Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Việt Nam sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tạo môi trường an toàn, đưa xã hội trở lại bình thường khi dịch bệnh kéo dài.
Trả lời VnExpress về chủ trương “sống chung an toàn với Covid-19” được đưa ra ngày 20/4, ông nói dịch bệnh trên thế giới được dự báo còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục đón công dân từ nước ngoài trở về; đồng thời tiếp nhận các chuyên gia, cán bộ ngoại giao, công nhân kỹ thuật tay nghề cao để phục vụ sản xuất kinh doanh. Những người này dù cách ly 14 ngày nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện các ca bệnh. Hơn nữa, số người nước ngoài đã vào Việt Nam giai đoạn trước vẫn cần tiếp tục rà soát vì có thể mang mầm bệnh.
Cùng với nguy cơ từ bên ngoài, trong nước đã xuất hiện ca lây nhiễm ở cộng đồng. “Vì vậy, Ban chỉ đạo quốc gia chống Covid-19 thống nhất, thời gian tới phải có biện pháp sống chung an toàn với dịch bệnh”, ông Tuyên nói.
Thực hiện chủ trương này, ông Tuyên cho rằng cần tiếp tục duy trì khai báo y tế, cách ly người nhập cảnh để ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Người có biểu hiện nghi ngờ được xét nghiệm ngay. Nhà chức trách cần “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát người nghi nhiễm. Những nơi có nguy cơ cao sẽ được tập trung giám sát chặt chẽ. Khi có ổ dịch sẽ khoanh vùng, dập. Thời gian qua, việc khoanh vùng ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Trúc Bạch, Hạ Lôi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã giúp kiểm soát Covid-19 hiệu quả.
Người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách khi giao tiếp. Bộ Y tế sẽ cập nhật các biện pháp mới để phù hợp với tình hình dịch bệnh từng giai đoạn.
“Nếu thực hiện tốt các giải pháp trên, Việt Nam sẽ tạo được môi trường an toàn để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đưa xã hội trở lại bình thường trong điều kiện dịch bệnh”, Thứ trưởng Tuyên nói.
PGS Nguyễn Huy Nga (cựu Cục trưởng Y tế dự phòng) cũng cho rằng, những ngày qua, ca nhiễm nCoV mới giảm dần đã cho thấy biện pháp cách ly xã hội có hiệu quả tốt. Những ổ dịch nhỏ vẫn xuất hiện song không bùng phát quy mô lớn. “Đây là điều kiện để Việt Nam nới lỏng từng bước các biện pháp giãn cách xã hội; khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế”.
Theo ông, Chính phủ căn cứ tình hình dịch bệnh ở từng địa phương để hạ dần cấp độ nguy cơ. Với tỉnh thành nhóm nguy cơ cao, nếu đảm bảo điều kiện phòng chống dịch hiệu quả thì xuống nhóm nguy cơ. Ngược lại, nhóm tỉnh thành nguy cơ thấp cũng không được chủ quan tháo gỡ hoàn toàn các biện pháp giãn cách xã hội, mà thực hiện từng bước.
Chính phủ và các địa phương nên ưu tiên nới lỏng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh ít có nguy cơ lây nhiễm. Cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ được mở cửa. Xe khách liên tỉnh và chuyến bay trong nước giữa các địa phương nhóm nguy cơ và nguy cơ thấp nên được hoạt động trở lại. Các khu du lịch chỉ đón khách trong nước. Tuy nhiên, nhà chức trách cần khuyến cáo các cơ sở ăn uống, quán cà phê, quán bar… đón số lượng khách vừa phải, thường xuyên vệ sinh phòng dịch bệnh.
Ông Nga đề nghị Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách hạn chế nhập cảnh để ngăn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. “Sẽ khó kiểm soát nếu nới lỏng chính sách hạn chế nhập cảnh”, ông nói và dự báo đến cuối tháng 4, dịch bệnh ở Việt Nam có thể được đầy lùi nhưng người dân không nên chủ quan.
Hôm nay, Thường trực Chính phủ sẽ họp để quyết định các biện pháp nới lỏng hoạt động xã hội.
Theo VNE