Các diễn giả là doanh nhân nổi tiếng, nhà quản lý… đã chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giới trí thức Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản.
Nằm trong chuỗi sự kiện thuộc cuộc thi Viet Start-up Contest in Japan (VSC2019), sự kiện “Khởi nghiệp nên bắt đầu từ Tâm hay Trí?” vừa được tổ chức ở Nhật Bản nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của trí thức Việt Nam ở nước ngoài.
Sự kiện thu hút hàng trăm đại biểu ở đến từ nhiều lĩnh vực tham dự và chia sẻ cùng 5 khách mời của chương trình về chủ đề khởi nghiệp.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT cho hay, để khởi nghiệp, trước hết các start-up cần phải có động lực cá nhân và khát vọng lớn. Việc được tiếp thu nền giáo dục chất lượng tại Nhật Bản là thế mạnh giúp người khởi nghiệp tìm ra phương án giải quyết vấn đề một cách bài bản, từ đó có thể tổ chức quy mô công ty, tạo ra những giá trị lợi nhuận và xã hội. Bên cạnh đó, start-up cũng cần đặc biệt coi trọng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên chính giá trị của bản thân.
Trả lời câu hỏi “Khởi nghiệp nên bắt đầu từ Tâm hay Trí?”, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: “Không có giới hạn rõ ràng về người có thể trở thành một doanh nhân tuyệt vời. Điều làm cho một doanh nhân thành công trước tiên là do tâm thái của họ. Còn với các nhà khoa học muốn giải quyết những ‘nỗi đau’ của xã hội với các giải pháp sáng tạo – đó là trí, nhưng điều đó cũng xuất phát từ cái tâm muốn cải biến xã hội của start-up.”
Cũng tại sự kiện, các diễn giả như Nguyễn Tuấn Đức (CEO công ty Aimesoft), Đào Ngọc Thành (CEO công ty BAP IT Co.) cũng chia sẻ động lực giúp các bạn trẻ đối mặt với những khó khăn và thử thách, đặc biệt là khi công ty khởi nghiệp đang trong giai đoạn phát triển về chất và định hình giá trị cốt lõi.
Viet Startup Contest (VSC) 2019 là cuộc thi dành cho những ý tưởng mới, đột phá giúp giải quyết những vấn đề đang tồn tại ở Việt Nam hoặc góp phần xây dựng tương lai bền vững cho đất nước.
Ứng viên tham gia có cơ hội nhận được giải thưởng trị giá 1 triệu yen, được hướng dẫn và tư vấn từ những chuyên gia có kinh nghiệm để phát triển và mở rộng ý tưởng của mình.
Đối tượng tham gia là các cá nhân, tổ chức đến từ mọi quốc tịch, bất kể nơi sinh sống ở trong hay ngoài Nhật Bản. Ban tổ chức khuyến khích các ý tưởng đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và đây sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá, chấm điểm.
Cuộc thi được thực hiện bởi VANJ (Vietnamese Academic Network in Japan), VPJ (Vietnamese Professionals in Japan) và VinTech company.
Theo Vietnam+