Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Thị trường ăn vặt trăm tỉ đô của Trung Quốc: Cơ hội lớn cho các sản phẩm Việt Nam

Tiếc nuối vì nhà nhập khẩu đặt 12 tấn bánh chuối/tuần nhưng chỉ có thể cung cấp từ 3-5 tấn, bà Nguyễn Thị Các Thủy, Giám đốc Công ty Tây Cát tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Chúng tôi không thể nâng công suất bằng cách lắp đặt thêm máy móc bởi vì như vậy sẽ làm bánh bị mất đi vị truyền thống của sản phẩm thủ công”.

Thị trường lớn

Tây Cát hiện có nhiều khách hàng đến từ Trung Quốc, Singapore, Malaysia… đặt mua bánh chuối phồng nhưng Công ty chỉ cung cấp được một nửa nhu cầu. Chỉ là một doanh nghiệp nhỏ tại tỉnh nhưng lại thành công khi xuất khẩu sản phẩm cây nhà lá vườn. Xu hướng nhập khẩu sản phẩm cây nhà lá vườn đang được nhiều thị trường chọn để phục vụ nhu cầu ăn vặt ngày một tăng trong giới trẻ.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, các sản phẩm từ nông sản Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường thế giới. Các nước ưa chuộng sản phẩm làm từ nguyên liệu tự nhiên vì tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là Trung Quốc đang có mức tăng trưởng lớn về thị trường thức ăn vặt. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, cho hay, thức ăn vặt được đánh giá là một xu hướng tiêu dùng nhanh trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc. Các loại ngũ cốc (rang, chiên dầu, chiên phồng), hạt rang, chế phẩm từ đậu, trái cây khô, mứt, thủy hải sản khô… đang được tiêu thụ mạnh tại Trung Quốc.

Theo khảo sát của Vinamit, tỉ lệ tăng trưởng toàn ngành thức ăn vặt tại Trung Quốc trung bình đạt 3,58%/năm. Lượng thức ăn vặt tại nước này tiêu thụ năm 2017 là 16,93 triệu tấn, đến năm 2018 đạt 17,49 triệu tấn. Dự báo sản lượng thức ăn vặt tại Trung Quốc tiêu thụ năm 2019 sẽ tăng lên 18,26 triệu tấn.

“Xu hướng ăn vặt ở giới trẻ Trung Quốc bùng nổ, ăn vặt thậm chí được nhiều người chọn thay thế ăn cơm. Chỉ số sản lượng, doanh số tăng từ 4-10%/năm và ngày càng tăng trưởng mạnh. Xu hướng đồ ăn vặt trở thành thức ăn chính và thức ăn chính trở thành đồ ăn vặt. Gạo được dùng làm bánh, ăn thay cơm; các loại rau, trái cây được chế biến khô, làm bánh. Đặc biệt, bánh làm từ rau, trái cây giữ được vitamin, khoáng chất và cả vi khuẩn thông qua công nghệ sấy lạnh được ưa chuộng.

“Doanh nghiệp Việt cần bắt kịp xu hướng, đánh mạnh vào phân khúc này”, ông Viên chia sẻ. Vì nếu tính về giá trị, quy mô thị trường thức ăn vặt ở Trung Quốc tăng theo cấp độ nhân, năm 2017 tăng lên 484,9 tỉ nhân dân tệ, năm 2018 đạt 500 tỉ nhân dân tệ và mục tiêu năm 2019 đạt hơn 543,9 tỉ nhân dân tệ (76 tỉ USD).

Tuy nhiên, ông Viên cũng lưu ý, doanh nghiệp phải giữ được hương vị tự nhiên và không nên lạm dụng chất hóa học. Đừng nghĩ người tiêu dùng Trung Quốc dễ tính, ngược lại họ rất nhạy, phát hiện ra sản phẩm không có hương vị tự nhiên họ sẽ ngưng nhập hàng ngay. Trước đây, đã có doanh nghiệp xuất khẩu mít tươi của Việt Nam bán rất chạy, nhưng vào mùa mưa mít bị nhạt, Trung Quốc ngưng mua ngay. Vì vậy, muốn xuất khẩu thành công đòi hỏi các doanh nghiệp phải tham gia vào chuỗi để có được nguồn nguyên liệu canh tác theo xu hướng sinh học để đảm bảo chất lượng, hương vị.

Làm ăn ở Trung Quốc

Cũng theo ông Viên, các doanh nghiệp nên tập trung vào sản phẩm xanh, an toàn và xây dựng chuỗi sản xuất phù hợp với nhiều thị trường. Đối với thị trường rộng lớn như Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam có thể bán cho các nhà phân phối hoặc trưng bày sản phẩm ở các siêu thị. Tuy nhiên, nên ưu tiên bán hàng qua kênh siêu thị bởi đây là cách tốt nhất để xuất khẩu hàng hóa qua các kênh chính ngạch.

“Thức ăn vặt trên thế giới ngày càng được sáng tạo, họ làm “áo” hạt đậu phộng bằng cà phê; chế biến bột hoành thánh thành sản phẩm snack ăn chơi; chanh sấy khô; chanh detox, nước giấm từ trái nhãn để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Đó là cách gia tăng giá trị sản phẩm”, chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng chia sẻ.

Bằng kinh nghiệm 20 năm xuất khẩu hàng sang Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên đưa ra lời khuyên, ban đầu nên thâm nhập thị trường tỉ dân này thông qua kênh cửa hàng, siêu thị. Không nên tìm đầu mối ở phía Bắc, bán hàng cho họ đưa qua Trung Quốc như cách một số doanh nghiệp làm. Vì đây chỉ là kênh trung gian, nếu doanh nghiệp bán hàng cho đầu mối này thì hàng hóa phải qua quá nhiều khâu trung gian, bất lợi cho doanh nghiệp.

Sau khi thành công ở kênh cửa hàng, siêu thị, doanh nghiệp tiếp tục bán hàng online qua các kênh Taobao, Alibaba… Họ có thể mua trực tiếp hàng tại Việt Nam, hàng nhập tới kho ngoại quan doanh nghiệp không phải trả thuế, chỉ tính thuế khi bán hàng. Ngoài ra, ông Viên cũng lưu ý sự khác biệt văn hóa Trung Quốc và phải đổi tên thương hiệu khi bán hàng qua nước này. Vinamit xuất hàng sang Trung Quốc cũng đổi tên thành Đức Thành. Các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Starbucks, P&G đều phải đổi tên tại đây.

“Việc đổi tên cần làm ngay, vì càng về sau các thương hiệu càng phủ kín, khó thâm nhập. Và quan trọng nhất là phải bảo hộ được thương hiệu của mình. Doanh nghiệp nào dám tiên phong, kiên nhẫn thì sẽ thành công”, ông Viên nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Hạnh nhìn nhận, những sản phẩm nông nghiệp, lương thực thực phẩm dễ tiếp cận thị trường thế giới. Các nước đang chuộng sản phẩm từ thiên nhiên mang lại lợi ích cho sức khỏe. Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu, nông sản để làm ra các sản phẩm ăn vặt từ trái cây, rau củ để xuất khẩu.

Theo Nhip cau dau tu