Đồng USD tăng và yếu tố cung – cầu tích cực đã khiến giá một loạt các mặt hàng trên thị trường quốc tế đi xuống trong phiên giao dịch vừa qua.
Dầu giảm khoảng 1% do tồn trữ dầu của Mỹ và sản lượng của Saudi Arabia tăng
Giá dầu thô tiếp tục giảm thêm khoảng 1% sau khi số liệu cho thấy tồn trữ dầu của Mỹ nhiều hơn dự kiến trong khi Saudi Arabia cũng khôi phục sản lượng nhanh hơn dự đoán.
Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 71 US cent, tương đương 1,1%, xuống 62,39 USD/thùng; dầu Tây Texas giảm 80 US cent, tương đương 1,4%, xuống 56,49 USD/thùng. Chỉ số dollar index mạnh lên cũng góp phần gây áp lực giảm giá lên mặt hàng dầu mỏ.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ tuần qua đã tăng 2,4 triệu thùng chứ không giảm 249.000 thùng như tính toán của các nhà phân tích, số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết.
Trong khi đó, nguồn tin Reuters cho hay, Saudi Arabia đã khôi phục công suất sản xuất về mức 11,3 triệu thùng/ngày. Tồn trữ dầu của nước này vẫn duy trì ở mức vừa phải.
Tổng thống Donald Trump vừa thông báo rằng có thể đạt một thỏa thuận để kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài đã gần 15 tháng với Trung Quốc sớm hơn so với suy nghĩ của mọi người. Ông cũng nói rằng đã thấy “con đường dẫn tới hòa bình” trong quan hệ với Iran. Những phát ngôn này không những không đẩy giá dầu tăng lên mà còn góp phần kéo giá đi xuống.
Kim loại quý nhất loạt giảm
Giá vàng giảm 2% từ mức cao kỷ lục nhiều tuần do thiếu chắc chắn về tình hình chính trị, nhất là cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ khiến nhà đầu tư lại chuyển hướng sang mua USD thay vì vàng.
Cuối phiên, giá vàng giao ngay giảm 1,8% xuống 1.504,61 USD/ounce, đầu phiên có lúc vàng giao ngay giảm sâu tới 2% xuống 1.501,55 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 1,8% xuống 1.512,3 USD/ounce. Dollar index đã chạm mức cao nhất 2 tuần trong phiên vừa qua.
Tuy nhiên, thị trường vàng vẫn đang trong xu hướng tích cực bởi được hỗ trợ từ một số yếu tố chưa được giải quyết như vấn đề ở Trung Đông hay thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Về các kim loại quý khác, giá palađi giảm 1,7% xuống 1.644.37 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt kỷ lục cao 1.676,53 USD lúc đầu phiên. Kim loại này đã tăng hơn 20%, tương đương gần 300 USD, từ mức thấp nhất gần 2 tháng hồi đầu tháng 8 do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngành mạ ô tô. Giá bạc cũng giảm 3,5% xuống 17,93 USD/ounce, trong khi bạch kim giảm 2,8% xuống 926,67 USD/ounce.
Đất hiếm xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ tháng 8/2019 cao nhất nhiều năm
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu đất hiếm của nước này sang Mỹ trong tháng 8/2019 đạt mức cao nhất ít nhất kể từ 2016, gây lo ngại Bắc Kinh có thể hạn chế bớt nguồn cung giữa bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ tháng 8 vừa qua đã tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 453.473 kg . Đây là mức cao nhất kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một nhà máy đất hiếm hồi tháng 5. Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc sang Mỹ tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 2.984 tấn.
Tổng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua đạt 4.352 tấn, giảm 17% so với tháng 7/2019. Ngày 20/9 vừa qua Trung Quốc đã tổ chức một Hội nghị đất hiếm ở Baotou, Nội Mông, nhưng hội nghị năm nay không mở cửa cho người nước ngoài.
Việc đảm bảo nguồn cung đất hiếm nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Scott Morrison tại Washington vào tuần trước. Lynas Corp của Australia là hãng sản xuất đất hiếm lớn duy nhất bên ngoài Trung Quốc.
Đồng và nickel tăng
Giá đồng hồi phục sau phát biểu của ông Trump làm dấy lên hy vọng có khả năng Mỹ – Trung sớm kết thúc cuộc chiến thương mại. Đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn London tăng nhẹ 0,1% lên 5.786 USD/tấn.
Nickel tiếp tục đi lên, tăng 0,8% trong phiên vừa qua lên 17.325 USD/tấn (kỳ hạn giao sau 3 tháng) sau khi số liệu cho thấy nhập khẩu niclel tinh luyện của Trung Quốc tháng 8/2019 tăng gần gấp đôi so với cùng tháng năm ngoái,trong khi xuất khẩu từ Indonesia – nước sản xuất nickel hàng đầu – cũng tăng 26,5%.
Đường thô cao nhất 1,5 tháng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 vừa tăng 0,5 US cent (2,4%) lên 11,8 US cent/lb, cao nhất kể từ 12/8/2019; đường trắng cũng tăng 8,7 USD (2,63%) lên 339,6 USD/tấn (kỳ hạn tháng 12/2019).
Tập đoàn Unica của Brazil thông báo sản lượng đường thô từ đầu niên vụ 2019/20 cho tới thời điểm này đạt 20 triệu tấn, tức là thấp hơn 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bông thấp nhất 2 tuần
Giá bông trên sàn New York đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần gần đây do khối lượng giao dịch ít bởi nhu cầu giảm do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Giá bông đã giảm gần 18% từ đầu năm tới nay vì lý do này.
Hợp đồng giao dịch bông kỳ hạn tháng 12/2019 đã giảm 0,1% xuống 60.35 US cent/lb vào cuối phiên, trong phiên giao dịch trong khoảng 59,63 – 60,9 US cent/lb.
Cao su giảm
Giá cao su trên thị trường Tokyo giảm do triển vọng kinh tế u ám và tồn trữ cao su tăng trong bối cảnh lo lắng nhu cầu lốp xe sẽ yếu đi.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3 năm sau giảm 1,3 JPY, tương đương 0,0121 USD hay 0,8%, xuống 166,8 JPY/kg. Hợp đồng kỳ hạn tháng 1 năm tới ở Thượng Hải cũng giảm 130 CNY (18,26 USD0 xuống 11.805 CNY/tấn; cao su TSR20 của Trung Quốc giảm 1,2% xuống 10.050 CNY/tấn.
Dịch tả lợn nóng lên ở Hàn Quốc trong khi sản lượng của Trung Quốc dần hồi phục
Hàn Quốc xác nhận đã xảy ra trường hợp lợn bị nhiễm dịch tả thứ 6 ở nước này. Tới nay, đã có hơn 20.000 con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi, chiếm 0,4% trong tổng đàn lợn khoảng 12,3 triệu con ở nước này.
Trong khi đó tại Trung Quốc, sản xuất lợn đang dần hồi phục nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ. Đầu tháng 9/2019, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt chính sách hỗ trợ sản xuất thịt lợn giữa bối cảnh giá mặt hàng này tăng lên mức cao kỷ lục. Đó là: hỗ trợ xây dựng trang trại trên quy mô lớn, đơn giản hóa thủ tục và giảm chi phí thuê đất nuôi lợn. Nhiều tỉnh của nước này cũng công bố kế hoạch tăng cường nuôi lợn để ổn định nguồn cung.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 26/9
Theo Cafe F