“Cuộc khủng hoảng” mang tên Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành F&B, khiến hàng loạt doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều bài toán đầy thách thức. Đây cũng là lúc thị trường các thương hiệu nhượng quyền phân hóa rõ rệt thành hai nhóm: duy trì và phát triển hoặc chấp nhận bị đào thải.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã tiến hành một cuộc “chọn lọc tự nhiên” tàn khốc nhất trong ngành F&B Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Những cửa hàng nhỏ lẻ hoạt động thiếu hiệu quả đã phải đóng cửa trong tháng 2/2020. Tới tháng 3/2020, đến lượt các chuỗi F&B lớn cũng bị Covid-19 “điểm mặt chỉ tên”. Theo số liệu từ Bộ KHĐT, Trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Lưu Trú & Ăn Uống rút khỏi thị trường đã tăng thêm hơn 71% so với cùng kỳ năm 2019, con số thực tế có thể cao hơn.
Tuy nhiên, đồng hành cùng thách thức luôn là những cơ hội được mở ra. Trong giai đoạn nhiều thương hiệu phải đóng cửa hàng loạt do ảnh hưởng của Covid-19, một số doanh nghiệp dịch vụ ăn uống có lượng khách thường xuyên và ổn định như Sữa chua trân châu Hạ Long, Trà chanh Bụi Phố, Cơm niêu Singapore Kombo, Trâu Ngon Quán, Chuỗi nhà hàng Bay Buffet, Bò Tơ Quán Mộc… không chỉ trụ vững mà còn mở rộng hình thức kinh doanh. Những doanh nghiệp lớn với hệ thống phủ rộng này vẫn đang duy trì trong thời kỳ khủng hoảng, chứng tỏ khả năng thích nghi với các biến động và sự phát triển ổn định của doanh nghiệp.
“Trong nguy có cơ” là nhận định của nhiều chuyên gia và các nhà đầu tư trong thời điểm hiện nay. Nếu nắm bắt được cơ hội do giá mặt bằng giảm sâu, có nhiều vị trí thuận lợi cùng sự chuyển đổi từ offline sang online, chuyển đổi sang quảng bá và hợp tác với các dịch vụ giao hàng tận nơi,… thì đây là thời điểm lý tưởng để doanh nghiệp vừa củng cố nền tảng, vừa xây dựng kế hoạch để tăng tốc sau mùa dịch. Đồng thời cũng là thời điểm vàng để các nhà đầu tư gia nhập vào thị trường F&B với nhiều cơ hội nhượng quyền với lợi nhuận hấp dẫn và độ an toàn cao.
Trong giai đoạn khó khăn khi nhiều doanh nghiệp F&B phải đóng cửa, tạm ngừng hay hoạt động ở mức duy trì, một số thương hiệu trong ngành ăn uống vẫn đều đặn khai trương cửa hàng mới và mở rộng quy mô dưới hình thức mời nhượng quyền thương hiệu. Đơn cử như Sữa chua trâu châu Hạ Long nổi lên như một cơn sốt từ cuối năm 2019 đến hiện tại vẫn chưa hạ nhiệt với hệ thống hơn 70 cửa hàng nhượng quyền trên toàn Hà Nội. Hay các thương hiệu trà chanh đường phố với mô hình kinh doanh đơn giản, bắt đúng xu hướng tiêu dùng của giới trẻ cũng đã tận dụng lợi thế thời kỳ hậu dịch để mở rộng hệ thống cửa hàng nhượng quyền. Một cái tên đáng chú ý khác thuộc nhóm thương hiệu đồ ăn là KOMBO – Thương hiệu cơm niêu Singapore với hệ thống nhà hàng rộng khắp Hà Nội, nhờ có sản phẩm độc đáo cùng dịch vụ chuyên nghiệp, giá cả phù hợp, thương hiệu này đã phục hồi mạnh mẽ sau dịch.
Ngành F&B tại Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng, doanh thu toàn thị trường vào khoảng 200 tỷ USD trong năm 2019 (theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista) và con số này có thể tăng gấp đôi, đạt 408 tỷ USD vào năm 2023. Khi cơn khủng hoảng Covid-19 đã phần nào được khống chế, toàn xã hội quay trở lại thiết lập trạng thái bình thường mới, tin rằng thị trường nhượng quyền thương hiệu F&B sẽ sớm nhộn nhịp trở lại và mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới cho các cá nhân, doanh nghiệp muốn gia nhập mảnh đất màu mỡ và tiềm năng này.
Theo Cafebiz