các hệ thống tự động phát hiện gian lận, Facebook cho biết trong buổi ra mắt. Công ty này cũng cam kết sẽ hoàn tiền cho các tài khoản bị hack hoặc có đồng Libra bị đánh cắp khỏi ví điện tử của người dùng.

Theo Minh Ngọc

NDH