Hội nghị thượng đỉnh cuối tuần qua của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Bangkok đã có những dấu hiệu hy vọng cho thấy các cuộc đàm phán trong năm nay về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực 16 quốc gia (RCEP) đang được hoàn tất.
Trong tuyên bố cuối cùng của Chủ tịch ASEAN được đưa ra vào ngày 3/11/2019, nhóm 10 quốc gia đã tán đồng rằng Hiệp định RCEP sẽ được ký vào năm 2020. Điều này sẽ đóng góp đáng kể vào một hệ thống thương mại quốc tế mở, bao gồm các quy tắc và khả năng mở rộng chuỗi giá trị.
Động lực mới để đạt được thỏa thuận đã đến từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – điều đã đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau khi Thủ tướng Li Keqiang gặp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cho rằng kết luận sớm của các cuộc đàm phán RCEP sẽ đặt nền tảng cho tiến trình hội nhập kinh tế Đông Á.
Nhưng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thậm chí không đề cập đến các cuộc đàm phán RCEP khi phát biểu khai mạc tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. Thay vào đó, ông chỉ nói về việc xem xét thỏa thuận thương mại hiện có giữa ASEAN và Ấn Độ.
Trong các bài đăng trên Twitter sau khi gặp các nhà lãnh đạo Thái Lan và Indonesia, Thủ tướng Ấn Độ cũng không đề cập đến khối thương mại chung – nơi 16 quốc gia sẽ chiếm một phần ba tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và gần một nửa dân số thế giới. Nhưng Ấn Độ tỏ ra đang lo lắng về một khả năng làn sóng hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập Ấn Độ.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó đã nói tại một cuộc họp báo với các phương tiện truyền thông, chúng ta hãy đưa ra tất cả các câu hỏi về RCEP vào ngày mai. Các nước Đông Nam Á đã hy vọng ít nhất một thỏa thuận tạm thời có thể được công bố vào thứ Hai 4/11/2019.
Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Narumon Pinyosinwat nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi chưa có một kết luận nào. Nó sẽ được công bố khi đạt được. Các Bộ trưởng thương mại vẫn đang thảo luận về các vấn đề nổi bật. Việc ký kết dự kiến vào khoảng tháng 2 năm 2020”.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu khai mạc chính thức tại hội nghị ASEAN rằng 16 quốc gia trong khối thương mại tiềm năng phải đi đến thỏa thuận trong năm nay để kích thích tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư.
Ông nhấn mạnh về những rủi ro của ma sát thương mại và cạnh tranh chiến lược địa lý trong khu vực.
Một số quốc gia đã nâng cao khả năng thành lập một khối bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand mà không có Ấn Độ. Nhưng Bộ trưởng thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit nói với Reuters vào ngày 3/11/2019, rằng Ấn Độ không từ bỏ việc tham gia vào khối chung này.
Với các nước Đông Nam Á, có một lợi thế khác khi Ấn Độ làm đối trọng khá nặng trong khối. Đó là hiệp định thương mại chung sẽ ít bị Trung Quốc thống trị hơn. Là đối thủ lâu đời của nhau, Trung Quốc và Ấn Độ, đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Gần đây, hai bên lại có những xung đột bằng lời nói về quyết định của Ấn Độ đối với việc chính thức thu hồi quyền tự trị tiểu bang đa số Hồi giáo Kashmir.
Quyết định của Mỹ gửi một phái đoàn cấp thấp hơn tới các hội nghị thượng đỉnh năm nay đã làm dấy lên mối lo ngại trong khu vực rằng Mỹ không còn có thể là chỗ dựa như một đối trọng với Trung Quốc – quốc gia đang tăng cường sức mạnh khu vực.
Thay vì Tổng thống Donald Trump hoặc Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien sẽ đại diện cho Mỹ tham gia Hội nghị lần này.
Người phát ngôn của Thái Lan cho biết một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN theo kế hoạch đã thay đổi. Thay vào đó sẽ là cuộc họp giữa phái đoàn Mỹ với đại diện ba nhà lãnh đạo từ cuộc họp khối 10 quốc gia.
Theo DNSG