Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Thói quen tiêu dùng của người Việt thay đổi rõ rệt sau giãn cách

Theo khảo sát của Kanta WorldPanel, 77% hộ gia đình Việt Nam và 74% hộ gia đình ở 9 quốc gia khác trong khu vực châu Á sẽ mua sắm theo cách ít bốc đồng hơn, chú trọng về giá trị trực tiếp của sản phẩm và tập trung yếu tố giá bán và các chương trình khuyến mãi.

So với các đợt dịch trước đây, làn sóng Covid-19 hiện tại ảnh hưởng nghiêm trọng hơn lên nền kinh tế dẫn đến sự suy giảm niềm tin tiêu dùng. Mặc dù bắt đầu cải thiện từ tháng 9, niềm tin của người tiêu dùng vào tình hình kinh tế vẫn ở mức thấp so với ngưỡng bình thường.

Trong 3 quý của năm 2021, chỉ 65% hộ gia đình Việt Nam tại 4 thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) đồng ý rằng tình hình kinh tế của họ sẽ tốt hơn hoặc không thay đổi nhiều trong 12 tháng tới, phục hồi chậm qua các quý và vẫn thấp hơn ngưỡng bình thường (trên 80%). 

Dưới tác động của làn sóng Covid-19, người dân đang gia tăng sự lo ngại về thu nhập hộ gia đình, khả năng duy trì việc làm và đặc biệt là chi phí thực phẩm.

Theo khảo sát của Kanta WorldPanel, 54% hộ gia đình đang phải đối mặt với các vấn đề tài chính, mức cao nhất lịch sử trong hai năm qua. 

Liên quan đến nhóm thu nhập, hơn 50% hộ gia đình có thu nhập dưới 17 triệu đồng/tháng (tương đương 736USD/tháng) đang gặp nhiều khó khăn tài chính hơn, cho thấy khả năng thắt chặt chi tiêu và sự chuyển dịch trong tiêu dùng sản phẩm trong thời gian tới. Khó khăn về tài chính theo đó có thể khiến nhu cầu tiết kiệm tăng cao, tác động đến hành vi tiêu dùng trong mùa mua sắm Tết sắp đến.

Những thay đổi hành vi trong chi tiêu hộ gia đình xuất phát từ ảnh hưởng của giai đoạn giãn cách xã hội.

Theo khảo sát của Kanta WorldPanel, 77% hộ gia đình Việt Nam và 74% hộ gia đình ở chín quốc gia khác trong khu vực châu Á sẽ mua sắm theo cách ít bốc đồng hơn và nhận thức nhiều hơn về sản phẩm sẽ mua so với trước giãn cách, dẫn đến sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng sang sự chú trọng về giá trị trực tiếp, trong đó tập trung vào các lợi ích hữu hình cụ thể hơn cho khách hàng để mang lại giá trị tức thì cho người mua.

Hơn nữa, do tầng lớp thu nhập trung bình và thu nhập thấp hơn ở Việt Nam đã bị ảnh hưởng rõ rệt bởi Covid-19, nên khách hàng sẽ nhạy cảm hơn về giá trong thời gian tới. Lần lượt 80% và 70% hộ gia đình Việt Nam đang quan tâm ngày càng nhiều hơn đến yếu tố giá cả và khuyến mãi sản phẩm. Mối quan tâm này đã tăng lên theo từng quý trong giai đoạn 2020-2021 nhờ sự thúc đẩy từ ảnh hưởng của Covid-19 đối với thu nhập hộ gia đình.

Đối với các ngành hàng, nhu cầu FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) tiếp tục tăng trong giai đoạn bình thường mới để phục vụ hoạt động tiêu dùng tại nhà khi người dân vẫn muốn hạn chế các hoạt động công cộng đông người.

Trong số những thay đổi do Covid-19 mang lại, người dân vẫn lựa chọn tiêu dùng ở nhà nhiều hơn và ưu tiên sức khỏe hơn. Trong đó, 43% người tiêu dùng đồng ý tập trung vào mua sắm trực tuyến, tiếp theo là dành thời gian cho gia đình (30%), ăn uống lành mạnh hơn (30%), tăng cường vệ sinh (27%) và tập thể dục/rèn luyện sức khỏe tại nhà (26%).

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ghi nhận, ngày càng nhiều công ty F&B cố gắng chuyển hướng sản phẩm sang phục vụ nhu cầu ăn uống tại nhà. Khi cuộc sống gia đình ngày càng trở nên quan trọng, các sản phẩm chế biến sẵn, đặc biệt có hương vị tương đồng với các sản phẩm tiêu dùng bên ngoài và giúp khách hàng rút ngắn thời gian chế biến dự kiến sẽ được tiêu thụ tích cực hơn.

Nhiều dòng sản phẩm F&B phục vụ xu hướng tiêu dùng này như trà đào, cappuccino, snack… ghi nhận mức thâm nhập tốt trong những quý gần đây. Riêng mì ăn liền Kokomi 90 với dung tích lớn hơn 20% loại truyền thống, trong khi giá bán không thay đổi đã chiếm 14% thị phần ở khu vực thành thị. 

Doanh thu từ các sản phẩm thay thế bữa ăn tại nhà của Masan Consumer đã tăng trưởng ở mức cao hai con số trong 9 tháng 2021. Trà đen hương đào C2 và Nescafe Barista lần lượt đạt tỷ lệ thâm nhập là 7,2% và 3,7% trong năm 2021, trong khi trà sữa đường đen Nutimilk đang thúc đẩy nhanh hơn xu hướng tiêu dùng nước giải khát tại nhà. Một số các sản phẩm khác như bia, nước ngọt có ga… cũng cải thiện nhiều hơn để tăng thị phần đồ uống tại nhà.

Song song với đó, dịch vụ giao nhận thực phẩm phát triển với tỷ lệ chấp nhận bởi người tiêu dùng gia tăng nhanh chóng và có tiềm năng mở rộng rất lớn khi mua sắm trực tuyến trở thành xu hướng phát triển nhanh nhất khi so sánh với giai đoạn trước đại dịch.

Mức độ thâm nhập của mua sắm trực tuyến FMCG đạt 48% ở bốn thành phố trọng điểm và 19% ở thị trường nông thôn, tăng lần lượt 10% và 3% theo giá trị tuyệt đối so với năm ngoái.

Theo Kanta WorldPanel, 76% người mua hàng tại Việt Nam đặt bữa ăn tại nhà ít nhất một lần một tháng và 22% người mua hàng tại Việt Nam đặt bữa ăn tại nhà ít nhất một lần một tuần, thể hiện rằng ngành giao nhận thực phẩm đang được thúc đẩy nhanh hơn nhờ tác động của Covid-19 và đang dần trở thành một thói quen tiêu dùng tại Việt Nam.

Kanta WorldPanel chỉ ra rằng 61% người tiêu dùng lựa chọn gia tăng sử dụng dịch vụ giao nhận thực phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại nhà và tại công sở gia tăng, trong khi 56% người tiêu dùng đồng ý giảm nhu cầu đi ăn ngoài trong thời gian tới. 

Hơn nữa, sự ưa thích ăn uống tại nhà nhiều hơn sẽ được đáp ứng nhờ sự phát triển của các đối tác giao nhận thực phẩm độc lập tại Việt Nam, với 87% người mua thực phẩm tại Việt Nam đang sử dụng dịch vụ đặt hàng từ bên thứ 3, tỷ lệ gần như tương đương với Trung Quốc và Indonesia.

Theo The Leader