Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Thị trường bảo hiểm nhân thọ đang tăng trưởng với tốc độ cao

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Đã chi trả bồi thường hơn 14 nghìn tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo mới nhất của của các doanh nghiệp bảo hiểm, tính đến đầu tháng 10/2019, tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 74.477 tỷ đồng, tăng trưởng 24,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp thị trường bảo hiểm nhân thọ duy trì tăng trưởng với tốc độ cao từ 25-30%/năm. Các sản phẩm bảo hiểm được đa dạng hóa với hơn 450 sản phẩm thuộc tất cả các nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của hơn 9,8 triệu người tham gia bảo hiểm với tổng số tiền bảo hiểm hơn 2,1 triệu tỷ đồng.

Cũng tính đến tháng 10/2019, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 353.428 tỷ đồng, tăng 22,18% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 80% tổng tài sản của toàn thị trường. 

Từ đó, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư trở lại nền kinh tế là 327.916 tỷ đồng, tăng trưởng 24%, chiếm 88,6% tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của cả thị trường bảo hiểm. 

Tổng dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 247.888 tỷ đồng, tăng trưởng 17,3% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 89,7% tổng dự phòng nghiệp vụ của toàn thị trường.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng đã chi trả tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm hơn 14.400 tỷ đồng, giúp các tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm xây dựng và thực hiện các kế hoạch tài chính, tiết kiệm, bảo vệ tài chính trước các rủi ro trong cuộc sống, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Theo ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, với chức năng thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp tích cực để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

Về cơ chế chính sách, thời gian qua, khung khổ pháp luật đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã không ngừng được hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, công khai, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, phù hợp với các chuẩn mực và cam kết quốc tế của Việt Nam.

Khi tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đều được đối xử bình đẳng, các quy định pháp luật luôn đảm bảo bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư. Bộ Tài chính đã đề nghị đã cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm. 

Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, các điều kiện đối với đại lý bán sản phẩm liên kết chung, liên kết đơn vị đã được đơn giản hóa, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng mạng lưới, phát triển hoạt động kinh doanh.

Đáng chú ý, trước tác động của cuộc cách mạng công nghệ thông tin 4.0 và các cải cách trong công nghệ được ứng dụng ngày càng rộng rãi, nhằm tạo tiền đề cho các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai ứng dụng bảo hiểm kỹ thuật số, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 165/2018/NĐ-CP, bổ sung hướng dẫn đối với các giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm.

Cũng theo ông Ngô Việt Trung, Bộ Tà chính cũng đã tăng cường công tác quản lý, giám sát cũng được nâng cao chất lượng, kết hợp linh hoạt giữa quản lý, giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ. Cơ chế trao đổi, đối thoại được tăng cường để nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của doanh nghiệp, các vướng mắc và đề xuất từ thị trường.

Hoàn thiện cơ chế chính sách

Ngày 28/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, với mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực.

Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ Tài chính đã đề ra hàng loạt các giải pháp đã được đề ra, bao gồm cả những giải pháp chung cho thị trường bảo hiểm và các giải pháp riêng đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

“Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng Luật bảo hiểm (sửa đổi), theo đó chuyển đổi mô hình quản lý, giám sát theo hướng quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro nhằm tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động quản trị tài chính, quản trị kinh doanh. 

Việc naỳ sẽ giúp tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh bảo hiểm, nâng cao chất lượng tăng trưởng của thị trường”, Lãnh đạo Cục Giám sát quản lý bảo hiểm nhận định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ nâng cao tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm công khai thông tin đầy đủ, toàn diện và kịp thời nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính sẽ đa dạng hóa phương thức và phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với cách mạng công nghệ 4.0, theo đó vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo đơn giản trong thẩm định và chi trả quyền lợi bảo hiểm cho đối tượng khách hàng sử dụng công nghệ cao, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, thận trọng cho doanh nghiệp bảo hiểm, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro tương ứng.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, để tiếp tục phát huy được thế mạnh và duy trì đà tăng trưởng nhanh, Bộ Tài chính đề nghị mỗi doanh nghiệp cũng cần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực về tài chính, tăng cường quản trị tài chính, quản trị rủi ro, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Theo VNB